Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Tội

Hỡi các con bé bỏng của ta, ta viết cho các con những điều này để các con không phạm tội. Nếu có ai phạm tội, chúng ta đã có một Đấng biện hộ trước Cha là Chúa Cứu Thế, đấng toàn thiện. Chính Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội chúng ta không thôi, nhưng còn vì tội của toàn thể nhân loại nữa.

I Giăng 2:1-2

Có những lúc trong đời sống chúng ta - Đêm Giao Thừa chẳng hạn hay vào một dịp nào quan trọng - chúng ta suy nghĩ về đời sống với toàn bộ đối tượng, ý nghĩa và mục đích. Chúng ta nghĩ về bản thân, chúng ta đã làm gì với đời mình, sẽ làm gì và tương lai tối hậu mà chúng ta phải đối diện là gì. Chúng ta rất có thể đã nhìn lại ngạc nhiên không hiểu sao mình đã xử sự và ứng xử được cho đến lúc này, cũng có thể là mỗi chúng ta đều mang một cảm nghĩ không mấy bằng lòng. Chúng ta ý thức rằng mình đã không làm như đáng phải làm và định làm. Chúng ta cũng cảm thấy thất bại và thiếu sót, đồng thời cũng ước muốn làm tốt hơn trong những ngày sắp tới. Quan trọng hơn cả là chúng ta có một lòng tin vững chắc về ý nghĩa và mục đích của đời sống.

Cái nguy hiểm của một thời điểm như vậy luôn luôn là chỉ có một cái nhìn rất phiến diện. Nan đề về các quyết tâm trong dịp đầu năm hay các dịp đặc biệt là các quyết tâm ấy riêng về một số sự việc đặc biệt, nhưng chúng ta lại không quan tâm đến những nguyên tắc đầu tiên. Nguy hiểm là chúng ta đối đầu với bệnh triệu thay vì với chính căn bệnh, hơn nữa chúng ta nhìn lại và duyệt qua quá khứ. Chúng ta có thói quen vào ngay chi tiết trước khi thực sự xét đến những nguyên tắc chính, và làm như thế đời sống thường hay có khuynh hướng trở thành vô ích.

Mộït trong những khó khăn của đời sống là không bị đời sống làm chủ. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng trở thành nạn nhân của hoàn cảnh, ngẫu nhiên và bất ngờ, và như thế cứ sống ngày này qua ngày khác trong cảm nghĩ khó chịu, lo âu, và rồi cố gắng bỏ đi hay quên đi, sau đó lại trở về đúng tình trạng khi trước. Thế rồi một biến cố lớn nào đó xẩy ra, như một cuộc ra đời, một cái chết, một bệnh tật hay một tai nạn, một chuyện không may đăng trên báo, hay chiến tranh, một chuyện tàn phá ở đâu đó, lúc ấy chúng ta lại ngưng tất cả lại, nghĩ ngợi, suy tư. Một lần nữa lại có cái cảm nghĩ bất mãn và khó chịu về chính mình, rồi suy nghĩ và định ra thực sự những hành động nào. Lúc ấy quyết tâm làm như vậy, nhưng chỉ vài ngày sau tình trạng căng thẳng ấy dịu đi và rồi mọi sự lại trở về như cũ.

Nói như thế nghĩa là thỉnh thoảng ta thấy có một cái gì đó sai nhưng lại chỉ chú trọng đến chi tiết mà không để tâm đến điều chính yếu. Kết quả là sự việc cứ như cũ, không hề đổi thay mảy may nào cả.

Kinh Thánh rất quan tâm về chuyện ấy. Thực ra đó là quan tâm chính của Kinh Thánh và cũng có cách giải quyết nan đề này.

Theo Kinh Thánh, một điều quan trọng hơn cả mà ta cần quan tâm khi nghĩ về cuộc đời là ta phải sóng phẳng với Chúa. Kinh Thánh chủ yếu là một cuốn sách có những nguyên tắc quan trọng. Dĩ nhiên là không đi vào chi tiết, nhưng chú trọng chính là vào các nguyên tắc căn bản. Kinh Thánh nhìn vào nhân sinh và dường như nói rằng: "Lối sống như thế cũng được nhưng sẽ không đem lại lợi ích nào cả vì đã bỏ quên điều căn bản. Nhân sinh lo chữa chạy các triệu chứng ở đằng ngọn, nhưng bỏ quên nan đề nằm ở dưới gốc." Chính vì vậy mà Kinh Thánh luôn luôn đưa chúng ta trở về với cái gốc đó, đó là mối tương giao của nhân sinh với đấng Tạo Hóa.

