Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Cái Chết Của Một Tiên Tri

Mác 6:14-29

"Hê-rốt sợ Giăng, biết là một người công bình và thánh" (c. #20 a).

Câu hỏi suy ngẫm: Nêu những đặc tính chính của các nhân vật trong phân đoạn Kinh thánh này: Giăng Báp-tít, Hê-rốt, Hê-rô-đia và Sa-lô-mê. Mối thâm thù của Hê-rô-đia với Giăng Báp-tít bắt nguồn từ đâu? Tại sao Hê-rốt bắt giam Giăng? Hê-rốt kính trọng và sợ Giăng nhưng tại sao lại giết ông?

Phần Phúc Âm hôm nay giống như một bi kịch, cũng có thể gọi là một thảm kịch, khi một tiên tri của Đức Chúa Trời, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế Giê-xu bị bắt rồi bị thảm sát trong ngục thất. Thảm kịch này khởi đầu từ những lời quở trách trung thực của Giăng. Sứ điệp của Giăng là ăn năn, là từ bỏ con đường xấu xa, gian ác mà quay về với Đức Chúa Trời. Giăng không kiêng nể ai, từ vua, quan, đám giáo quyền cho đến bần dân, ông không loại trừ ai. Những lời giảng nẩy lửa của Giăng khiến nhiều người ăn năn trở lại, nhưng cũng có người đem lòng căm hận, thù ghét, trong đó có Hê-rô-đia. Giăng đã quở trách vua Hê-rốt phạm tội ngoại tình, loạn luân vì đã lấy Hê-rô-đia, vừa là em dâu, vừa là cháu gái (Lê-vi Ký 18:16,20).

Hê-rô-đia nuôi lòng căm hận và chờ dịp trả thù. Sau khi khiến Hê-rốt bắt Giăng giam trong ngục, Hê-rô-đia vẫn chưa giết được ông vì Hê-rốt còn sợ hãi và kính nể Giăng. Hê-rốt là một con người khó hiểu, vừa sợ nhưng lại vừa muốn nghe Giăng giảng. Biết Giăng là một người thánh và công chính nhưng lại hạ lịnh giết Giăng. Nhiều người đôi khi cũng có tâm tính như Hê-rốt, sợ Chúa nhưng đồng thời rất ham mê những vui thú của trần gian. Tâm tính đó đã đưa Hê-rốt đến phạm phải một tội trọng, giết một người thánh của Đức Chúa Trời; tâm tính đó cũng thường đưa chúng ta đến chỗ bóp chết tiếng nói của Chúa trong đời sống mình.

Lòng hận thù của Hê-rô-đia lớn dần cho đến khi cơ hội đến thì người đàn bà nham hiểm này không bỏ qua. Hình ảnh Sa-lô-mê bưng mâm đựng đầu của Giăng Báp-tít sung sướng đưa cho mẹ làm chúng ta nổi gai óc. Cuộc sống tội lỗi và lòng thù hận đã biến tấm lòng con người có bề ngoài đẹp đẽ, yếu ớt thành cả một lò lửa địa ngục cháy bừng bừng.

Cuộc sống can đảm của Giăng đã tận hiến cho Chúa. Ông làm tròn trách nhiệm được giao phó là dọn đường cho Chúa, chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế Giê-xu "một dân sẵn lòng." Chắc chắn cái chết của Giăng trong ngục là bài giảng nẩy lửa cuối cùng cho dân Do Thái thấy tình trạng tội ác, đạo đức suy đồi của cả dân tộc như thế nào.

Xin Chúa giúp con sẵn sàng sống và chết như Giăng Báp-tít, can đảm, không than van, cũng không vì sợ hãi cho số phận của mình mà không nói hết lời chân lý.

(c) 2024 svtk.net