Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Chia Xẻ Cùng Người Thiếu Thốn

Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-5:42)

Câu Gốc:

Vả, người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau. Chẳng ai kể của mình là của riêng, nhưng kể mọi vật là của chung cho nhau. (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32)

Đạo Chúa ngày xưa phát triển cách mạnh mẽ phần lớn qua tinh thần chia xẻ của tôi tớ Chúa, con cái Chúa. Họ chia xẻ niềm tin. Họ chia xẻ cả những vật thuộc thể. Khi gia nhập đại gia đình của Chúa tinh thần của họ trở nên phóng khoáng, tấm lòng của họ mở rộng.

1. Nguyên Tắc Chia Xẻ (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-34a)

Hội thánh ngày xưa không giàu có và đầy đủ tiện nghi như một số hội thánh ngày nay. Tuy nhiên các tín hữu ngày xưa có lòng rộng rãi trong việc san xẻ những gì mình có cho nhau. Bác sĩ Lu-ca cho biết số người tin theo Chúa đông lắm, chẳng ai kể của mình là của riêng nhưng cứ xem mọi vật là của chung. Họ sẵn sàng đùm bọc lẫn nhau như vậy cho nên ai nấy đều đầy đủ sự cần dùng.

Trong tác phẩm Giông Tố của Vũ Trọng Phụng có những câu văn thật cảm động sau đây:

Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Khi hãy còn ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác được chiều chuộng, nâng niu, ẵm bế, riêng tôi là đứa bé một mình phải chịu nhiều nỗi gian lao.

Bố mẹ tôi đã qua đời từ trước khi tôi có đủ trí khôn để nhận thấy rằng không có bốù mẹ là điều rất đau khổ. Đến khi tôi đã mười hai tuổi rồi, tôi hãy còn sống sót vì hội Bảo Anh, cái hội từ thiện mà xã hội đã lập ra để nuôi nấng những đứa trẻ không bố mẹ, trong số đó có tôi.

Như thế cả cái tuổi trẻ của tôi đã trôi bên những cái đầu xanh cùng một số phận giống như tôi, dưới sự săn sóc của những bà sơ giầu lòng từ thiện thật đấy, nhưng chỉ biết thương hại chúng tôi theo bổn phận chứ không biết yêu thương chúng tôi theo tự nhiên, một điều rất quí mà một người không thể nào cầu được ở một người không cùng máu mủ với mình.

Không bao giờ tôi quên được những buổi học êm ả một cách đáng chán, những bữa ăn kham khổ, những giờ đi ngủ theo tiếng trống, mà cả trăm đứa chúng tôi lên giường bắt tay ngang trán, không phải để yên nghỉ, không phải để ngủ, không phải để hưởng những giấc mộng của tuổi trẻ, nhưng để tủi thân, để xót phận, thèm thuồng khao khát cuộc đời của những đứa trẻ khác, đầy dẫy hằng hà sa số, những đứa trẻ có bố có mẹ, được hiểu rõ thế nào là hai chữ gia đình.

Không bao giờ tôi quên được cuộc vui làm phúc, những ngày Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, mà một bà nọ bà kia đã đến với chúng tôi với những đồ chơi rẻ tiền, tưởng là làm phúc, mà té ra chỉ bắt chúng tôi hiểu rõ một cách thấm thía hơn những cảnh đau khổ chung.

Cũng không bao giờ tôi quên những buổi đi chơi hàng đàn, hàng lũ, đứa nào cũng ăn bận như đứa nào, môt cái mũ trắng, một cái áo vải thâm, chân dẫm đất, đi hàng hai, đúa bé nhất đi đầu, đứa to đầu nhất đi cuối cùng. Chúng tôi diễu các phố xá để cho xã hội nhìn chúng tôi như những con vật kỳ lạ, hoặc là lấy làm tự hào vì đã vê tròn cái quả phúc cứu sống chúng tôi.

Thôi tôi cũng chẳng nên dài dòng làm chi cho lắm.

Theo nhận xét của học giả Tân Ước William Barclay[3] thì lòng yêu thương do luật pháp bắt buộc chẳng bao giờ thay thế được đức bác ái xuất phát tự đáy lòng. Nguyên tắc chia xẻ Chúa dạy trong hội thánh ban đầu là nguyên tắc yêu thương và tình nguyện. Thiếu sự yêu thương và tình nguyện sự chia xẻ không còn mang ý nghĩa tốt đẹp trọn vẹn nữa. Đành rằng chia xẻ là điều tốt, nhưng không thể vì mục đích tốt ấy mà người ta được phép xử dụng mọi quyền hành hoặc mưu chước để bắt buộc người khác phải chia xẻ. Làm như vậy chẳng khác nào một hình thức tước đoạt mà thôi.

2. Gương Tốt (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:34b-37)

Chúng ta còn nhớ là khi Đức Thánh Linh giáng xuống các môn đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, họ khởi sự rao giảng bằng ngoại ngữ những sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Lòng và trí của con cái Chúa hiện đang đầy dẫy những lẽ đạo mầu nhiệm, những chân lý cao siêu. Nhưng ứng dụng bằng cách nào bây giờ? Trước mắt họ có biết bao nhiêu người đang thiếu thốn. Thế là những ai khá giả, những ai có ruộng vườn nhà cửa đều bán đi để lấy tiền cứu giúp những người nghèo khó. Bấy giờ chẳng có ai thiếu thốn chi cả vì chẳng ai kể của mình là của riêng nhưng kể mọi vật là của chung cho nhau. Họ không thể thán nhiên an hưởng khi Chúa ban phước cho mình nhiều trong khi có những người quanh mình lại có quá ít. Khi Chúa cảm động lòng họ, họ chẳng ngại ngùng gì trong việc chia xẻ.

