Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Đời Sống Tận Hiến 盡 獻 (jìn xiàn)

          Đây là bài thứ nhì trong loạt bài đời sống tẩm hương, đời sống tận hiến, đời sống tận hưởng, đời sống tiến hành. Người tin Chúa, theo Chúa, bày tỏ đạo sự sống của phải là người có đời sống tẩm hương. Đó là đời sống thấm nhuần ảnh hưởng tốt lành của Chúa. Người tin Chúa, theo Chúa, chứng đạo tốt cho Chúa phải tẩm hương của Chúa mới có thể tỏa hương. Ngoài ra, người tin Chúa, theo Chúa, bày tỏ đạo sự sống của Chúa phải là người có đời sống tận hiến.

Nói cách đơn giản, tận hiến có nghĩa là dâng hết. Người thuộc về Chúa là người dâng trọn ý chí, suy tư, cảm xúc của mình cho Chúa để Ngài cai quản, hướng dẫn, thêm sức. Một người hoặc thuộc về chính mình, hoặc thuộc về Chúa; không thể lúc thì thuộc về mình, lúc thì thuộc về Chúa; không thể thuộc về mình một phần, thuộc về Chúa một phần.

William Booth, người thành lập Cứu Thế Quân, nói: Tôi sẽ cho bạn biết bí quyết: Chúa chiếm hữu trọn vẹn những gì thuộc về tôi. Nhiều người có trí tuệ khá hơn tôi, lại có cả cơ hội lớn hơn tôi, nhưng từ khi lòng tôi cảm thương những người cùng khốn ở Luân Đôn và trí tôi thấy điều Chúa Giê-xu có thể làm giữa họ và tôi, tôi quả quyết rằng mọi sự của tôi đáng thuộc về Chúa. Nếu có năng lực nào trong Cứu Thế Quân đó là bởi vì Chúa đã nắm trọn ngưỡng vọng của tấm lòng tôi, năng lực của ý chí tôi, và mọi ảnh hưởng của đời sống tôi.

Charles Spurgeon được cứu vào ngày 6 tháng 1 năm 1850. Vào ngày 1 tháng 2 năm đó, ông viết lời cầu nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa như sau: Lạy Chúa là Đấng cao cả không dò, Đấng biết rõ lòng con, thử thách các đường lối con; con xin nương tựa cách khiêm cung trong Thánh Linh Ngài, con xin dâng đời con cho Ngài, không dám giữ lại chi hết vì con vốn thuộc về Chúa; còn sống trên đất ngày nào, con xin phục vụ Chúa ngày nấy. Xin cho con được vui thỏa trong Chúa và ca ngợi Chúa mãi mãi. A-men.

Bobby Richardson, một tuyển thủ danh tiếng của Đội Banh New York Yankee, cầu nguyện cách gọn gàng và đầy ý nghĩa như sau: Con nguyện cầu ý Chúa được nên, không hơn, không kém, không chi khác hơn. A-men.

Vào ngày 15 tháng 2 năm 1921 trong phòng giải phẫu của Bịnh Viện Kane Summit ở New York một vị bác sĩ cần giải phẫu ruột dư cho một bịnh nhân. Người đó bị đau thốn vì ruột dư bị sưng. Bác sĩ Evan O’Neill Kane, người đã từng hành nghề y sĩ 37 năm, tin rằng làm tê khu vực thì tốt hơn là làm mê cả người. Ông đã từng giải phẫu gần bốn ngàn lần những chứng ruột dư rồi bởi vậy nên hôm đó thêm một lần giải phẫu quen thuộc cũng chỉ là chuyện thông thường, chẳng có gì lạ ngoại trừ hai điều. Thứ nhất, bịnh nhân không hôn mê nhưng chỉ bị tê.

Ông tin rằng gây tê thì an toàn hơn là gây mê. Nhiều người cũng đồng ý với ông trên lý thuyết nhưng chưa dám áp dụng.

