Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 27

Lớn Lên Trong Ân Điển

Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài. Hỡi các con cái bé mọn, chớ để cho ai lừa dối mình: kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình. Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỷ; vì ma quỷ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỷ. Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời. Bởi đó người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma quỷ: ai chẳng làm đều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em cũng vậy. I Giăng 3:6-10

Chúng ta đã thấy ở phần cuối chương thứ hai và qua suốt chương ba này điều mà Giăng muốn trình bầy khi nhận mình là tín đồ của Chúa Giê-xu trong trần gian này, đó là chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời và có một nơi đến vinh quang đang chờ đợi chúng ta.

Nhưng rõ ràng là khi thực sự tin như thế, ta phải thấy có những việc cần thiết theo sau. Đó là, ta không thể tự xưng là con cái của Đức Chúa Trời mà vẫn tiếp tục sống y như chưa được tái sinh. Nói khác đi, một trong những áp dụng về việc nhận mình là con của Chúa là sự nhận thức rằng phải sống một đời thánh thiện như là sự cần thiết tuyệt đối, và đây cũng là đề tài chính của phần Thánh Kinh I Giăng 3:4-10.

Chúng ta sẽ xét đến các câu 6 và 7, phần đầu của câu 8 và rồi sang câu 9 và 10.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra cho người nghiên cứu phần này là: đây có phải là phần Kinh Thánh dạy về hoàn toàn vô tội hay không? Có phải người tin Chúa rồi có thể sống đời toàn thiện, hoàn toàn được giải thoát khỏi tội, không những hoàn toàn trong hành động, nhưng còn trong tư duy, ước muốn, tâm trí và mọi khía cạnh khác nữa hay không? Ta cần phải nhận xét kỹ để không bao giờ lần lẫn.

Trước tiên, khi đọc một đoạn Thánh Kinh như thế này, chúng ta phải dũ bỏ thành kiến. Chúng ta là những con người nhiều thành kiến, vì sinh ra trong dòng tội ác. Nói khác đi, ta phải tránh những lý thuyết, nhất là các lý thuyết về sự thánh hóa. Sau đó nên tránh tinh thần tranh cãi. Vì một khúc Thánh Kinh như vầy dễ đưa đến các thái độ, phe phái.

Qua các câu này, chúng ta tự hỏi: Như thế người xưng là con cái của Đức Chúa Trời không thể phạm tội phải chăng?

Ta bắt đầu từ câu 4: Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và tội là trái luật pháp. Hay: Còn ai phạm tội là vi phạm luật; và tội là vi phạm luật. Một cách dịch khác, câu này có nghĩa là: Ai tiếp tục làm tội là tiếp tục vi phạm luật, hay là làm điều phi pháp. Các động từ trong các câu này đều mang tính chất tiếp tục, vì thế câu 6 có thể đọc: Ai tiếp tục phạm tội không thấy Ngài cũng không biết Ngài. Như thế đến câu 9 ta có thể đọc: Ai sanh bởi Đức Chúa Trời thì chẳng tiếp tục phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể tiếp tục phạm tội được. Như thế Giăng đang nói đến những người tiếp tục phạm tội.

Nhiều người vội lý luận rằng: Giăng bảo: ‘Ai ở trong Ngài thì không phạm tội’ Như thế nếu ta ở trong Chúa, ta sẽ không làm điều tội ác.’ Nhưng nói như thế là quên phần thứ hai của câu nói: ‘Ai phạm tội là chưa từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài.’

Cũng như bảo rằng: phần đầu của câu 9: ‘Ai sanh bởi Đức Chúa Trời thì chẳng phạm tội.’ Như thế là người tin Chúa sẽ không bao giờ phạm tội nữa. Nhưng lý luận như thế là quên phần thứ hai: ‘vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời. Giăng nói về thói quen phạm tội, về những người đang tiếp tục phạm tội. Giăng dạy rằng: người nào tiếp tục phạm tội là còn mang bản chất của ma quỷ, và chưa mang bản chất của Chúa. Giăng không nói đến những hành động tội lỗi riêng rẽ nhưng nói về thói quen, về việc tiếp tục phạm tội.

Giăng dạy ở đây là cho tất cả những người đã tin Chúa chứ không riêng cho một số người đặc biệt nào. Giăng nói: Ai ở trong Chúa thì không phạm tội. Như thế nếu một người không ở trong Chúa thì người ấy không phải là tín đồ. Muốn làm tín đồ thì phải ở trong Chúa. Ở trong Chúa nghĩa là tái sinh, đổi mới và không tiếp tục phạm tội. Không theo con đường mình đã đi trước kia nữa, nhưng hoàn toàn xoay hướng.

