Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

Yêu Thế Gian

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những gì trong thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì người ấy không có lòng yêu kính Chúa Cha. Vì tất cả những điều trong thế gian như tham dục của thân xác, tham dục của mắt và kiêu ngạo của đời sống không xuất phát từ Cha, nhưng từ trong thế gian. Thế gian sẽ qua đi, tham dục trong thế gian cũng thế: nhưng ai làm theo ý chỉ của Chúa thì tồn tại đời đời.

I Giăng 2:15-17

Sau khi đã dạy về yêu kính Chúa, giữ các lời răn dạy của Ngài, yêu mến anh em, sứ đồ Giăng bảo rằng: Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những gì trong thế gian nữa. Lời dạy tiêu cực này cũng quan trọng như các lời dạy tích cực trên. Đây là những lời răn dạy nghiêm khắc nhất.

Nhưng ta phải thận trọng vì nhiều khi đọc những lời này với ý nghĩ chủ quan, đem áp dụng theo kiểu ta đây hoàn toàn đúng và dựa vào đó lên án kẻ khác. Chúng ta vẫn có thói quen biện hộ và giải thích biệnminh cho hành động tội lỗi của mình, nhiều người trích dẫn câu này để làm như mình hoàn toàn vô tội khi đem trắc nghiệm. Người ta có thể hiểu lầm câu này theo hai kiểu:

Thứ nhất là hiểu theo kiểu nhà tu, nghĩa là cho rằng phải ra khỏi cuộc đời và tách rời khỏi xã hội. Đây là lối hiểu đưa đến cuộc đời tu viện, nghĩa là lánh đời vào cuộc sống đạo đức chuyên biệt. Như thế để bảo đảm là không còn yêu thế tục được nữa. Những người này chủ trương không cưới gả, vì như thế tục hóa cuộc đời của mình.

Thứ hai là lối hiểu không trọn vẹn và khác xa ý định của tác giả Giăng. Trong lối hiểu này lại có hai cách giải thích khác nữa. Cách thứ nhất chủ trương: Không đi khiêu vũ, hay xem hát hoặc xem phim, không hút thuốc lá, cờ bạc, rượu chè và vài điều khác nữa. Những người chủ trương như vậy tự cảm thấy là mình thánh thiện, vì đã yêu thế gian kiểu đó. Cách thứ hai cao hơn một tí. Nhưng gnười này coi thế gian đây là các hoạt động chính trị và xã hội. Họ chủ trương rằng người tin Chúa không nên tham gia chính trị, vì chính trị là thuộc về thế gian. Những người ấy không bao giờ tham gia chính trị và nghĩ rằng như vậy là mình xứng đáng, không mắc tội yêu htế gian. Nhưng những quan điểm như thế đã không phản ánh đúng điều mà sứ đồ Giăng muốn dạy về thế gian.

Tất cả những điều vừa kể đúng là thuộc về thế tục và nhiều người vẫn thấy rằng mình hoàn toàn vô tội vì đứng ngoài các hoạt động như thế.

Trước tiên ta cần hiểu thế gian mà Giăng nói đây là gì?

Từ ‘thế gian’ ở đây không có nghĩa là thế giới, cũng không có nghĩa là các mối liên hệ, thương mại, chính trị, quyền hành hay xã hội. Vì tất cả những thứ này đều do Chúa ấn định.

Thế gian đây là quan điểm không công nhận Thượng Đế, phủ nhận Ngài và sống như chỉ có cuộc đời này và một cuộc sống này mà thôi. Đây là quan điểm chống Thượng Đế và quay lưng lại phía Ngài. đây là lối sống của người thời đại, không bao giờ nghĩ đến Thượng Đế mà chỉ quan tâm đến trần gian này, chỉ sống theo bản năng và các ước muốn.

Giăng cũng vạch rất rõ nội dung lối sống thế gian này trong câu 15, ông bảo: “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những gì trong thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì người ấy không có lòng yêu kính Chúa Cha. Vì tất cả những điều trong thế gian như tham dục của thân xác, tham dục của mắt và kiêu ngạo của đời sống không xuất phát từ Cha, nhưng từ trong thế gian.” Một từ khác nói đến ở đây là “tham dục”. Tham dục là một ước muốn hay đam mê không bình thường. Tham dục là lạm dụng một điều gì mà tự nhiên là hoàn hảo, hợp pháp. Phao-lô từng dạy rằng khi sử dụng những gì có trong thế gian đừng lạm dụng.

