Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

Lẽ Thật

I Giăng 3:19-23

19Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài. 20 Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự. 21Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu như lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời: 22 và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài, và làm những điều đẹp ý Ngài. 23 Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu, và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta.

Chữ ‘Bởi đó’ ở đầu câu 19 nhắc cho chúng ta nhớ rằng tác giả tiếp tục trình bầy về đề tài đã nói đến trong các phần trước, và ông chưa nói hết về đề tài đó. Tác giả nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của việc thương yêu anh em chị em thật sự và hết lòng trong các câu kể trên đây.

Trước tiên, Giăng nhắc rằng thương yêu anh em chị em là bằng chứng là chúng ta thuộc về ‘LẼ THẬT’.

Trong đời sống tâm linh có một số quy luật cần phải tuân giữ vì trước sau lẽ thật cũng sẽ thôi thúc chúng ta phải đưa vào áp dụng trong đời sống. Kinh Thánh dạy rằng, tội lỗi chúng ta sẽ gặp chúng ta, tội đây có nghĩa là không làm theo lời dạy của Chúa. Một cuộc đời biết lý thuyết mà không thực hành có thể kéo dài nhiều năm tháng, nhưng rồi ra ta sẽ gặp hậu quả của nó. Hậu quả mà Giăng nói đến ở đây là sự đáp lời cầu nguyện của Chúa. Có thể đây là nguyên nhân của mà Chúa không trả lời ta những vấn đề quan trọng.

Chủ đề của các câu này có thể là: Vị trí của việc cầu nguyện trong đời sống người theo Chúa trong thế gian này. Không có gì quan trọng hơn việc cầu nguyện trên hành trình đời sống. Chúa giê-xu từng dặn: “Phải cầu nguyện luôn chớ hề mỏi mệt hay chán nản.” Lu-ca 18:1. Có thể hiểu câu này là, ‘Nếu không cầu nguyện thì sẽ mỏi mệt hay chán nản.’ Điều làm cho đời sống tin Chúa tiến bước được chính là cầu nguyện, nghĩa là thông công, tương giao với Chúa thường xuyên. Điều này phải như không khí hay nước cần cho sự sống của thân xác vậy.

Nhưng cầu nguyện là gì? Khi cầu nguyện, ta thực sự làm gì? Dường như nhiều khi chúng ta vội vàng cầu nguyện mà không nghĩ về hành động đó, hoặc là coi như việc tự động làm. Nhiều người lại coi cầu nguyện như đọc kinh nữa.

Cầu nguyện không phải là nhắc lại một số câu nói quen thuộc, cũng không phải chỉ là thốt ra một số điều ta ước ao hay là diễn tả bằng lời hay một số các tư tưởng đẹp. Cầu nguyện không phải là phương pháp tâm lý để làm cho ta cảm thấy dễ chịu hơn. Thật ra đó không phải là cầu nguyện như Kinh Thánh dạy.

Một định nghĩa về cầu nguyện được Giăng nêu lên ở câu 19 như sau:

19Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài. Cầu nguyện là ‘đến trước mặt Chúa’. Người ta có thể bảo: lúc nào ta chẳng ở trước mặt Chúa, sao còn cần cầu nguyện làm gì? Nhưng cầu nguyện là một điều đặc biệt hơn. Cầu nguyện là ra mắt Chúa, trực tiếp gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện là quay lưng lại đối với mọi sự việc hay điều gì khác trong chốc lát để đối diện một mình với Chúa. Đây là một việc mà ta không thể giải thích nhưng kinh nghiệm được.

Cầu nguyện hay ra mắt Chúa không dễ vì ta luôn luôn có những tư tưởng ngăn cản, rồi trí tưởng tượng của ta cũng cứ bay bổng khắp nơi, trong khi đó những ý nghĩ và các đề nghị, nhưng điều ta muốn, những thứ ta cần cứ chen vào. Tất cả những điều đó cần phải được loại ra khi ta nhận định rằng mình thật sự đang ở trước mặt Chúa.

Giăng nói toàn bộ vấn đề thương yêu anh em chị em hệ trọng là vì ta ở trước mặt Chúa, ta nhận rõ tầm quan trọng của những gì ta sẽ làm trong chuỗi ngày còn lại của mình. Đó là khi ta đến trước mặt Chúa để cầu nguyện.

