Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Khai triển lệnh tấn công (II)

Giô-suê 6:20-27

"Chúa Hằng Hữu ở cùng Giô-suê, và danh tiếng người đồn khắp trong xứ." (c. #27)

Câu hỏi suy ngẫm: Khi vách thành vừa sập xuống, thế trận đã diễn tiến ra sao (c. #20, 21)? Trong tình thế "dầu sôi lửa bỏng" này, mệnh lệnh của Giô-suê trong câu #22 mang ý nghĩa nào? Lời thề của Giô-suê trong câu #26 nói lên những suy nghĩ nào trong ông?

Nhiều người khi đọc đến Giô-suê 6:21, 22 thường không hỏi thắc mắc về tính cách tàn ác của mệnh lệnh Chúa truyền, phải giết hết dân cư - nam, phụ, lão, ấu, và cả súc vật trong thành. Phải nhận rằng đây là một thắc mắc rất thực tế, tuy nhiên không dễ gì có một câu trả lời thoả đáng. Dù sao, để có thể phần nào hiểu được mệnh lệnh gọi là "tàn ác" này, chúng ta phải nhìn theo quan điểm của Chúa được mạc khải trong Thánh Kinh. Trước hết, Đức Chúa Trời của Thánh Kinh là Đấng tuyệt đối thánh khiết và tuyệt đối công chính. Đứng trước sự thánh khiết và công chính đó, loài người đều là những tội nhân ghê tởm, đáng chết, và trong khởi đầu lịch sử, loài người đã từng bị Chúa trừng phạt (Sáng-thế Ký 7:1-24).

Thứ hai, trong sự toàn tri của Đức Chúa Trời, những con người không chịu ăn năn sẽ ngày càng dấn bước sâu hơn trong tội lỗi đưa đến những hậu quả và sự trừng phạt càng nặng nề hơn (s/s Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Sa 19:1-11). Những gì có thể biết về Chúa Hằng Hữu của Y-sơ-ra-ên mà Ra-háp biết thì dân thành Giê-ri-cô chắc cũng đã biết, tuy nhiên chỉ có Ra-háp bày tỏ lòng tin.

Thứ ba, để cho dân thành Giê-ri-cô sống là đưa tuyển dân vào bẩy. Chúa Hằng Hữu đã qua Môi-se căn dặn tuyển dân phải cảnh giác tối đa với tôn giáo thờ tà thần, với lối sống, tập tục đồi bại của dân Ca-na-an (xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:1-5; 18:9-12). Vì vậy có thể nói, mệnh lệnh tận diệt dân thành Giê-ri-cô không chỉ bày tỏ cơn giận của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của họ mà còn bày tỏ lòng thương xót của Ngài đối với tuyển dân. Chúng ta tin nơi một Đức Chúa Trời công chính, thánh khiết, yêu thương, dù nhiều khi chúng ta không thể hiểu hết những mệnh lệnh của Ngài.

Đối với người có lòng tin, dù là người xấu xa như kỵ nữ Ra-háp, Chúa đã truyền cho Giô-suê bảo toàn không những ba, gia đình và mọi vật thuộc về bà, mà bà còn được sống tự do giữa vòng tuyển dân (c. #25). Theo gia phổ do Ma-thi-ơ ghi lại, bà đã được trở thành tổ mẫu Chúa Cứu Thế (Ma-thi-ơ 1:5). Nếu mệnh lệnh tận diệt dân thành Giê-ri-cô là một điều khó hiểu thì lệnh cứu Ra-háp cũng là một điều khó hiểu khác liên quan đến bản chất Đức Chúa Trời. Tuy nhiên con người có khuynh hướng suy nghĩ theo chiều tiêu cực hơn là tích cực.

Lời chúc dữ tiên tri của Giô-suê (c. #26) đã nói lên lòng sốt sắng của ông đối với Chúa Hằng Hữu. Chính tinh thần này đã giúp ông cần mẫn thi hành mọi mệnh lệnh Chúa truyền. Lời tiên tri của Giô-suê đã ứng nghiệm vào đời trị vì của bạo chúa A-háp (I Các Vua 16:34).

Xin Chúa giúp con tin cậy nơi Ngài và thể hiện lòng tin đó bằng hành động trong sinh hoạt mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net