Nói cách khác, tất cả mọi nan đề trong đời sống chúng ta, theo Kinh Thánh, đều là do việc chúng ta có quan hệ không đúng đối với Chúa. Đây là phần chẩn bệnh của Kinh Thánh trong nhiều nghìn năm qua, và vẫn còn đúng như bao giờ, đó là tất cả nhưng tật bệnh và những điều bất hạnh chung cuộc đều bắt nguồn từ chỗ chúng ta đi xa khỏi Chúa và chúng ta không sống trong quan hệ với Ngài. Kinh Thánh khẳng định rằng chúng ta sẽ không được lợi gì nếu chúng ta không thực sự trở về với Thượng Đế. Nhân sinh có thể cải thiện chỗ này chỗ khác, nhưng trên căn bản con người hoàn toàn sai lạc, và cuối cùng tất cả đều không đạt được đến đâu cả.

Đây là chủ đề của Kinh Thánh từ đầu cho đến cuối, và các phương cách Kinh Thánh trình bầy sứ điệp này thật là vô cùng. Có khi ta nhận được lời dạy rõ ràng, trực tiếp không sơn phết, nhưng cũng nhận được qua những con người mà Kinh Thánh mô tả để minh họa, đó là những cuộc đời trìnhầy rọ giáo lý và lời dạy của Kinh Thánh.

Những nhân vật được gọi là các anh hùng của đức tin được ghi trong Hê-bơ-rơ chương 11 chẳng hạn. Đây chỉ là một số mẫu người trong danh sách dài mà chúng ta đọc được ở Kinh Cựu Ước. Có những người sống trên thế gian này y hệt như chúng ta, nghĩa là cũng cùng chịu các ảnh hưởng và gặp những sự việc xảy ra như chúng ta, tuy nhiên khi nhìn họ, chúng ta phải nhận rằng có một cái gì đặc biệt khác thường. Họ như những người đắc thắng trong đời, và bí quyết của họ theo như Kinh Thánh dạy chính là quan hệ với Chúa.

Đây là những người không sống phụ thuộc vào hoàn cảnh, họ có lối sống khác lạ là vì họ sống vối Chúa. Họ chịu những thử thách cam go, trải qua những nghịch cảnh vượt sức, nhưng vẫn có một yên lặng, bình tĩnh và hi vọng mà không gì phá hủy được. Mọi sự việc đều như sụp đổ chung quanh họ, nhưng họ vẫn tiến bước. Bí quyết của họ, theo thư Hê-bơ-rơ là lòng tin. Lòng tin là quan hệ đúng với Chúa và biết rõ Chúa. Họ gặp Đấng vô hình, như Hê-bơ-rơ 11:27 đã nói. Khi đã có quan hệ đúng với Chúa thì không còn bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, may rủi, điều kiện và những gì có mặt chung quanh nữa.

Đây chính là tiêu biểu cho những gì Kinh Thánh dạy và sứ điệp của Kinh Thánh cho chúng ta cũng chỉ căn bản là như thế. Người tin Chúa phải nắm vững điểm này, nếu chúng ta có quan hệ đúng với Chúa thì bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ điều gì đang chờ đón ta ở tương lai cũng không sao cả, không có gì phá hại được những con người đã tin Chúa và hết lòng sống với Ngài.

Kinh Thánh khẳng định rằng: nếu chúng ta sống với Chúa, chúng ta sẽ nhìn thẳng vào tương lai mà nói rằng:"Dù có gì chăng nữa linh hồn ta vẫn an vui." Chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng con người của chúng ta thay đổi để ứng xử đúng cách và làm chủ hoàn cảnh.

