Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Lời Chứng Mạnh

Giăng 5:5-35

"Giăng đã trình bày sự thật về tôi" (c. #33 BDY).

Câu hỏi suy ngẫm: Giăng Báp-tít đã làm chứng thế nào về Chúa Giê-xu? Tại sao Chúa Giê-xu nhắc đến Giăng? Lời Chúa Giê-xu phán: "Giăng là bó đuốc" có nghĩa gì? Có ai tin lời chứng của Giăng không? Có ai tin lời chứng của bạn về Chúa không?

Gọi lời chứng của Giăng Báp-tít về Chúa Cứu Thế Giê-xu là "mạnh", vì trong câu #36 Chúa Giê-xu phán rằng còn có bằng chứng "mạnh hơn" mà chúng ta sẽ nói đến trong bài sau.

Giăng Báp-tít đã làm chứng về Chúa Cứu Thế Giê-xu? Ông làm chứng rằng Chúa Giê-xu là "Người làm báp-tem bằng Thánh Linh và lửa" (Giăng 1:26), là "Chiên Con của Đức Chúa Trời, Người tẩy sạch tội lỗi nhân loại" (Giăng 1:29), là "Con Đức Chúa Trời" (Giăng 1:34), là "Chiên Con của Đức Chúa Trời sẽ hy sinh để chuộc tội cho nhân loại" (Giăng 1:36). Dân chúng nhận ông là một đấng tiên tri, và lời giới thiệu của ông có sức mạnh, kết quả có một số môn đệ của ông và nhiều người khác đi theo Chúa Giê-xu (Giăng 1:37). Khi Ngài phán những lời này thì họ đang ở với Ngài, còn Giăng đang ngồi tù. Chúa Giê-xu nhắc đến Giăng để họ nhớ lại lời chứng của ông mà tin và nhờ đó được cứu rỗi (c. #34 BDY).

Lời chứng của Giăng có sức mạnh vì ông là "bó đuốc thắp sáng" (c. #35). Chỉ có Chúa Giê-xu là Nguồn Sáng (Giăng 1:4-9; 8:12; 9:5) giống như mặt trời. Giăng và những tiên tri giống như những "bó đuốc" hay là những "cái đèn" được thắp lên và chiếu sáng một thời gian, một lúc nào đó. Khi mặt trời chưa mọc lên thì người ta tạm hưởng ánh sáng đèn hay đuốc đó, nhưng khi mặt trời đã mọc, thì người ta nhờ ánh sáng mặt trời. Chúa Giê-xu đã đến, Nguồn Sáng đã đến, nhưng tiếc thay, vô số người vẫn chưa vui hưởng ánh sáng rạng ngời bủa khắp, đầy tràn sức sống vui tươi vĩnh cửu ấy.

Lời chứng của Giăng có sức mạnh vì ông không "yếu ớt như lau sậy ngã theo chiều gió" (Lu-ca 7:24-25). Ông can đảm đứng vững trước tội ác và bạo quyền. Ông là ngọn đuốc chiếu sáng cho đến lúc không cần nữa. Vâng, khi mặt trời mọc lên rồi thì đâu cần đến ánh sáng của đèn đuốc nữa (Ma-thi-ơ 14:1-12). Lời chứng của chúng ta về Chúa sẽ không có sức mạnh nếu chúng ta "ngã theo chiều gió" như lau sậy, hoặc run sợ, khuất phục trước điều ác và bạo quyền.

Những vị giáo sư cũng được gọi là "ánh sáng cho người đi trong đêm tối" (Rô-ma 2:19 BDY). Một số giáo chủ khi sơ khai thường khiêm nhường tự nhận mình như một vị giáo sư, một ánh sáng như ánh sáng đuốc hoặc đèn trong người trong đêm tối. Một số người vui lòng tạm hưởng ánh sáng ấy. Nhưng khi nguồn sáng là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến, nếu không đến với Ngài mà cứ quấn quít theo những vị giáo sư và xem họ như nguồn sáng thì thật là tối tăm.

Chúng ta là những Cơ Đốc nhân cũng được Chúa gọi là ánh sáng của thế giới (Ma-thi-ơ 5:14). Lời chứng của chúng ta về Chúa chỉ có sức mạnh khi đời sống của chúng ta thật sự phản ánh sự sống của Ngài (II Cô-rinh-tô 3:18).

Lạy Chúa, con nguyện đời con sẽ phản chiếu ánh sáng của Chúa cho những người đang sống trong thế giới tối tăm này, soi đường dẫn lối họ đến với Ngài, xin Chúa giúp con toại nguyện.

(c) 2024 svtk.net