Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Nguyên nhân thảm bại (I)

Giô-suê 7:1-9

"Than ôi! Hỡi Chúa! Sau khi dân Y-sơ-ra-ên đã xây lưng trước mặt kẻ thù nghịch mình, tôi còn nói làm sao? Dân Ca-na-an và cả dân ở xứ này sẽ hay điều đó, sẽ vây chúng tôi, và diệt danh chúng tôi khỏi đất; Rồi Chúa sẽ làm sao cho danh lớn Chúa?" (c. #8,9)

Câu hỏi suy ngẫm: So sánh với chiến thuật đánh thành Giê-ri-cô, chiến thuật đánh A-hi có những điểm tương đồng, tương phản nào? Tổn thất nghiêm trọng nhất trong cuộc thất trận này là ở phương diện nào - nhân mạng, chiến lược hay tinh thần? Phản ứng của Giô-suê (c. #6-9) nói lên những suy nghĩ nào của ông liên quan đến thất bại này? Đặt mình vào địa vị Giô-suê, bạn nghĩ mình sẽ có tâm trạng nào?

Sau khi chiến thắng Giê-ri-cô, Giô-suê và tuyển dân đã "thừa thắng xông lên" đánh thành A-hi có lẽ để khẳng định chiến thắng vừa qua của mình. Là một nhà quân sự thận trọng, Giô-suê sai người đi thu lượm tin tức về thành A-hi để nghiên cứu chiến thuật tấn công (c. #2). Nghiên cứu về nguyên nhân thất trận A-hi, chúng ta cần lưu ý đến lời báo cáo của các thám tử trong câu #3. "Lấy làm vô ích đem cả dân sự đi lên đó; nhưng hãy cho chừng vài ba ngàn người đi lên đó mà đánh thành A-hi. Chớ làm cho mệt nhọc cả dân chúng đi đó; vì người A-hi ít quá." Đây là một báo cáo hết sức chủ quan, vì ngoài một chi tiết khách quan rất ngắn "người A-hi ít quá," thì phần lớn báo cáo lại là một đề nghị có tính cách quyết định liên quan đến chiến thuật. Bài học vừa qua tại Giê-ri-cô là gì? Chiến thuật kỳ lạ đánh Giê-ri-cô là chiến thuật của ai mà tại sao bây giờ các thám tử lại đưa ra "sáng kiến" riêng? Đề nghị này đã nói lên rằng sau khi chiến thắng Giê-ri-cô, họ đã lầm tưởng chính họ đã đánh và chiếm thành bằng sức mình chứ không phải do sức Chúa. Tù khi vượt sông Giô-đanh cho đến khi đánh Giê-ri-cô, hai điều sau đây là hai yếu tố quyết định: a) sự hiện diện của Chúa Hằng Hữu thể hiện qua rương giao ước và các thầy tế lễ (Giô-suê 3:13; 6:6,13). b) Nỗ lực chung của TOÀN THỂ tuyển dân cũng được nhấn mạnh (Giô-suê 3:12). Thế mà bây giờ trong kế hoạc đánh thành A-hi, cả hai điều trên đã bị gác qua một bên! Điều đáng tiếc là thay vì cầu hỏi xin lệnh Chúa, Giô-suê đã vội vàng theo đề nghị của các thám tử. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, thành công thường đặt con dân Chúa vào những vị trí nguy hiểm vì dễ khiến chúng ta mất cảnh giác, dựa vào mình; tự tin thay vì tin cậy Chúa. Tuy nhiên, thất bại trước thành A-hi đã nhanh chóng đưa Giô-suê và các trưởng lão trở lại cầu hỏi Chúa. Lý do Giô-suê trưng ra để kêu nài Chúa can thiệp đã nói lên mối quan tâm chính đáng và lòng tin kính sâu đậm của ông đối với Chúa Hằng Hữu: "rồi Chúa sẽ làm sao cho danh lớn Chúa?" Thái độ này tương phản hẳn với thái độ của vua Sau-lơ sau này, chỉ nghĩ đến danh tiếng mình (Xem I Sa-mu-ên 16:30).

Qua bài học này xin Chúa nhắc con rằng, nếu biết ăn năn, con có thể học được rất nhiều qua những thảm bại của đời sống mình.

(c) 2024 svtk.net