Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Luật pháp và Phúc Âm

Ma-thi-ơ 5:17-20

"Người nào vâng giữ điều răn và dạy người khác làm theo là người lớn trong Nước Trời" (c. #20 BDY)

Câu hỏi suy ngẫm: Có sự liên hệ nào giữa luật pháp thời Cựu Ước và Phúc Âm thời Tân Ước? Có phải trong thời Tân Ước mọi đòi hỏi của luật pháp đã chấm dứt và Cơ Đốc giáo trở nên dễ dãi hơn không? Xin giải thích? Động cơ nào khiến người Do thái cố gắng làm trọn luật pháp? Động cơ nào thúc đẩy chúng ta làm theo điều Chúa dạy?

Khi nói về luật pháp và Phúc Âm, Chúa Giê-xu đã thiết định một số nguyên tắc tổng quát:

1. Ngài phán có sự tiếp nối rõ rệt giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta không được phép nhìn cuộc đời là cuộc chiến đấu giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại xuất phát từ quá khứ. Phải có luật pháp trước khi Phúc Âm đến. Loài người phải học phân biệt điều phải và điều quấy, phải học biết khả năng của họ không thể nào đạt nổi những đòi hỏi của luật pháp, đáp ứng được những mệnh lệnh của Đức Chúa Trời , phải học ý nghĩa của tội lỗi, sự bất xứng và thiếu kém của mình. Người đời hay trách cứ quá khứ, nhưng cũng cần thừa nhận ta cũng mắc nợ quá khứ rất nhiều. Chúa Giê-xu thấy rõ bổn phận của con người không phải là quên, hoặc phá hủy quá khứ, nhưng phải xây dựng trên nền móng của quá khứ. Chúng ta đã nhận lấy công lao của những người khác, chúng ta phải lao tác làm sao cho những người khác nũa sẽ thừa hưởng công lao của chúng ta.

2. Chúa Giê-xu cương quyết cảnh cáo những người cho Cơ Đốc giáo là dễ dãi. Có người nói: " Chúa Cứu Thế Giê-xu là sự cảnh cáo chung của luật pháp, bây giờ tôi có thể làm điều tôi thích". Người ta có thể cho rằng mọi nghĩa vụ, mọi trách nhiệm, mọi đòi hỏi đều chấm dứt. Nhưng Chúa Giê-xu cảnh cáo sự công nghĩa của Cơ Đốc nhân phải vượt hẳn sự công nghĩa của thầy thông giáo và đạo sĩ Do thái. Ngài muốn nói gì? Động cơ thôi thúc các thầy thông giáo và đạo sĩ Do thái là luật pháp; mục tiêu, mong ước của họ là thoả mãn đòi hỏi của luật pháp. Về phương diện lý thuyết có thể thoả mãn được những đòi hỏi đó và trong ý nghĩa đó, sẽ có lúc một người có thể nói: "Tôi đã làm mọi điều luật pháp đòi hỏi, phận sự tôi đã xong, luật pháp không còn quyền gì trên tôi nữa". Nhưng động cơ người Cơ Đốc sống là động cơ yêu thương, sự ước ao duy nhất của người Cơ Đốc là chứng tỏ lòng biết ơn về sự yêu thương Đức Chúa Trời đã dành cho mình trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngay cả trên lý thuyết cũng không thể thoả mãn những đòi hỏi của yêu thương. Nếu ta hết lòng yêu thưong ai thì ta sẽ cảm biết rằng dù hiến dâng cả đời mình phục sự và chiêm ngưỡng người, dù dâng hiến cả mặt trời, cả trăng sao cho người, chúng ta vẫn thấy chưa đủ. Đối với tình thương yêu thì dâng hiến cả cõi thiên nhiên cũng vẫn là quá nhỏ.

Người Do thái muốn làm thoả mãn luật pháp của Đức Chúa Trời và sự đòi hỏi của luật pháp luôn giới hạn. Người Cơ Đốc nhắm mục đích bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, đối với đòi hỏi của tình thương thì trong đời này hay cõi đời đời cũng không có giới hạn. Chúa Giê-xu không đặt con người trước luật pháp của Đức Chúa Trời mà là tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Chúa ơi, làm sao con đáp lại trọn vẹn sự yêu thương Ngài dành cho con? Xin giúp con sống hết lòng với sự cảm tạ và lòng biết ơn Ngài.

(c) 2024 svtk.net