Chúng ta cần biết Chúa cho rõ và nếu Chúa kêu gọi chúng ta như Áp-ra-ham để làm một việc nào đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, hãy tiến bước như thấy Chúa là Đấng vô hình, và thực hiện việc ấy bằng lòng tin. Hoặc là như Môi-se, Chúa đưa đến một con đường phải lựa chọn mà mình không hiểu, nhưng vẫn không ngần ngại, 'lựa chọn chịu khổ với dân Chúa còn hơn hưởng mọi thú vui trong tội ác một thời gian.' (Hê-bơ-rơ 11:25). Như thế có khi chúng ta được Chúa gọi làm những điều mà đối với thường tình là điều nguy hại, nhưng khi có quan hệ đúng với Chúa, chúng ta sẽ hiểu được và không sợ hãi.

Đây chính là điều sứ đồ Giăng nói đến trong hai câu Kinh Thánh chúng ta đọc ở I Giăng 2:1,2.

Thư Giăng có lẽ được viết ra khoảng năm 85, lúc Giăng đã già lắm. Lối xưng hô của ông chứng tỏ điểm này, vì ông viết: "Hỡi các con bé bỏng của ta" nhưng không phải cho trẻ em mà cho các tín hữu người lớn trong Hội Thánh. Đối với Giăng, những tín hữu ấy như trẻ thơ, một số người tin Chúa qua công tác truyền giáo của ông. Nghĩa là ông đã từng dạy họ về đạo Chúa và lúc ấy, biết mình không còn sống bao lâu nữa trên đời, ông muốn nhắn nhủ đàn hậu sinh về những khó khăn,nguy cơ, thử thách, gian khổ mà họ sẽ phải chịu khi ông vắng mặt. Giăng viết: "

"Hỡi các con bé bỏng của ta, ta viết cho các con những điều này để các con không phạm tội. Nếu có ai phạm tội, chúng ta đã có một Đấng biện hộ trước Cha là Chúa Cứu Thế, đấng toàn thiện. Chính Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội chúng ta không thôi, nhưng còn vì tội của toàn thể nhân loại nữa."

Khi Giăng nghĩ đến những người học trò của mình, và nhìn lại đời mình, ông thấy có hai nguy cơ mà người tin Chúa luôn luôn phải đối diện. Thứ nhất, sự tự mãn; và thứ hai đối nghịch lại, sự tuyệt vọng. Hay nói khác đi, một bên là thỏa hợp, một bên là chán nản. Nan đề của đời người lúc nào cũng lởn vởn ở khoảng giữa hai cực này.

Có lúc chúng ta cảm thấy rất thỏa lòng và vui vẻ, chúng ta cho rằng mình bình thường, nhưng một lúc nào đó chúng ta lại cảm thấy hoàn toàn chán nản tuyệt vọng. Làm thế nào giữ được quân bình, nghĩa là tích cực, mạnh mẽ, xác định, tránh được hai thái cực kể trên? Giăng đã đưa ra một giải pháp. Sứ điệp của ông có hai phần - mệnh lệnh và lời an ủi; thúc giục và khuyến khích; mục tiêu và lời hứa. Hoặc là: Những gì tôi và các bạn phải làm và những gì Chúa luôn luôn sẵn sàng làm cho chúng ta căn cứ vào ân sủng vô hạn của Ngài.

Đây là hai điều quan trọng nhất cho chúng ta trong đời sống ở trần gian này mà chúng ta phải ghi nhớ nếu chúng ta muốn vui hưởng tương giao thật sự với Chúa. giăng nhắn nhủ những người ở lại là: "Ta sẽ qua đời, không ở với các con nữa, nhưng điều ta muốn các con không quên là phải luôn luôn bước đi với Chúa, và giữ mãi quan hệ không gián đoạn với Ngài. Nếu các on làm được như vậy thì có gì xảy ra cho các con cũng không quan trọng nữa."

Làm thế nào thực hiện? Giăng dạy và ra lệnh: "Ta viết cho các con những điều này để các con không phạm tội."

Nếu muốn biết Chúa và duy trì quan hệ với Ngài thì đừng phạm tội. Nhưng 'không phạm tội' nghĩa là gì? Muốn trả lời câu hỏi đó, ta cần trở lại câu hỏi căn bản, nghe như ấu trĩ, đó là: Tội là gì? Tại sao ta cần tránh phạm tội? Tội là bất tuân luật thánh của Chúa mà Ngài đã mạc khải cho. Tội là những gì bị Kinh Thánh lên án. Dù gì chăng nữa, nếu kinh Thánh dạy đừng làm thì ta nên tuân thủ. Kinh Thánh dạy: đừng giết người, trộm cắp, tà dâm. Tội là bất tuân luật Chúa.

