Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

Thương Yêu Trong Hành Động

I Giăng 3:16-18

chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. Nếu có ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!

Hôm nay chúng ta sang đến phần áp dụng thực tiễn của điều mà tác giả Giăng đã dạy về vấn đề “Thương yêu anh em”. Ông đã nói về tình yêu này khá nhiều, tuy nhiên không ai có thể sống bằng lý thuyết mà phải biết áp dụng như thế nào, vì vậy ông đưa ra những thí dụ cụ thể để người đọc biết rõ ý định của ông.

Trước khi đi vào phần phân tích, tưởng cũng nên phân biệt rõ giữa thương yêu và ưa thích. Chúng ta được kêu gọi theo Chúa để thương yêu anh em chị em trong cùng đức tin chứ không phải ưa thích.

Ưa thích một người nghĩa là gì? Khi ta ưa thích một vật gì hay người nào thì đó là chuyện tự nhiê, trong căn bản hay trong bản năng, nghĩa là không cần phải cố gắng gì cả, ta tự thấy mình thích hay là không thích khi thấy hoặc gặp vật hay người nào đó. Nói khác đi, ưa thích là nói về hình thức.

Ưa thích là một cái gì thuộc về phần bản năng sinh vật và tự nhiên. Trong thế giới loài vật cũng có ưa thích, đây là bản năng và một biểu lộ của tự nhiên không có lý luận tại sao. Một vật hay một người nào đều có những điều ta thích hay không thích cả. Nói khác đi, ưa thích không lên đến đỉnh cao nhất của bản sắc mà chỉ là phản ứng trên bề mặt, sắc diện, màu, tính tình, cách ứng xử hay là một số cử chỉ nào đó.

Nhưng thương yêu hoàn toàn khác hẳn. Thương yêu là một điều gì chúng ta phải suy nghĩ trong tương quan với Chúa. Ta đang bàn đến loại thương yêu mà Kinh Thánh nói đến chứ không phải loại của đời, là loại gần với ưa thích hơn là thương yêu chân thật. Một trong những thảm cảnh của cuộc đời là con người đang hạ thấp hay là lạm dụng loại thương yêu cao quý này và đem nó xuống ngang hàng với ưa thích của bản năng. Chúng ta nói về thương yêu chứ không phải say đắm. Loại tình yêu này là tình yêu thiên thượng vì Chúa là tình yêu. Đây chính là loại thương yêu mà Giăng đề cập đến trong mấy câu này.

Loại tình yêu này mang tính chất thông minh, khôn ngoan, nó thâm nhập vào tận bản sắc, vượt qua những gì bề ngoài, thấy được, lôi cuốn thể xác, một thứ gì vĩ đại và sâu nhiệm hơn. Tình yêu thắng vượt được nọi trở ngại và lý cớ khước từ, tình yêu nhìn qua và thu nhỏ những gì không ưa thích, để có thể thấy được con người thật ở đàng sau tất cả. Chính vì các tính chất này của tình yêu mà Chúa mới có thể thương yêu tội nhân. Chúa yêu tội nhân mặc dù người ấy phạm nhiều tội. Tình yêu vượt qua xấu xa ghê tởm và tìm thấy một điều gì quý giá. Loại tình yêu này cao quý, khôn ngoan, thâm sâu và tri thức.

Ta có thể định nghĩa xa hơn nữa: yêu thương những người mà ta không ưa thích có nghĩa là ta đối xử với họ như thế ta ưa thích họ - hay là lựa chọn hành động tử tế đối với những người mà vốn dĩ ta không ưa thích.

Kinh Thánh không dạy chúng ta ưa thích anh em chị em trong Chúa, nhưng truyền lệnh cho chúng ta thương yêu họ. Nói tóm lại, Chúa dạy ta thương yêu những người ta không ưa thích. Người đời không bao giờ làm như vậy, nếu không ưa thích ai, sẽ có thái độ tương xứng và không muốn tiếp xúc với những người ấy. Nhưng người tin Chúa đi xa hơn giới hạn ưa thích. Chúng ta thấy những người ấy thuộc về Chúa, dù không ưa thích, chúng ta vẫn cứu giúp. Thương yêu anh chị em là lời dạy ta cần quan tâm.

Trong câu 18 Giăng dạy: Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và bằng lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.

Giăng dạy rằng thương yêu lý thuyết là nguy hiểm. Nhiều người ngày nay nói nhiều về vấn đề yêu kẻ thù, nhưng lại chẳng quan tâm gì về yêu anh em chị em. Vì một mặt nhấn mạnh đến yêu thương người thù nghịch, mặt khác ganh tỵ, ghen ghét, hiềm khích và chỉ trích phê bình anh em chị em. Như thế là mâu thuẫn. Những người nói thương yêu kẻ thù phải là những người không cay đắng với anh em chị em của mình.

Càng nói về tình yêu, ta càng phải cẩn thận không chỉ yêu lý thuyết suông.

Có người hơi khó hiểu về lời dạy trong Kinh Tân Ước vì khi thì nhất mạnh về tinh thần thương yêu, khi lại chú trọng về nghĩa cử thương yêu.

Thí dụ như I Cô-rinh-tô 13 nói về nghĩa cử thương yêu mà không có tinh thần hay động cơ thúc đẩy là tình yêu. Mặt khác trong Ma-thi-ơ 21 nói về hai người con, một người hứa mà không làm và một người không hứa mà làm, và nghĩa cử được coi là cần thiết.

Thật ra tại đây không có gì mâu thuẫn mà chỉ là tính chất của tình yêu. Tình yêu luôn luôn hành động vì không có sự biểu lộ tình yêu, không chứng tỏ là có tình yêu.

Kinh Tân Ước dường như luôn luôn đặt câu hỏi: “Các bạn có chắc là tình yêu của Chúa ở trong tâm hồn các bạn không?”

Ai có tình yêu Chúa trong mình thì người ấy phải hành động, đó là lý luận của Giăng.

Nhưng Giăng còn đưa ra tấm gương cao cả của Chúa: Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống. Trong tấm gương này ta thấy Chúa Giê-xu hi sinh từ bỏ địa vị của Ngài vì mọi người chúng ta.

Tình yêu cao quý nhất là từ bỏ chính sự sống của mình vì lợi ích của người khác. Không mấy ai làm nổi nghĩa cử hi sinh này, nhưng Giăng thực tế hơn, bảo rằng, nếu ta không có lòng thương anh em chị em đang cùng túng, thì chứng tỏ rằng ta chưa có tình yêu Chúa. Đây chỉ là việc nhỏ, nhưng nếu không trung tín trong việc thương yêu tầm thường và dễ làm ấy thì mong gì hi sinh to lớn hơn?

Thưa quý vị và các bạn, lời Chúa dạy thật rõ: Chớ yêu mến bằng lời nói và bằng lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật. Nghĩa là thực hành nghĩa cử yêu thương nhân danh Chúa là điều xứng đáng.

Trên thực tế, và cụ thể, chúng ta nên hỏi han trong cộng đồng tín hữu gần xa để tìm ra những anh em chị em đang cùng túng, vì gặp bão lụt hay kinh tế kiệt quệ để cứu giúp. Nếu việc xóa đói giảm nghèo không có phần tham dự của người tin Chúa thì làm sao chứng minh ta có tình yêu của Chúa được?

Cầu xin Chúa dạy chúng ta biết yêu Chúa, yêu anh em chị em trong các hành động cụ thể.