Tham dục theo một nghĩa khác là thay vì chế ngự những ước muốn và sử dụng chúng như đáng phải sử dụng, chúng ta bị chúng chế ngự; chúng làm chủ ta và sai khiến ta. Có những ước muốn trong ta hoàn toàn chính đáng, vì chính Chúa ban cho. Nhưng nếu tabị chúng quản trị và chế ngự nà hơn thế nữa toàn thể cuộc đời ta xoay quanh những ước muốn này, thì chúng ta mắc tội tham dục.

Sứ đồ Giăng nói đến tham dục của xác thịt. Đây chính là những gì làm cho thân xác thỏa mãn. Chúng ta cần phải ăn uống để sống, nhưng khi một người có đam mê về ăn uống thì người ấy đang làm điều sai lầm, vì khi ấy các thứ này đã chế ngự và sai khiến người ấy.

Tương tự như thế đối với tính dục. Điều này không cần khai triển nhiều, ai cũng rõ. Vợ chồng là chuyện ăn ở là do Chúa ấn định. Nhưng khi một người ham mê sắc dục, người ấy đã tựlàm nhục mình và làm nhục kẻ khác, và vì thế nên bị lên án.

Giăng nói đến ‘tham dục của mắt’. Cách nói thời đại tính chạy theo những giá trị hời hợt giả trá. Những người mang tính này thì ưa bề ngoài. Tất nhiên là tính này đưa đến chỗ tham dục của xác thịt, vì qua đôi mắt mà tội lỗi bắt đầu. Hay nói khác đi, những gì ta thấy, và những gì thế gian đưa đến cho ta thấy thường làm cho ta phạm tội. Một phương diện, đây là tội trong tư tưởng, những gì ta thích thú khi nghĩ đến mặc dù ngược lại với các tiêu chuẩn đạo đức.

Cuối cùng là ‘kiêu ngạo của đời sống’, ý nghĩa đơn giản nhất là tính tự tôn. Ta cũng có thể chia làm hai phần. Kiêu ngạo vừa tham vọng, lại vừa là âm mưu hạ thấp người khác. Đây là tham dục được danh lợi trong đời để nhận được tiếng khen và tâng bốc. Kiêu ngạo về khôn ngoan, tri thức, hiểu biết không những trong đời mà nhiều khi ngay trong Hội Thánh nữa. Đây là tính muốn hơn người trong đủ phương diện. Tham dục này được coi là tai hại hơn các tham dục kia, vì tham dục trong tinh thần bao giờ cũng hệ trọng hơn trong thân xác. Nhiều khi ta kiêu hãnh vì không tham dục trong xác thịt, nhưng kiêu hãnh như thế là kiêu ngạo của đời rồi.

Giăng dạy: . Nếu ai yêu thế gian, thì người ấy không có lòng yêu kính Chúa Cha. Đây là chuyện đương nhiên khi chạy theo thế gian với cả con người của mình thì còn chỗ nào đâu cho Chúa Cha nữa. Khi nàolòng ta tràn ngập những tham dục thì các thứ ấy làm chủ ta và Chúa bị coi thường. Nếu ta bằng lòng quay lưng lại thế gian, thì ta mới thấy Chúa và tôn phục Ngài được.

Điều quan trọng được Giăng đưa ra là: Thế gian sẽ qua đi, tham dục trong thế gian cũng thế: nhưng ai làm theo ý chỉ của Chúa thì tồn tại đời đời. Giăng đưa ra hai con đường, hai lựa chọn, một đằng là chạy theo thế gian để thỏa mãn tất cả các tham dục, nhưng nên nhớ rằng thế gian và các điều thu hút, lôi cuốn của nó rất là tạm. Những gì con người sôi nổi đi tìm, đổ xô thực hiện, chỉ một thời gian là hết. Một phương diện khác, con người chẳng bao giờ thỏa mãn các tham dục của mình, và lúc nào cũng khao khát.

Mặt khác, nếu hết lòng tin Chúa, làm theo lời răn dạy của Ngài, chắc chắn sẽ được thỏa mãn trong đời này và vĩnh hằng.

Một đằng trước mắt tạm bợ, chóng tàn. Một đằng quý giá bền bỉ tồn tại mãi mãi. Ta nên chọn ngả đường nào?