Tội cũng có nghĩa là không tuân theo lương tâm cáo trách nữa. Bên trong chúng ta có một máy dò. Mỗi khi chúng ta làm điều gì sai, có tiếng nói ngăn cản, bảo ta không nên làm. Nếu ta nghe tiếng đó, biết sai lầm mà vẫn làm là phạm tội. Kinh Thánh không những dạy rằng khi nghi hoặc về việc gì thì đừng làm, nhưng còn đi xa hơn, bảo rằng: 'Bất cứ điều gì tựa như điều ác thì phải tránh đi' nữa.

Nói tổng quát hơn, tội là đời sống ta bị chế ngự bằng những ước vọng chứ không bằng sự chân thật.

Ngày nay người ta không còn ưa sự thật nữa, người ta muốn tự do làm những gì mình muốn làm. Nếu bị hỏi, người ta sẽ đáp: "Tại sao lại không? sợ gì mà không làm?" Câu nói như thế tiêu biểu cho tinh thần vô kỉ luật chế ngự bởi các ước muốn xấu xa, tham dục, tình dục chứ không do chân lý, sự thật thúc đẩy, nghĩa là không do sự biện biệt rõ điều gì là phải, điều gì là trái nữa.

Như thế sống một đời sống có tội là không còn do Chúa quản lý nữa và các ý nghĩ về Chúa không còn ở trung tâm của cuộc sống nữa. Nghĩa là không còn đặt câu hỏi: "Chúa muốn tôi làm gì, Chúa cấm gì" nữa. Lúc ấy con người bị cái mà Giăng gọi là "Thế gian" làm chủ. Đó là sống theo thế gian, có thái độ của thế gian. Đây là lối sống gạt Thượng Đế ra ngoài trừ ra trong các hoàn cảnh đau yếu hãi hùng hay là chết. Tức là Chúa không quản lý gì đời sống của những người ấy, nhưng các thứ khác quản lý. Tội là sống như Thượng Đế không tồn tại, coi con người có toàn quyền định đoạt và làm chủ toàn thể vũ trụ. Đó là cách nhìn tiêu cực về vấn đề tội.

Về phương diện tích cực, chúng ta là những người đi trong ánh sáng sẽ không bằng lòng chỉ nhìn vấn đề tội theo hướng tiêu cực, vì cách tốt nhất để tránh phạm tội là sống đời sống thánh thiện tích cực, nghĩa là bước đi trong ánh sáng. Nói khác đi là sống cho Chúa và vì vinh quang của Ngài. Giáo lý căn bản có ghi: "Mục tiêu chính của đời người là làm vinh danh Thượng Đế và vui hưởng Ngài vĩnh hằng." Đây cũng chính là cách để tránh phạm tội. Ta cần vạch cho rõ mục đích chính của đời minh, đó là tôn vinh Chúa trên mặt đất. Ta cần đặt việc tôn kính Chúa và sống theo ý Chúa ưu tiên trong mọi lĩnh vực của đời mình. Ta nên hỏi , không phải là: "Tôi muốn gì?" Nhưng là: "Chúa muốn như thế nào? Ý Chúa về việc này ra sao? Chúa đã mạc khải thế nào về chính Ngài và mục đích của Ngài?" Như thế ta nên khởi đầu bằng ước muốn sống cho vinh quang của Chúa, và nếu ta làm như vậy ta sẽ không phạm tội.

Đó là cách thứ nhất nhìn vào vấn đề tội theo hướng tích cực, và đó cũng là ý nghĩa của cây nói 'để chúng ta không phạm tội.' Nhưng ta đặt một câu hỏi nữa là: Tại sao ta không được phạm tội? Chúng ta sẽ tìm ra các câu trả lời và sẽ thấy rằng càng lý luận cho ra về vấn đề này càng hữu ích và sẽ càng không thể phạm tội được.

1. Trước tiên, tội là điều bị Thượng Đế lên án và ghét, vì đó là điều chống đối Chúa và bản chất thiêng liêng thánh khiết của Ngài. Nói như thế cũng đủ để ta phải tránh tội rồi, không cần phải lý luận gì thêm nữa. Tôi không được phạm tội vì Chúa đã cấm tôi phạm tội và tội là điều ghê tởm đối với Chúa.