Nhưng Giăng giải thích rõ tư cách và điều kiện của người cầu nguyện. Ông dạy: 19Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài. 20 Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự. Giục lòng vững chắc ở trước mặt Chúa nghĩa là không có gì ngăn cách, không có vấn đề gì giữa ta và Chúa cả. Nhưng nếu có điều gì, thì chính lương tâm cáo trách, và chắc chắn Chúa cũng rõ cả, làm sao đứng trước mặt Chúa được. Cầu nguyện như thế không phải là dễ, vì nếu không, ta sẽ đối thoại một mình, Chúa không có ở đó, và như thế việc cầu nguyện trở thành vô ích. Như thế điều kiện ra mắt Chúa là được giải thoát, được tự do không có cảm nghĩ bị lên án hay kết tội nữa.

Như thế, khi ta cầu nguyện thật là lúc ta thấy rõ con người của mình nhất. Đây là một trắc cầu nguyện hơn bất cứ phương cách trắc nghiệm nào khác. Chúng ta có thể tự xét mình nhưng cầu nguyện, tức là ra mắt Chúa là phương cách thấy rõ mình nhất.

Đây cũng là lý do khi ta vào thái độ cầu nguyện chân thực như vậy, ta hoàn toàn phục tùng Chúa, ta giao thác mình trong Chúa và bỏ mình đi. Khi tôi nói năng, tôi tự kiềm chế, khi tôi thảo luận, tôi cũng kiềm chế được. Nếu ai xét nghiệm tôi, tôi có lý cớ để bào chữa. Ngay cả khi tôi suy nghĩ và trầm tư, tôi cũng chế ngự được. Nhưng khi tôi quỳ gối cầu nguyện, theo một ý nghĩa, tôi chỉ đầu phục Chúa và không làm gì cả. Chúa là Đấng chế ngự, Ngài là Đấng làm tất cả, đó là lý do mà cầu nguyện trắc nghiệm và thử chúng ta theo một cách mà không gì so sánh được.

Đây không phải là lý thuyết, vì như vậy mới là cầu nguyện thực. Vì ta không thể nào cầu nguyện bằng những bài viết sẵn học thuộc lòng hay những xáo ngữ quen thuộc, nói mà chẳng quan tâm mình nói gì nữa. Nhưng cầu nguyện thật là quỳ gối xuống và nhận thấy rằng mình đang ở trước mặt Chúa.

Tại đây Giăng nói đến lòng và lương tâm. Lương tâm cho ta nhớ những gì chúng ta đã nói năng và hành động. Chúng ta có thể quên, nhưng các điều đó trở lại trong tâm trí ta. Đó là sự biểu lộ bực tức giận dữ, ý nghĩ không xứng đáng, hành động không tốt. khi ta ở một mình trước mặt Chúa, các điều không xứng đáng này tái xuất hiện, và ta bị lên án.

Ta nhớ lại lần nào đó cầu nguyện hứa rằng yêu Chúa và phục vụ Ngài, nhưng rồi không làm gì cả. Lương tâm ta lúc ấy như bảo: “Anh thất hứa, anh không đáng ra mắt Chúa. Người như anh mà gặp Chúa để làm gì? Chúng ta lúc ấy tự nhận ra mình hoàn toàn bất khiết, thất bại, nhỏ mọn và nhơ nhuốc. Lòng chúng ta lên án chúng ta.

Nhưng không phải chỉ có vậy. Giăng viết: . 20 Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự. Khi ta cầu nguyẹn, ta ở trước mặt Chúa, ta ý thức được hiện diện của Chúa. Đời sống ta được tra xét và thử nghiệm bằng loại ánh sáng vô hình. Ta bị lên án và không thể cầu nguyện được, không biết phải làm thế nào. Giăng dường như bảo rằng: “Lòng các anh em nhắc các sự việc này và lên án, các anh hãy nói với lòng mình rằng: ‘Không sao, tôi nhận đó là thực trạng của tôi, tôi rất tiếc và ân hận. Nhưng tôi nhận thấy rằng tôi có lòng thương yêu anh em chị em, tôi không thể thấy họ nghèo khó mà làm ngơ. Tôi thương yêu họ và vì thế tôi chắc chắn là con của Chúa, nếu không tôi có hành động như thế đâu? Tôi thương yêu anh em chị em tôi là bằng cớ tôi đã từ chết sang sống. Tôi không còn thuộc về thế gian này, tôi là con thật của Chúa.

Nếu tôi thật sự thương yêu anh em chị em thì đó là thực hành tình thương và bằng chứng là tôi tái sinh. Nếu tôi tái sinh, tôi chắc chắn đã được tha tội.

Như thế, điều kiện thứ nhất để cầu nguyện là được hoàn toàn giải thoát khỏi cảm nghĩ bị lên án, kết tội.

