Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Vì tội của ai?

Giăng 9:1-3

Các môn đệ hỏi Chúa Giê-xu: 'Thưa thầy, vì tội của ai mà anh này từ lúc mới sinh đã mù loà như thế?" (c. #2)

Câu hỏi suy ngẫm: Câu hỏi của các môn đệ Chúa Giê-xu phát xuất từ quan niệm nào? Kinh Thánh dạy gì về căn nguyên của bịnh tật và đau khổ? Khi thấy một người chịu bịnh tật và đau đớn, bạn nghĩ gì về người ấy và làm gì cho người ấy? Bạn làm gì khi gặp đau đớn?

Khi ba bạn của Gióp đến thăm, thấy sự đau đớn của ông và "không thể nói" bảy ngày đêm, thật đã an ủi ông rất nhiều. Nhưng khi bắt đầu nói thì Ê-li-pha đã nều lý do sự đau đớn của Gióp mà rằng: Ông hãy suy xét lại, nào bao giờ có kẻ vô tội bị hư mất? Đâu có người ngay thẳng lại bị trừ diệt? Theo điều tôi đã thấy, ai cày sự gian ác, và gieo điều quấy rối, thì lại gặt lấy nó." (Gióp 4:7-8). Binh-đát tiếp: "Đức Chúa Trời há thiên đoán ư? Đấng toàn năng há trái phép công bình sao? Nếu con cái ông có phạm tội cùng Ngài thì Ngài đã phó chúng nó vào quyền tội ác chúng nó. Nếu ông cẩn thận tìm kiếm Đức Chúa Trời, cầu khẩn cùng Đấng Toàn Năng, nếu ông thanh sạch và ngay thẳng, quả thật bây giờ Ngài sẽ tỉnh thức vì ông, và làm cho nhà công bình ông được hưng thạnh." (Gióp 8:3-6). Sô-pha thêm: "Hãy biết rõ ràng, từ đời xưa từ khi loài người được đặt nơi thế gian, thì sự thắng hơn của kẻ ác không có lâu, và sự vui mừng của kẻ vô đạo chỉ một lúc mà thôi." (Gióp 20:4-5). Niềm tin "có nhơn có quả", "gieo gì gặt nấy" , "tội lỗi sanh ra tật bệnh" đều đúng, nhưng còn nhiền căn nguyên khác nữa, như căn nguyên đau đớn của Gióp họ đâu có biết.

Dân chúng trên đảo Man-tơ cũng đồng niềm tin ấy, khi thấy con rắn lục từ bó củi khô bò ra đeo thòng lòng trên tay Phao-lô, thì nói: "Anh này đúng là kẻ sát nhân, dù khỏi chết chìm ngoài biển, lưới trời cũng không thoát được". (Công-vụ các Sứ-đồ 28:4). Nhưng họ thấy không đúng và đổi ý ngay, khi Phao-lô rảy rắn lục vào lửa không bị hại gì hết.

Có người còn nghĩ xa hơn, khi thấy nạn nhơn có lẽ không làm gì nên tội, thì cho rằng cha mẹ người ấy đã phạm tội nên Đức Chúa Trời "nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5).

Trong trường hợp Phao-lô bị "giằm xóc" vào thịt ông (II Cô-rinh-tô 12:7-9), và trường hợp của người mù từ thuở mới sinh ra này, mục đích của Chúa là: để cho Phao-lô kinh nghiệm ân sủng đầy đủ và sức mạnh trọn vẹn của Chúa, và để cho những việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người mù này (Giăng 9:3). Khi gặp đau đớn, chúng ta nên tìm biết lý do để nếu cần thì ăn năn, hoặc an tâm chấp nhận. Nhưng chúng ta nên thận trọng khi đến với anh em bị bịnh tật và đau đớn, thay vì tìm hỏi lý do, căn nguyẹn, nên dùng lời an ủi và cầu nguyện nâng đỡ là hơn.

Lạy Chúa, xin ban cho con được ơn để an ủi và nâng đỡ những anh em con trong cơn bịnh tật và đau đớn của họ.

(c) 2024 svtk.net