2. Lý do thứ hai ta không nên phạm tội là vì tội trong bản chất của nó là sai lầm. Tội không phải là nan đề lớn nhất trong cuộc đời sao, chúng ta không khách quan mà nhận ra như thế sao? Dĩ nhiên là vì chúng ta chủ quan và là người trong cuộc nên luôn luôn viện ra cớ này cớ kia để bào chữa cho hành động của mình. Nhưng chúng ta cần nhìn tội trong hướng khách quan, nghĩa là thấy tội là xấu xa, nhơ bẩn, hôi thối với tất cả những gì tội đã phát sinh ra, và những tai hại mà nó đã đưa đến cho đời người. Nhìn thật rõ bản chất thật của tội chúng ta phải ghét bỏ nó, vì thế nên tội cũng thường lẩn tránh cái nhìn của chúng ta. Phải tránh tội vì tính chất xấu xa và vì nó mang bản sắc cong vẹo không ngay thẳng.

3. Lý do thứ ba khiến ta không nên phạm tội là vì chính tội lỗi ghê gớm đã gây ra đau chương cho Chúa của tôi; chính tội lỗi đã khiến con Thượng Đế từ trời cao vào trần gian tối tăm này. Điều làm cho Chúa Giê-xu phải hạ mình và chịu kẻ có tội trừng phạt, chính là ội; vì tội mà Chúa đã đổ máu trên thập giá khi những chiếc đinh đóng mạnh vào tay và chân Ngài; chính là tội đã đưa đến cơn đau đớn và hổ nhục trên thập giá - đó là tất cả những gì tội gây ra. Làm sao tôi là người tin Chúa Giê-xu mà còn phạm tội được. Làm sao ta có thể ưa thích điều đã làm khổ con Thượng Đế?

4. Lý do thứ tư ta không nên phạm tội là phạm tội tức là sỉ nhục tin mừng phúc âm, phản lại với chủ trương và quyền năng của tin mừng đó. Đây là phúc âm bảo rằng có thể ban cho ta quyền năng; một phúc âm đem đến sự sống và tái tạo sức mạnh. Như vậy nếu tôi phạm tội, tôi khước từ phúc âm và làm cho phúc âm ra vô ích, như thế tôi không được phép phạm tội.

Đây là lối trình bầy của toàn bộ Kinh Tân Ước về vấn đề thánh khiết và cũng là cách khuyến cáo chúng ta đừng phạm tội. Nói khác đi, chúng ta không nên cố gắng đầu hàng tội, cố gắng bỏ đi những gì Chúa đã ban cho mình để đắc thắng tội. Không! chúng ta phải quả quyết: "Tôi không được phạm tội vì Chúa lên án tội, vì tội tự nó là sai hỏng, vì tội gây đau thương hổ nhục cho Chúa Cứu Thế, và vì tội làm cho phúc âm ra vô ích." Đó là lý luận cần thiết mỗi khi ta nghĩ về tội và bị cám dỗ phạm tội. đó cũng là điều mà Kinh Tân Ước dạy: "Ta viết những điều này cho các con để các con không phạm tội." Chúng ta phải biết rõ lý do tại sao.

Sứ đồ Giăng trên căn bản quan tâm về việc chúng ta bước đi với Chúa và cách chúng ta tương giao với Ngài, vì thế nên viết: "Hỡi các con bé bỏng của ta, ta viết những điều này cho các con vì mục tiêu của tội là phá vỡ tương giao của các con với Chúa, và tức khắc loại chúng ta ra khỏi nguồn của mọi phúc hạnh. Nếu các con nói rằng muốn bước đi cùng với Chúa mà lại vẫn cố ý phạm tội là các con mâu thuẫn. Khi nào các con phạm tội, mối tương giao giữa các con và Chúa bị cắt đứt vì đó là một vi phạm quan trọng. Điều chủ yếu vẫn là mối tương giao với Chúa. Ta không biết tương lai các con sẽ có những gì; các con có thể bị thử thách, bức hại, sẽ có chiến tranh và những tai họa khốn khổ, sẽ có những điều kinh khủng chờ đón các con; nhưng điều căn bản vẫn là: Các con phải ngay thẳng trước mắt Chúa. Muốn vậy, các con đừng phạm tội, vì tội lỗi sẽ phá hỏng tất cả."

