Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Phước của tấm lòng trắc ẩn trọn vẹn

Ma-thi-ơ 5:7

"Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót."

Câu hỏi suy ngẫm: Thương xót là gì? Người có lòng thương xót được phước hạnh nào? Động cơ nào khiến chúng ta có lòng thương xót?

Đây là một câu nói vĩ đại nêu ra một nguyên tắc xuyên suốt qua Tân Ước. Tân Ước nhấn mạnh: muốn được sự tha thứ, chúng ta phải thứ tha. Như thư Gia-cơ chép: "Sự đoán xét không thương xót kẻ chẳng làm sụ thương xót" (Châm-ngôn 2:13). Chúa Giê-xu kết thúc câu chuyện kẻ mắc nợ không tha thứ với lời cảnh cáo: "Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy." (Ma-thi-ơ 18:35). Tiép theo bài cầu nguyện chung có hai câu cắt nghĩa và nhấn mạnh lời cầu xin: "Xin tha tội cho chúng tôi cũng như chúng tôi tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi", "và nếu các ngươi tha tội cho người ta thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ ngươi. Song nếu các ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi" (Ma-thi-ơ 6:12,14,15). Tân Ước luôn luôn dạy chỉ người thương xót mới được thương xót.

Nhưng phước lành này phong phú hơn nhiều. Thương xót là khả năng đồng hoá mình vào địa vị người đó cho đến chừng chúng ta nhìn sự vật bằng cái nhìn của người ấy, suy nghĩ bằng tâm trí người ấy, và cảm xúc bằng chính cảm xúc của người ấy. Điều này hơn hẳn một làn sóng cảm thương, nó đòi hỏi một cố gắng của trí não và ý chí. Nó chứng tỏ một lòng trắc ẩn không đến từ bên ngoài nhưng đến từ một chủ tâm đồng nhất với người kia, cho đến chừng chúng ta thấy mọi sự như người ấy thấy, và cảm xúc sự vật như người ấy cảm xúc, đó là lòng trắc ẩn theo nghĩa đen. Lòng trắc ẩn đây là cùng chung kinh nghiệm với người khác, là kinh nghiệm điều người ta đang trải qua.

Đây chính là điều nhiều người hầu như không có. Họ quá quan tâm đến cảm xúc cá nhân của mình đến nỗi không để ý đến cảm xúc của người khác. Khi họ tiếc cho những người khác là họ đứng từ bên ngoài mà tiếc, chứ không quyết chí cố gắng đặt mình vào trong tâm tư và lòng dạ của người kia để thấy và cảm xúc như họ. Nếu chúng ta thật tâm cố gắng đặt mình vào chỗ của người khác và nếu chúng ta thành công trong sự đồng nhất với người khác thì chắc chắn cuộc sống sẽ khác đi rất nhiều.

Lạy Chúa xin ban cho con tấm lòng biết thương xót, đồng hoá vào niềm vui, nỗi buồn của anh chị em, đồng bào con, vì Chúa ơi, Ngài đã thương xót con quá nhiều.

(c) 2024 svtk.net