Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Lười biếng

Châm-ngôn 19:24; Châm-ngôn 12:27; Châm-ngôn 6:9; Châm-ngôn 26:16

"Kẻ biếng nhác thò tay mình trong dĩa, rồi không thèm đem nó lên miệng mình nữa." (Châm-ngôn 19:24)

Câu hỏi suy ngẫm: Người biếng nhác được tác giả Châm ngôn mô tả như thế nào? Họ có những ý nghĩ tiêu cực như thế nào? Điều gì thường khiến người ta trở thành biếng nhác? Biếng nhác sẽ đưa đến hậu quả nào? Làm sao để thắng hơn tính biếng nhác?

Châm ngôn mô tả ảnh người lười biếng thật khôi hài. Người ấy thò tay vào trong dĩa rồi không chịu đưa tay lên miệng (Châm-ngôn 19:24; 26:15). Người ấy không chịu nướng thịt mình đã săn bắn được (Châm-ngôn 12:27). Anh ta ưa ngủ, nằm trên giường, không chịu dậy, anh lăn trở trên giường như cánh cửa xoay quanh bản lề (Châm-ngôn 6:9; 19:12; 26:14). Người ấy thấy chung quanh mình toàn những khó khăn, để rồi không chịu đưa tay ra làm gì cả (Châm-ngôn 26:13). Người lười bỏ bê ruộng vườn của mình, không chịu canh tác, săn sóc (Châm-ngôn 24:30). Anh ta không nắm lấy cơ hội để gieo trồng, cầy cấy (Châm-ngôn 20:4). Thế nhưng anh ta tự cho mình là người khôn ngoan, thông sáng hơn người (Châm-ngôn 26:16). Người lười sẽ gặt hái kết quả thảm bại vì bịnh lười của mình. Anh ta sẽ phải chịu nghèo khổ (Châm-ngôn 10:4), đói khát. Cuộc đời anh đầy khó khăn, rắc rối (Châm-ngôn 15:19), anh làm hỏng hết đại cuộc (Châm-ngôn 18:9); không ai dám tin dùng anh (Châm-ngôn 10:26). Anh ước mơ, nhưng chẳng bao giờ với được điều lòng mơ ước (Châm-ngôn 13:4). Châm ngôn nêu lên những điều trên với duy một mục đích là dạy dỗ con cái Chúa hãy tập siêng năng và tránh lười biếng. Chúng ta đáng lấy loài kiến làm gương để siêng năng chăm lo đời sống tâm linh và thể xác của mình (Châm-ngôn 6:6).

Lạy Chúa, xin giúp con bỏ được tính biếng nhàc, siêng năng làm việc để giúp ích cho con và người khác.

(c) 2024 svtk.net