Không những thế, tội lỗi lại hoàn toàn mâu thuẫn với sự xưng nhận của chúng ta, vì chúng ta tuyên xưng là ghét tội lỗi và muốn được giải cứu khỏi tội. Người tin Chúa Giê-xu là những người nhận thức rõ về tội và biết rằng tội là nan đề trung tâm của đời sống và vì vậy muốn được giải phóng khỏi tội. Như thế nếu những người ấy vẫn tiếp tục phạm tội là phủ nhận những gì mình tuyên xưng. Lập trường đó hoàn toàn mâu thuẫn và trái nghịch.

Tội lỗi cũng đưa đến một lương tâm mặc cảm tội ác. Khi con người phạm tội, họ bị đặt dưới một cảm thức bị lên án, họ không vui sướng gì - đây là kinh nghiệm của những người từng phạm tội. Thử nhìn lại những ngày trong quá khứ. Khi ta làm một điều gì không nên làm, ta tự nhiên thấy khó chịu và cáu gắt với người khác. Lý do là vì làm điều sai ta không vui được, ta biết sai mà vẫn làm, vì vậy lương tâm không yên lặng bao giờ. Giăng viết: "Ta viết cho các con những điều này để các con không phạm tội." Vì Giăng biết tội cướp đi hạnh phúc và niềm vui và đưa ta vào mặc cảm bị lên án kết tội.

Nhưng tội còn đưa ta đi xa hơn nữa, nó dẫn đến chỗ nghi ngờ. Tội lỗi nhiều khi làm ta cảm thấy không chắc chắn về mối tương giao của mình đối với Chúa. Nó còn làm ta nghĩ rằng mình không có quyền cầu nguyện nữa. Có bao giờ bạn nghĩ như thế không? Khi bạn làm điều gì mà biết rằng mình đáng ra không nên làm, bạn cảm thấy mình bị lên án, thế rồi bạn muốn cầu nguyện với Chúa. Nhưng một ý nghĩ đến ngay trong đầu bạn, bảo rằng, đã phạm tội với Chúa không thể cầu nguyện nữa được. Nhưng đó chính là lúc cần phải chạy ngay đến với Chúa để cầu nguyện, đừng nghi ngờ gì cả.

Như thế lời dạy của Giăng rất thực tiễn. Khi ta đối diện với tương lai, ta không biết có gì sẽ xảy ra - bệnh tật nguy hiểm chăng? mất mát tiền của chăng? một người thân yêu bệnh và qua đời chăng? Không biết được. Chúng ta cảm thấy hoàn toàn bất lực. Tất cả đều được giải đáp qua mối thông công tương giao với Chúa, nếu ta duy trì được.

Tội lỗi luôn luôn đưa đến tuyệt vọng. Những người phạm nhiều tội cứ có ý nghĩ rằng mình không thể nào trở lại được nữa, và cảm thấy lạc lõng. Nhưng theo Giăng, mọi người đều có thể trở lại với Chúa dù ở trong tình trạng nào, và chỉ có trở về với Chúa mới giải thoát mình ra khỏi các cảnh huống ở đời mà thôi.

Giăng còn dạy về vai trò của Chúa Cứu Thế Giê-xu nữa, Giăng viết: "Nếu có ai phạm tội, chúng ta đã có một Đấng biện hộ trước Cha là Chúa Cứu Thế, đấng toàn thiện. Chính Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội chúng ta không thôi, nhưng còn vì tội của toàn thể nhân loại nữa." Như thế khi nhìn lại quá khứ, nếu bạn chỉ thấy toàn là những tội ác chống lại Chúa, đáng kinh tởm của mình, hãy nhớ rằng, nếu hết lòng tin nhận Chúa Giê-xu thì các tội lỗi ấy sẽ được tha thứ, và được bôi xoá toàn bộ. Đây là lời Chúa hứa và được toàn Kinh Tân Ước răn dạy.

Quan trọng hơn cả là biết Chúa Cứu Thế Giê-xu, tin nhận Chúa và được tái tạo. Bên ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu ra, con người dù sống trong hoàn cảnh nào, đều tuyệt vọng. xin hãy đến với Chúa Giê-xu, hãy tiếp tục sống trong niềm tin đặt vững nơi Chúa Giê-xu, bạn có thể nhìn vào tương lai mà không còn gì lo sợ nữa.