Điều kiện thứ hai là vững chắc. Đôi khi ta quỳ gối cầu nguyện, một ý nghĩ thoáng bay vào tâm trí ta, nói rằng: “Anh không có quyền cầu nguyện, anh đã thất hứa, đã quên Chúa, và chỉ đến với Chúa khi gặp khó khăn thôi.” Như thế phần nào ta không tin chắc vào lời cầu nguyện. Giăng giải thích: ‘Anh không thể thật sự cầu nguyện và không thể có sự tương giao nếu không có sự tin chắc.’

Sự vững tin rất là quan trọng. Hê-bơ-rơ từng dạy: ‘Hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.’ Hê 4:16 Hay ‘Vì chúng ta nhờ huyết Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh. Hê 10:19 hoặc là ‘Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong mà đến gần Chúa.’ Hê 10:22.

Làm sao ta có thể vững tin, vững lòng, dạn dĩ, đức tin đầy dẫn trọn vẹn? Lý luận của Giăng như thế này: ‘Nếu tôi thật sự thương yêu anh em chị em trong Chúa, thì tôi nhớ rằng tôi là con của Chúa. Như thế khi ra mắt Chúa, tôi không ứng hầu trước một vị quan án, nhưng trước mặt Cha của tôi. Như thế trong tình Cha và con, tôi biết Chúa ưa thích tôi, Ngài sẵn sàng ban phước cho tôi không đợi tôi phải cầu xin. Nói khác đi, điều làm cho tôi vững tin khi ra mắt Chúa cầu nguyện là tôi là con của Chúa, tôi đến gặp mặt Cha tôi. Chính cảm thức này làm tôi dạn dĩ và không còn mặc cảm bị lên án nữa.

Điểm này đưa ta đến điều kiện thứ ba, đó là tin chắc. Giăng dạy: ‘21Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu như lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời: 22 và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài, và làm những điều đẹp ý Ngài.’ Gia cơ dạy: ‘Nếu như trong anh em có người nào kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời... Nhưng hãy nhớ: ‘Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ, vì kẻ nào nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.’ Gia cơ 1:5-7. Nếu tôi ra mắt Chúa với một tâm trí không định, giữ lấy tội lỗi và biết rằng mình đang sống một cuộc đời sai lạc, tôi sẽ không có tin tưởng gì trong lời cầu xin, vì tôi còn tự trách thì Chúa biết rõ đến mực nào?

Nhưng ta nên nhớ lời chính Chúa Giê-xu dạy: ‘Nếu các con ở trong ta, và những lời ta ở trong các con, hãy xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều ấy.’ Giăng 15:7; hay ‘Aáy chẳng phải các con đã chọn ta, mà là ta đã chọn và lập các con... Lại cũng cho mọi điều các con sẽ nhân danh ta cầu xin Cha, thì Ngài sẽ ban cho các con.’ Giăng 15:16 Tại đây Giăng dạy: chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài, và làm những điều đẹp ý Ngài.’

Giăng có ý bảo rằng: ‘Nếu tôi tuân giữ các điều răng của Chúa, , nếu tôi thực sự làm theo ý Chúa, nếu tôi yêu Chúa và người thân cận tôi, nếu tôi thật sự sống đời tin Chúa như vậy, thì tôi có thể đoan chắc rằng đời tôi có Thánh Linh ngự trị, và như thế tôi biết rằng những lời cầu nguyện nài xin của tôi là do Thánh Linh hướng dẫn, và tôi chắc chắn được trả lời.

Nói khác đi, nếu tôi giữ điều răn và thương yêu anh em chị em, thì đó là bằng cớ tôi được Thánh Linh quản trị, và trong tình trạng đó, Thánh Linh soạn lời cầu nguyện cho tôi và lời cầu nguyện chắc chắn sẽ được đáp lời. Nhưng nếu tôi không sống cuộc đời như vậy, thì lời cầu nguyện của tôi có thể xuất phát từ xác thịt, do bản chất con ngư072i của tôi, và tôi đừng ngạc nhiên và bất mãn nếu các điều tôi xin chẳng được đáp lời hay ban cho.

Như vậy, chúng ta đứng trước mặt Chúa. Chúng ta có dạn dĩ trong việc ầu nguyện không? Chúng ta có tin chắc vào các lời cầu xin của mình không? Chúng ta phải vững lòng, bỏ việc tự lên án, tin chắc rằng mình là con của Chúa, tự tin mình là con của Chúa, và trên tất cả, chúng ta được Thánh Linh ban cho lòng vững tin. Thánh linh đang ngự trong lòng mỗi chúng ta và lời cầu xin của ta do Thánh Linh soạn cho. Đó là niềm tin vững chắc cho mỗi người cầu nguyện với Chúa.