Bác Sĩ Kane tìm ngườI tình nguyện, một bịnh nhân dám được giải phẫu trong khi chỉ bị tê. Khó có thể tìm thấy người tình nguyện. Nhiều người sợ phải nhìn thấy bác sĩ mổ xẻ mình. Có người lại sợ thuốc tê tan nhanh.

Cuối cùng Bác Sĩ Kane tìm thấy một người tình nguyện. Vào sáng Thứ Ba, 15 tháng 2 năm 1921 cuộc giải phẫu lịch sử diễn ra.

Người ta đưa bịnh nhân vào phòng mổ rồi chích thuốc tê cho người đó. Bác Sĩ Kane đã mổ ruột dư cho hàng ngàn người rồi. Ông rạch da bụng bịnh nhân rồi cắt bỏ khúc ruột dư, sau đó may da lại. Chỉ có vậy thôi. Lần này ông mổ cách thong thả, cẩn thận. Bịnh nhân chỉ cảm thấy hơi khó chịu một chút mà thôi. Bịnh nhân tình nguyện được đưa sang một phòng khác trong bịnh viện và sau hai ngày được xuất viện.

Bác Sĩ Kane đã minh chứng lý thuyết của mình. Nhờ người dám tình nguyện ông đã có thể tỏ cho cộng đồng y khoa thấy rõ giải phẫu khi chỉ làm tê là điều có thể thực hiện được và đó là phương pháp tốt hơn trong nhiều trường hợp giải phẫu.

Như tôi đã nói, cuộc giải phẫu ngày hôm đó có hai yếu tố đặc biệt. Yếu tố đặc biệt thứ nhất là việc xử dụng thuốc tê thay vì thuốc mê. Yếu tố đặc biệt thứ hai là bịnh nhân tình nguyện can đảm kia lại là chính Bác Sĩ Kane. Để minh chứng điều mình tuyên bố là đúng, Bác Sĩ Kane đã giải phẫu cho chính mình. Bác sĩ trở thành bịnh nhân để thuyết phục những bịnh nhân khác tin cậy bác sĩ.

(Max Lucado, In the Eye of the Storm, Word Publishing, 1991, pp. 35-36.)

Pavel Poloz viết trong bài Exile from Russia do Moody Monthly ấn hành vào Tháng Tư năm 1989 như sau: Tại Nga Sô con cái Chúa bị thử thách bởi sự cực khổ, còn tại Hoa Kỳ con cái Chúa bị thử thách bởi sự tự do. Bị thử thách bởi sự tự do thì khó hơn nhiều.

Khi không sống trong khuôn khổ niềm tin, con cái Chúa dễ trở nên thờ ơ, hững hờ, phóng túng và không chuyên cần, chuyên chú, chuyên tâm. Là con cái Chúa, chúng ta phải chuyên cần trong việc thực hành mọi điều răn, mạng lịnh và luật lệ Chúa đã truyền dạy cho chúng ta (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6). Là con cái Chúa, chúng ta phải chuyên chú nhìn xem Đấng Christ. Ngài là cội rễ và cứu cánh của niềm tin chúng ta (Hê-bơ-rơ 12). Là con cái Chúa, chúng ta phải chuyên tâm sống đẹp lòng Đức Chúa Trời , như người làm công không chi đáng trách (2 Ti-mô-thê 2:15).

Hai-ti là xứ nghèo nàn ở Nam Mỹ. Có người kia muốn bán nhà mình với giá chừng hai ngàn Mỹ Kim nhưng người mua chỉ có một ngàn Mỹ Kim mà thôi. Người bán đồng ý bán với điều kiện ông ta còn giữ nguyên chủ quyền một cái đinh đóng trên cánh cửa ra vào của căn nhà đó. Sau mấy năm người chủ cũ muốn mua căn nhà mình lại nhưng người chủ mới không đồng ý. Người chủ cũ bèn đem xác một con chó chết móc vào cái đinh, treo lủng lẳng nơi cửa ra vào của căn nhà đó. Vì không thể sống chung với chó chết được nên cuối cùng người chủ mới phải bán nhà trở lại cho người chủ cũ. Người kể chuyện này là một người Hai-ti. Người ấy kết luận rằng con cái Chúa dứt khoát không thể để cho ma quỉ xen vào đời sống của mình. Từ một chỗ dù nhỏ đến mấy ma quỉ cũng có thể gây thiệt hại rất lớn.

