Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Bài giảng trên núi

Ma-thi-ơ 5:1-2

"Chúa Giê-xu xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia, khi Ngài đã ngồi thì các môn đệ đến gần, Ngài bèn mở miệng truyền dạy."

Câu hỏi suy ngẫm: Bài giảng trên núi được giảng cho ai? Những chi tiết nào cho thấy tính cách quan trọng của Bài giảng trên núi? Những chữ "mở miệng" và "truyền dạy" hàm chứ ý tưởng nào về tư cách và thái độ của người giảng?

Chúng ta đã thấy Ma-thi-ơ chính yếu là sách Phúc Âm để dạy dỗ. Đặc điểm của Ma-thi-ơ là tập hợp sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu dưới nhiều tiên đề lớn. Có thể nói Ma-thi-ơ đã thâu góp sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu vào trong một khuông mẫu chung. Bài giảng trên núi không phải là một bài duy nhất giảng trong một tình huống xác định, nhưng là một bài tóm tắt, tập trung tóm lược sự dạy dỗ thuần nhất của Ngài cho môn đệ. Trong hai câu ngắn ngủi trên, có ba điểm then chốt về ý nghĩa thật của Bài giảng trên núi. 1. Chúa Giê-xu khởi sự dạy dỗ khi Ngài đã ngồi xuống. Một Ra-bi Do thái chính thức dạy, ông thường ngồi để dạy. Vậy việc nói Chúa Giê-xu ngồi xuống dạy dỗ các môn đệ chính là dấu hiệu cho thấy điều dạy này là trọng yếu và chính thức. 2. Ma-thi-ơ tiếp tục nói Ngài mở miệng mà truyền dạy. Câu "Ngài mở miệng" không phải chỉ là lối trang điểm cho câu "Ngài phán". Trong tiếng Y Lạp câu này có hai ý nghĩa: a) Dùng chỉ lời nói nghiêm chỉnh, long trọng và có giá trị, như khi dùng cho một lời sấm truyền. Nó là một lời tựa đương nhiên cho một bài nói giá trị. b) Nó được dùng cho lời nói của một người đem hết lòng và cũng dốc đổ cả tâm trí ra để nói. Đó là sự dạy dỗ thân thiết không có ngăn cách. Hơn nữa, câu này có thông dụng cho thấy tài liệu trong Bài giảng trên núi không phải là lời dạy vụn vặt mà là lời dạy nghiêm nghị, trang trọng về những điều chính yếu Chúa Giê-xu đã dốc đổ lòng và trí cho những người sẽ tận tụy với Ngài trong công tác. 3. 'Khi Chúa Giê-xu đã ngồi, bèn mở miệng bèn truyền dạy rằng". Động từ "dạy" ở đây, trong tiếng Y Lạp được mô tả là một hành động lặp đi lặp lại theo thói quen, do đó nên dịch là "đây là điều Ngài thường dạy dỗ họ." Ma-thi-ơ nêu rõ điều ấy để cho biết Bài giảng trên núi không phải là một bài giảng Chúa Giê-xu ban bố trong một thì giờ đặc biệt, vào một dịp tiện đặc biệt, mà là bảng tóm lược cốt tủy của mọi điều Chúa Giê-xu vẫn thường dạy dỗ các môn đệ.

Lạy Chúa, xin tha thứ con vì lắm khi con lơi là trong sự dạy dỗ của Ngài, trong khi Ngài đã dốc hết lòng, hết tâm trí cho con. Xin giúp con nghe và làn theo Lời Ngài.

(c) 2024 svtk.net