Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Phước Cho Tâm Linh Đói Khát (I)

Ma-thi-ơ 5:6

"Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ".

Câu hỏi suy ngẫm: "Đói khát sự công bình" có nghĩa gì? Nói lên nhu cầu nào của con người? Bằng cách nào nhu cầu này được thoả mãn?

Từ ngữ không đứng đơn độc, chúng luôn luôn nằm trong một bối cảnh của kinh nghiệm hay tư tưởng. Ý nghĩa của mỗi chữ nằm trong kinh nghiệm và sự hiểu biết của người nói ra chữ đó. Điều này rất đúng đối với phước hạnh này. Nó cho những người nghe lúc bấy giờ một ấn tượng khác hẳn với ấn tượng đối với chúng ta ngày nay.

Thật ra với điều kiện sinh hoạt hiện đại, ít người trong chúng ta biết thế nào là đói và khát thật. Thời xưa hoàn toàn khác hẳn. Tiền công mỗi này tương đương với tám xu Anh, dầu có cho sự chênh lệnh của mãi lực đồng tiền bao nhiêu đi nữa thì cũng chẳng ai no béo gì với số tiền công đó. Một công nhân nước Palestine chỉ ăn thịt mỗi tuần một lần,lúc nào họ cũng sống ở ranh giới chết đói và chết khát. Tình trạng khát khốn khổ hơn nhiều. Thời xưa không phải dân chúng mở vòi là có nước trong mát chảy ra. Một người ra đi, nửa đường gặp một cơn bão cát không thể làm gì được trừ việc lấy áo quấn lên đầu và quay lưng lại ngọn gió chờ đợi, trong khi gió xoáy thổi cát vào đầy lỗ mũi, vào cuống họng, cho đến chừng người khát khô cổ. Trong những điều kiện sinh hoạt Tây phương hiện đại không hề có một cảnh như thế bao giờ.

Vậy, sự đói mà phước lành này mô tả không phải là cái đói thông thường có thể giải quyết bằng bữa ăn nửa buổi; sự khát mà phước lành nói đây không thể giải quyết bằng một tách cà phê hoặc một ly nước đá, mà là sự đói của một người sắp chết đói vì thiếu ăn, sự khát của một người sẽ chết khát nếu không có nước.

Vì thế phước lành này trong thực tế là một thách thức, một câu hỏi: "Lòng khao khát của anh đối với sự thiện như thế nào? Có như một người chết đói thèm ăn hay như người chết khát thèm uống không?". Lòng khao khát sự thiện của chúng ta mãnh liệt đến đâu? Hầu hết mọi người đều có một khao khát về sự thiện theo bản năng, nhưng ước ao đó mong manh và mơ hồ chứ không tha thiết, mãnh liệt, và khi thì giờ quyết định đến, họ chưa sẵn sàng để cố gắng, để hy sinh theo sự thiện chân thật đòi hỏi. Hầu hết con người đều mắc một chứng bệnh là: "bịnh không muốn". Nếu chúng ta thật muốn sự thiện hơn bất cứ điều gì khác thì thế giới sẽ khác đi rất nhiều.

Khi đề cập đến phước lành này từ khía cạnh đó, nó trở thành cần thiết nhất và cũng đáng kinh khủng nhất. Đây không phải chỉ là phước lành thách thức, đòi hỏi chúng ta nhiều nhất và cũng đáng kinh khủng nhất. Nó còn một nghĩa phía sau là người được phước không nhất thiết phải đạt được sự thiện, nhưng là người hết lòng khao khát nó. Nếu phước đó chỉ dành cho người nào đã đạt đến sự thiện thì không ai đạt được cả. Nhưng phước lành đến với người dù thất bại, thiếu sót, vẫn bám lấy sự mến chuộng khao khát điều cao quí nhất. Sự khổn khổ nhất của con người la bị định phải thanh cao. Con người là một tội nhân thì không có gì lạ, nhưng điều lạ là dù sống trong tội lỗi, con người vẫn bị sự thiện ám ảnh theo đuổi cho đến nỗi dầu ở trong bùn nhơ, người vẫn không hoàn toàn quên các vì sao. Đa-vít ấp ủ lòng mong ước xây cất đền thờ của Đức Chúa Trời, nhưng ông không bao giờ thực hiện được cao vọng ấy. Chúa từ chối, cấm ông xây cất. Ngài phán: "Khi ngươi có ý xây đền cho danh Ta,thì lấy làm thậm phải" (I Các Vua 8:18). Bởi lòng nhân từ, Đức Chúa Trời đoán xét chúng ta không chỉ theo những gì chúng ta đã thực hiện được mà theo những ước mơ của chúng ta. Dù một người không bao giờ đạt đến sự thiện, nhưng cho đến mãn đời vẫn còn khao khát, thì người ấy vẫn không bị loại trừ ra khỏi phần phước hạnh.

Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy tình trạng đói khát của tâm linh con và giúp con biết đói khát sự thiện lành.

(c) 2024 svtk.net