Tận hiến có nghĩa là hiến dâng cho đến kỳ cùng. Adoniram Judson nhọc nhằn lao khổ tại xứ Miến Điện suốt cả 18 năm trường không hề ngơi nghỉ. Trong sáu năm đầu chẳng có ai tin Chúa. Ông thưuờng xuyên bị giam cầm, bị đánh đập, bị ngược đãi. Ông thú thật rằng trong những lúc đó, khi thấy bóng dáng một chiếc tàu ông chỉ muốn lên tàu về xứ mà thôi. Khi vợ ông bị bịnh nặng, ông đưa vợ lên tàu trở về Anh Quốc và biết trước trong hai năm sau đó ông sẽ không thấy mặt vợ mình. Ông viết trong nhật ký: “Ước gì chúng tôi còn có những tháng ngày còn lại được sống êm đềm bên nhau . . .” Mơ ước đó Adoniram không thực hiện được. Lời kết trong trang nhật ký của ông là lời này: “Đời sống ngắn ngủi quá. Hàng triệu người Miến Điện đang hư vong. Hiện nay theo tôi biết chỉ có mình tôi hiểu được ngôn ngữ của họ để mang tin lành cứu rỗi đến cùng họ . . .”

Tận hiến có nghĩa là đầu tư trọn vẹn những gì còn lại,  những gì hiện đang có.

v    Johny Fulton bị xe tung hồi mới có ba tuổi. Hông của nó bị bẹp, sườn của nó bị gãy, đầu của nó bị nứt, chân của nó bị dập nát. Thoạt đầu người ta tưởng nó không sống được. Nhưng nó không chịu thua. Khi lớn lên, trong cuộc chạy đua  nửa dặm, nó về đầu với với kỷ lục chạy dưới hai phút.

v    Walt Davis bị tê liệt trọn cả người năm chín tuổi nhưng không chịu thua. Trong kỳ tranh giải Thế Vận Hội năm 1952, Walt Davis đoạt giải nhảy cao.

v    Shelly Mann bị tê liệt năm năm tuổi nhưng không chịu thua. Khi lớn lên, cô đoạt được tám giải bơi lội trên toàn quốc và đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội năm 1956 tại Melbourne, Australia.

v    Vào năm 1938 Karoly Takacs, một thành viên đội xạ thủ Hung Gia Lợi bị lựu đạn nổ tung mất cả cánh tay mặt nhưng Takacs không chịu thua. Anh tập bắn bằng tay trái dù tay trái không thuận. Sau đó anh đoạt huy chương vàng về môn xạ thủ trong hai kỳ Thế Vận Hội 1948 và 1952.

v    Hồi nhỏ Lou Gehrig chơi banh tệ đến nỗi bạn bè trong xóm không cho chơi chung. Lớn lên Gehrig dồn hết nỗ lực tập luyện và được vinh danh trong Hall of Fame của bộ môn dã cầu.

v    Woodrow Wilson không biết đọc mãi cho đến năm mười tuổi nhưng cứ cố gắng miệt mài. Cuối cùng, Wilson trở thành vị tổng thống thứ hai mươi tám của Hoa Kỳ.

