Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Lời Cầu Nguyện, Lời Chứng Và Cuộc Sống

Cô-lô-se 4:2-6

"Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện mà thêm sự tạ ơn vào" (c. #2).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô nêu lên hai yếu tố nào của sự cầu nguyện? Sự cầu nguyện của chúng ta sẽ ra sao nếu thiếu hai yếu tố đó? Lời chứng và cuộc sống của chứng nhân phải có liên quan với nhau như thế nào? Lời nói "có ân hậu" và "nêm thêm muối" là lời nói như thế nào?

Một trong những yếu tố của sự cầu nguyện được Chúa Giê-xu nhấn mạnh, là sự kiên trì hay kiên tâm trong sự cầu nguyện (Lu-ca 18:1-8). Kiên tâm trong sự cầu nguyện bày tỏ đức tin nơi Chúa một cách cụ thể hơn hết. Nó cũng cho thấy thái độ nghiêm chỉnh đối với sự cầu nguyện, coi đó là phương tiện chính yếu để thành đạt điều mình thực sự cần, và thực sự mong muốn. Những lời cầu nguyện qua loa, chiếu lệ thường không phải là những lời cầu nguyện kiên trì, nếu có chăng thì đó là "những lời lặp vô ích".

"Tỉnh thức" trong sự cầu nguyện ở đây liên quan đến tinh thần cảnh giác trong đời sống thuộc linh, chứ không chỉ là trạng thái tỉnh táo của tâm trí lúc cầu nguyện. Lời tạ ơn trong sự cầu nguyện minh chứng một đời sống cầu nguyện linh nghiệm.

Khi nói đến bổn phận làm nhân chứng cho Chúa Cứu Thế. Phao-lô đã đưa ra một mẫu mực quân bình giữa cuộc sống và lời nói của tín hữu. Cuộc sống mực thước, khôn ngoan, vừa là động cơ, vừa là bằng cớ cho một lời chứng có tác dụng. Lời chứng có ân huệ là lời chứng thu hút, thuyết phục, nhưng cũng rất dịu dàng. Còn muối trong lời chứng nhấn mạnh đến tính cách đầy đủ, tinh ròng của sứ điệp Phúc Âm, được truyền ra bởi môi miệng của một người có đời sống phù hợp với tin mừng người đó rao giảng.

Chúa ơi, xin đưa con trở lại với ba điều căn bản trong cuộc sống theo Chúa: Cầu nguyện, sống theo Lời Chúa, và làm chứng cho Chúa.

(c) 2024 svtk.net