Nói như thế không có nghĩa là những người đã tin Chúa là hoàn toàn và không bao giờ phạm tội nữa, nhưng chỉ có nghĩa là người tin Chúa không còn tiếp tục bước vào bóng tối nữa, nhưng luôn luôn đi trong ánh sáng của Chúa.

Họ là những người tin Chúa, ở trong Chúa, thánh thiện, nhưng không phải là toàn vẹn và vô tội.

Người tin Chúa hoàn toàn khác với mọi người còn sống trong tội, và không còn tiếp tục phạm tội như người đời.

Đây là mức độ sống khác biệt. Những người không tin Chúa, mặc dù sống thiện lành đến đâu cũng vẫn ở một cấp độ thấp. Nhưng người tin Chúa sống trên một cấp độ thật cao. Đôi khi họ cũng còn phạm tội, nghĩa là rơi xuống mức thấp, nhưng họ không tiếp tục sống trong mức đó mà lại chỗi dậy vượt lên cao. Họ biết họ phạm tội; họ ghét tội và ăn năn hối lỗi và máu của Chúa Giê-xu lại bao phủ họ, và họ tiếp tục đi trong ánh sáng. Như thế không có nghĩa là họ vẹn toàn, vô tội, nhưng chỉ có nghĩa họ là người mới; họ biết có hạt giống thánh thiện trong tâm hồn mình, và khol6ng thể tiếp tục sống như khi trước; họ đã được chuyển sang nước của Đức Chúa Trời và của con Ngài là Chúa Giê-xu.

Có người sẽ thắc mắc: Như vậy Chúa không hoàn toàn giải phóng chúng ta khỏi tội được hay sao?

Để trả lời câu hỏi này, ta có thể đặt một câu hỏi khác: Tại sao Chúa không tiêu diệt Sa-tan hoàn toàn đi khi Chúa Giê-xu còn trên mặt đất này? Chúa làm được mà tại sao Chúa không làm? Tại sao Sa-tan được phép sống và tiếp tục phá họai? Một câu hỏi khác có thể đặt ra là: Tại sao khi một người đã tin Chúa, tại sao Chúa khônglàm cho người ấy hoàn toàn được giải thoát khỏi tội và trở nên vẹn toàn ? Dĩ nhiên là Chúa có toàn quyền và đầy uy quyền để làm những gì Chúa muốn dù chúng ta có thắc mắc hay không. Chúng ta chẳng có quyền đặt câu hỏi nào cả, chúng ta chỉ căn cứ vào lời Kinh Thánh mà sống.

Chúng ta lưu ý đến chữ ‘hột giống của Đức Chúa Trời’ trong câu 9. Khi nói đến hột giống là ta phải hiểu tiến trình tuần tự của việc nẩy mầm, mọc lên và tăng trưởng. Trong tự nhiên, khi gieo hạt, taphải chờ đợi có khi hằng tuần, hay hằng tháng mới thấy mọc lên, và phải hằng năm mới thấy có hoa có quả. Tại sao Chúa làm như vậy? Không ai tìm được câu trả lời trong tự nhiên và cũng không ai trả lời được trong cõi tâm linh.

Nhưng ta nên nhớ rằng, người tin Chúa được tái sinh, trở thành hài nhi và lớn lên dần dần. ThánhKinh dạy về ‘lớn lên trong Ân Điển và sự Thông Biết Chúa’ Trong khi đó câu 3 ở trên Giăng dạy: ‘Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch.’ Đây là một tiến trình tăng trưởng và phát triển tâm linh.

Một điều Giăng dạy mà ta không nên quên là ‘Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta đâu.’ Nghĩa là trong tiến trình thánh hóa, ta đôi khi vẫn còn vướng mắc vào tội và phải công nhận như thế để được thanh tẩy. Giăng dạy: ‘Nếu có ai phạm tội thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha là Chúa Cứu Thế Giê-xu, tức là Đấng công chính.’

Lời Giăng dạy giúp cho chúng ta thấy rằng:

1. Chúng ta phải biết rõ việc làm con của Chúa là quan trọng và quyết tâm sống đời xứng đáng với danh nghĩa đó.

2. Chúng ta không được phép quay trở lại bóng tối mà phạm tội, vì đã được từ tối qua sáng.

3. Chúng ta phải tiến lên trên đường thánh hóa bằng ý chí và ân điển của Chúa.

4. Chúng ta phải cảnh giác luôn về đời sống thánh thiện để không bị vướng mắc vào tội.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta để tăng trưởng trong ân điển và trong sự thông biết Chúa.