v    Có một người hồi mới bảy tuổi đã bắt đầu làm việc phụ giúp gia đình. Người mồ côi mẹ năm chín tuổi. Năm hai mươi hai tuổi người đó bị mất việc làm thư ký. Năm hai mươi ba tuổi người đó vay nợ để hùn vốn mở tiệm chung với người khác. Năm hai mươi sáu tuổi người đó vỡ nợ. Năm ba mươi lăm tuổi người đó hai lần bị thất cử khi tranh cử vào Quốc Hội. Năm ba mươi bảy tuổi người đó đắc cử. Năm ba mươi chín tuổi, người đó lại thất cử khi tái ứng cử. Năm bốn mươi mốt tuổi đứa con trai nhỏ của người đó chết. Năm bốn mươi hai tuổi, người đó vào làm việc cho cơ sở dinh điền. Năm bốn mươi lăm tuổi người đó ra ứng cử Thượng Viện và thất cử. Năm bốn mươi bảy tuổi, người đó lại thất cử khi được đề cử làm ứng viên phó tổng thống. Năm bốn mươi chín tuổi ngươi đó ra tranh cử Thượng Viện và lại thất cử. Cuối cùng, vào năm năm mươi mốt tuổi người đó đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ thứ nhì, người đó bị ám sát. Người đó chết nhưng tên tuổi người vẫn còn sống giữa vòng những người nổi danh trong lịch sử Hoa Kỳ. Tên người đó là Abraham Lincohn.

Tận hiến có nghĩa là mưu cầu phúc lợi cho lý tưởng, cho tha nhân còn hơn cho chính bản thân.

Bác Sĩ Lu-ca thuật lại việc Chúa quan sát và phán dạy về việc dâng hiến như sau:

1Ðức Chúa Jêsus vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, 2lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. 3Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. 4Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình.

Trong Sách Các Vua đoạn 17 thuật lại chuyện Tiên Tri Ê-li sống nhờ nước trong khe và nhờ thức ăn quạ mang đến. Sau đó ông lại được người đàn bà góa nuôi dưỡng mặc dầu thoạt đầu bà chỉ còn một nắm bột trong vò và một ít dầu trong bình.

Giống như chuyện năm cái bánh và hai con cá, lắm khi Đức Chúa Trời chỉ làm phép lạ khi con cái Chúa dám tận hiến những gì mình có cho Ngài.

2Ðoạn có lời của Ðức Giê-hô-va phán dạy người rằng: 3Hãy đi khỏi đây, qua phía đông, và ẩn ngươi bên khe Kê-rít, đối ngang Giô-đanh. 4Ngươi sẽ uống nước của khe, và ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi tại đó. 5Vậy, Ê-li đi, vâng theo lời của Ðức Giê-hô-va, và đến ở nơi mé khe Kê-rít đối ngang Giô-đanh. 6Buổi mai và buổi chiều chim quạ đem bánh và thịt cho người; và người uống nước khe. 7Nhưng trong ít lâu, thì khe bị khô, vì trong xứ không có mưa.

8Bấy giờ, có lời của Ðức Giê-hô-va phán dạy Ê-li rằng: 9Hãy chổi dậy, đi đến Sa-rép-ta, thành thuộc về Si-đôn, và ở tại đó; kìa, ta đã truyền cho một người góa bụa ở thành ấy lo nuôi ngươi. 10Vậy, người đứng dậy đi đến Sa-rép-ta. Khi đến cửa thành, người thấy một người đờn bà góa lượm củi, bèn kêu mà nói rằng: Ta xin ngươi hãy đi múc một chút nước trong bình để cho ta uống. 11Nàng bèn đi múc nước. Nhưng người kêu lại và nói với nàng rằng: Cũng hãy đem trong tay ngươi cho ta một miếng bánh nữa. 12Nàng đáp: Tôi chỉ mạng sống của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của ông mà thề, tôi không có bánh, chỉ có một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình; này tôi lượm hai khúc củi, đoạn về nấu dọn cho tôi và con trai tôi; khi ăn rồi, chúng tôi sẽ chết. 13Nhưng Ê-li tiếp rằng: Chớ sợ chi, hãy trở về, làm y như ngươi đã nói; song trước hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ, rồi đem ra cho ta; kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi. 14Vì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vậy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Ðức Giê-hô-va giáng mưa xuống đất. 15Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê-li nói. Nàng và nhà nàng, luôn với Ê-li ăn trong lâu ngày. 16Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình, y như lời Ðức Giê-hô-va đã cậy miệng Ê-li mà phán ra.


Tứ Mùa Tâm Linh

Tân Tạo  (xīn zào)

Tươi Tỉnh    (sū xǐng)

Tăng Tiến   (zēng jìn)

Tịnh Tâm   (bìng xīn)