Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Biết Chúa

Đa-ni-ên 11:21-35

"...Nhưng dân sự biết Đức Chúa Trời mình sẽ mạnh mẽ mà làm" (c. #32 b).

Câu hỏi suy ngẫm: Có những khủng hoảng nào về chính trị và tôn giáo được đề cập đến ở đây? Trong hoàn cảnh như thế lòng tin của dân Chúa thể nào? Nhờ đâu họ có thể sống vượt trên hoàn cảnh và trung tín với Chúa? Bạn học được điều gì ở đây?

Phần tiên tri chúng ta đọc hôm nay nói về sự nghiệp của một kẻ tàn bạo đã ra tay hủy phá đạo Do Thái. Kẻ tàn bạo này đã được nói đến trong 8:9-12 và 8:23-25, đó chính là cái sừng nhỏ, kẻ đã làm ngưng việc thờ phượng Chúa trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Câu #21. Kẻ tàn bạo này là Antiochus IV, chú của Seleucus IV được lên làm người quản trị nước, khi ấu vương Seleucus còn đang bị bắt giữ làm con tin ở La Mã. Nhưng Antiochus muốn nắm quyền chính luôn. Các quan tướng đều bị hắn mua chuộc nên theo hắn cả. Về sau hắn còn tự xưng là Epiphanes (Đấng Sáng Chói), coi mình như thần thánh.

Câu #22-24. Antiochus Epiphanes hưng binh đánh Ptolemy VII ở Ai Cập, bắt sống được ông vua này. Người Ai Cập chỉ định em vua là Physcon lên làm vua thay thế. Antiochus lúc ấy mạo xưng là người phò Ptolemy VII, đem quân về đánh Physcon và lập Ptolemy VII lên làm vua bù nhìn. Cuối cùng Physcon cũng được triệu về làm phó vương cho anh là Ptolemy VII. Hai người hưng binh tính đánh lại Antiochus, Antiochus tụ tập quân đội rất đông, định chiếm Ai Cập hoàn toàn, nhưng bị tướng La Mã ra lệnh cho rút về, nếu không sẽ bị đại quân La Mã tiêu diệt. Antiochus đành rút về, ăn mừng 10 năm làm vua của hắn.

Câu #25-28. Các câu này nói lại cuộc xâm lăng Ai Cập năm 170. Vua Ai Cập bị thua vì Antiochus có nội công tại Ai Cập. Antiochus được một người trong nhà thầy tế lễ tại Giê-ru-sa-lem tên là Gia-sôn, đến nhờ cậy truất phế thầy tế lễ cả đương nhiệm là Onias III, thì hắn sẽ nộp một số tiền lớn. Antiochus nghe theo và Gia-sôn lên thay. Nhưng một người khác tên là Menelaus lại cũng đút lót tiền cho Antiochus để lật đổ Gia-sôn. Menelaus định đem những báu vật tế lễ trong Đền Thờ ra bán để lấy tiền nộp cho Antiochus. Onias III lúc ấy đã bị giải chức nhưng cũng lên tiếng phản đối. Menelaus cho giết Onias III. Việc này làm cho dân thành Giê-ru-sa-lem rất công phẫn. Câu #28 nói về giao ước thánh, tức là các cuộc điều đình với các thầy tế lễ Do Thái.

Câu #29-30. Antiochus trở lại Ai Cập nhưng lần này bị Popilius Laenas ép buộc phải rút quân về. Câu #30 cho thấy việc Menelaus, thầy tế lễ nhờ Antiochus lên cầm quyền trong đất Do Thái, làm nhiều chuyện xằng bậy khiến cho Antiochus tức giận,

Câu #31. Câu này mô tả việc xảy ra vào tháng Mười Hai năm 168 tại Giê-ru-sa-lem. Quân lính của Antiochus đem tượng thần Zeus vào đền thờ, và đổi tên đền thờ là Đền Zeus Olympius.

Câu #32. Mặc dù Antiochus có nhiều thủ đoạn lung lạc giới lãnh đạo tôn giáo lúc đó, nhưng dân Chúa không theo Antiochus và chống đối rất mạnh.

Câu #33-35. Dù trong hoàn cảnh bi đát của đất nước và tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính vẫn tổ chức những cuộc đọc Kinh Thánh và dạy dân chúng về luật lệ của Chúa. Một trong những người nổi dậy là thầy tế lễ Mattathias trong thành Modein. Sau khi đánh giết viên quan cai quản của Antiochus, Mattathias cùng năm người con trai dẫn một số đông dân quân trốn lên vùng núi. Đa số những người này bị giết trong một ngày Sa-bát, vì họ không chịu chiến đấu chống quân của Antiochus trong ngày Thánh, theo đúng luật Chúa. Đây là đoạn văn duy nhất nói về việc người Do Thái nổi dậy vì danh Chúa, chống lại kẻ cầm quyền vô đạo, kể cả những tên Do Thái gian theo giặc.

Trong hoàn cảnh nước mất, đạo tan như vậy mà dân Chúa không khuất phục, vì họ biết Chúa (câu #32), vì có những người lãnh đạo tôn giáo sáng suốt đứng ra dạy đạo và duy trì lòng tin. Đây là bài học quý cho con dân Chúa và người Việt ngày nay.

Lạy Chúa, dù trong hoàn cảnh nào, xin giúp con trọn lòng tin cậy Ngài.

(c) 2024 svtk.net