Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Phước cho người chịu khổ vì Chúa Cứu Thế (II)

Ma-thi-ơ 5:10-12

"Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sụ công bình vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy."

Câu hỏi suy ngẫm: Nước thiên đàng ở đây có ý nghĩa là gì? Tại sao phước hạnh này được ban cho người chịu bắt bớ vì sự công bình Lịch sử Hội Thánh cho thấy Cơ Đốc nhân đã trả giá như thế nào cho đức tin của họ? Bạn học được điều gì cho chính bạn?

Những hình khổ mà người Cơ Đốc nhân buổi ban đầu phải chịu thật không thể hình dung hết được. Cả thế gian biết có những người Cơ Đốc bị ném cho sư tử hoặc bị thiêu trên giàn hoả, nhưng đó vẫn còn là những cái chết tử tế. Nero đã gói Cơ Đốc nhân trong nhựa chai và thắp làm đuốc để soi sáng khu vườn thượng uyển, hoặc khâu họ trong những da thú để thả cho chó săn xé ra từng miếng. Họ chịu hình khổ trên giá gỗ, họ bị rứt thịt bằng kìm, bị chì nấu chảy đổ xèo xèo trên mình, bị những miếng đồng nung đỏ áp vào những phần da mỏng nhất của thân thể, bị móc mắt, có những phần thân thể bị chặt và nướng ngay trước mặt họ, trong khi tay chân bị đốt thì người ta đổ nước lạnh trên họ để kéo dài cảnh đau đớn đó. Không vui chút nào khi nghĩ đến những điều này, nhưng đó là điều phải sẵn sàng chịu nếu họ bằng lòng đứng chung với Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúng ta tự hỏi vì sao ngưòi La Mã lại bắt bớ Cơ Đốc nhân. Một người sống đời Cơ Đốc lại phải là nạn nhân của bắt bớ và giết chóc hẳn là một điều kỳ lạ. Có hai lý do:

1. Có những lời vu cáo, phỉ báng Cơ Đốc nhân mà người Do thái phải chịu phần trách nhiệm. Những kẻ gian ác không thiếu gì chuyện để vu cáo giá hoạ cho Cơ Đốc nhân.

2. Nhưng lý do chính yếu gây nên bách hại là vì chính trị. Đế quốc La Mã thời bấy giờ bao gồm hầu hết thế giới. Làm thế nào mà hỗn hợp các nước, dân gắn liền làm một? Cần đưa mọi người về một sự thờ phượng, thờ nữ thần Rô-ma, thần của thành La Mã. Đó là sự thờ phượng mà dân ở tỉnh rất vui lòng vì La Mã đem đến cho họ hoà bình và một sự cai trị tốt, đem đến trật tự xã hội và công bình. Đường xá không còn bóng trộm cướp, biển cả không còn hải tặc, vô số hôn quân bạo chúa bị khai trừ bởi công lý rất nghiêm minh của La Mã. Người dân địa phương rất sẵn sàng thờ cúng vị thần của đế quốc La Mã vì đã đem cho họ nhiều việc ích quốc lợi dân. Nhưng sự thờ nữ thần Rô-ma còn đi một bước xa hơn, có một người được tôn lên tượng trưng cho đế quốc, một người mà người ta cho là nữ thần nhập vào, ấy là hoàng đế. Vậy chính hoàng đế được coi là thần, những vinh dự thiên thượng được qui tặng cho người và các đền thờ được dựng lên để tôn vinh người. Mỗi năm một người phải đi xông một dúm thuốc thơm cho Sê-sa và nói 'Sê-sa là Chúa'. Đó là điểu Cơ Đốc không làm. Đối với họ, Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa và họ chẳng chịu tôn sùng ai khác hơn là Chúa với danh hiệu đó.

Sự thờ lạy Sê-sa là một trắc nghiệm về lòng trung thành chính trị hơn bất cứ điều gì khác. Thật ra khi đã xông hương, người sẽ được một giấy chứng nhận đã làm việc đó, xong việc này, người có thể đi ra thờ lạy bất cứ vị thần nào, miễn là không xúc phạm thuần phong mỹ tục và không phá rối trật tự công cộng. Cơ Đốc nhân không chịu làm theo, họ đương đầu với sự lựa chọn: 'Sê-sa hay Chúa Cứu Thế', và họ đã lựa chọn Chúa Cứu Thế, không một chút nhượng bộ, họ hoàn toàn không chịu dung hòa. Kết quả là dù họ tốt đến đâu, dù là công dân gương mẫu, nếu là Cơ Đốc nhân tức thì bị để ngoài vòng pháp luật. Tội ác của người Cơ Đốc là đã để Chúa Cứu Thế trên Sê-sa và vì lòng trung thành nên hàng ngàn người đã chết, đã đối diện với khổ hình, vì đã dành quyền tối thượng độc tôn cho Chúa Cứu Thế.

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy chính Ngài, nhìn thấy nước Thiên đàng dành cho con, để con sẵn sàng chịu khổ vì Ngài trong mọi hoàn cảnh.

(c) 2024 svtk.net