3. Gương Xấu (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-5)

Trong số những người bán hết gia tài điền sản mình để cứu giúp người nghèo khó, có hai vợ chồng nọ tên là A-na-nia và Xa-phia-ra cũng làm giống như vậy. Có lẽ vì tiếc rẻ sự sản mình đã khổ công gầy dựng nên hai người đó giữ lại một phần tiền mình đã bán ra trước khi mang tiền đến trao cho các môn đồ. Đâu có ai ép họ. Cũng đâu có ai buộc họ phải nói dối! Họ tưởng là họ nói dối với con người thì không ai biết và cũng chẳng sao. Tuy nhiên, khi nghe các môn đồ chất vấn họ mới biết rằng mình đã nói dối cùng Đức Thánh Linh. Bấy giờ thì đã quá muộn màng.

Trong Ma-thi-ơ 12 có thuật lại chuyện Chúa Giê-xu chữa lành cho một người mắc quỉ ám, đui và câm. Những người Pha-ri-si thấy vậy thì nói rằng người này chỉ nhờ Bê-Ên-Xê-Bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi. Bấy giờ Chúa Giê-xu biết ý tưởng của họ nên phán rằng: 25Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được. 26Nếu quỉ Sa-tan trừ quỉ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư? 27Và nếu ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỉ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ ư? Bởi đó, chính chúng nó sẽ xử đoán các ngươi vậy. 28Mà nếu ta cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỉ, thì nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi. 29Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được. 30Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra. 31Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. 32Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.

Phải nói thành trái, trái nói thành phải, có bảo rằng không, không bảo rằng có là phản ứng của những người di đến đường cùng. Những người như vậy chẳng còn biết phân biệt phải quấy gì nữa cả. Những người có lương tâm đã chai lì thì thật khó mà sửa đổi. Họ đã tự hại chính thân mình khi chối bỏ sự thật mà mưu định sự giả dối, nhất là sự giả dối nghịch cùng Đức Thánh Linh.

4. Kết Quả Đầy Quyền Năng (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:11-12a)

Các môn đồ của Chúa mang lại những kết quả đầy quyền năng cho Chúa bởi cớ họ đã tận tâm tận lực trong việc chứng đạo và phục vụ. Họ không nề hà những việc khó khăn. Họ không chùng bước trước những thách thức. Trái lại họ đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng trong khi hầu việc Chúa.

Trong Đặc San World, số ra ngày 12 tháng năm 1994 có chép lời tự thuật của Ông Doug Nichols như sau: Khi sang phục vụ bên xứ Aán Độ vào năm 1967 tôi bị nhiễm bịnh lao phổi. Tôi cũng khổ tâm như bao nhiêu bệnh khác. Tuy nhiên, với niềm tin trong Chúa tôi chấp nhận và cứ tiếp tục làm những điều tốt mà tôi có thể làm được trong khá năng giới hạn của mình. Hằng ngày tôi mang truyền đạo đơn và những sách nhỏ viết về lẽ đạo để tặng cho những người quanh tôi. Điều làm tôi khó hiểu là chẳng ai muốn nhận, chẳng ai muốn đọc. Cứ khoảng 2 giờ khuya là tôi lại lên cơn ho. Có một hôm, sau cơn ho sặc sụa, tôi thấy có ông già kia muốn bước ra khỏi giường nhưng không bước đi được vì ông quá yếu. Sáng ra mới biết là đêm qua ông muốn dùng phòng vệ sinh nhưng không đi được. Tội nghiệp thân già. Ông đi bậy trên giường làm cho cả phòng hôi thúi nồng nặc. Những người quanh đó mắng nhiếc ông. Lao công dọn giường cho ông vả vào mặt ông. Ông co người chịu đựng và chỉ biết khóc sụt sùi. Tối hôm sau nữa ông có vẻ như muốn ra khỏi giường nhưng không có đủ sức để đi. Ông nằm xuống, bất lực. Tôi đến gần bên, đỡ ông đứng dậy, dìu ông vào phòng vệ sinh, đứng phía sau ông nâng hai nách ông lên rồi chờ cho ông đi cầu xong và sau đó dìu ông trở lại giường nằm. Kể từ dạo đó người ta bắt đầu chịu đọc những truyền đạo đơn và những tập sách nhỏ. Cả những bác sĩ và y tá cũng xin sách đạo nữa. Việc tôi làm tầm thường quá mà! Vậy mà Chúa lại có thể dùng để làm ích cho công việc của Ngài.

Qua mẩu chuyện trên đây, hy vọng chúng ta sẽ muốn lưu tâm nhiều hơn nữa đến những cơ hội nho nhỏ trong việc chứng đạo thật hữu hiệu cho Chúa. Không có việc gì quá sức chúng ta khi Chúa Thánh Linh cảm động và thêm sức cho chúng ta. Không có việc gì quá tầm thường hoặc không có kết quả khi chúng ta vì danh Chúa mà làm.