Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Chấp Nhận Tín Hữu Mới

Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-31)

Câu Gốc:

Ba-na-ba bèn đem người đi, đưa đến các sứ đồ và thuật lại cho biết thể nào dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người đã giảng dạy cách bạo dạn về danh Đức Chúa Giê-xu tại thành Đa-mách. (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:27)

Mẹ của Somerset Maughan là một phụ nữ thật đẹp. Chồng bà lại có diện mạo xấu xí vô cùng. Người ta thắc mắc tại sao một người đẹp tuyệt trần như bà lại có thể kết hôn cùng người kỳ khôi như vậy. Bà đáp: Suốt cả cuộc đời, chồng tôi chưa bao giờ làm tôi đau lòng.

Trong đời sống gia đình, hạnh phúc trở nên viên mãn khi khi hai vợ chồng sống cách chân thành, chí thân và chung thủy với nhau trọn đời. Sắc diện bên ngoài là một yếu tố đáng kể. Tuy nhiên, nhân cách tốt lành và sự ân cần niềm nở là điều quan trọng hơn bội phần.

Trong sinh hoạt hội thánh cũng vậy. Hội thánh được phước thật nhiều là hội thánh được gầy dựng bởi những tín hữu biết sống cách thẳng thắn, thành thật, thân thiện với nhau.

1. Nỗi Sợ Hãi Của Tín Hữu Mới (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:19b)

Một tín hữu mới gia nhập hội thánh thường có những nỗi e dè. ái ngại, nhất là trong trường hợp của Sau-lơ, về sau được đổi tên thành Phao-lô. Trước đó chẳng bao lâu chính ông là người đã từng bắt bớ những người cầu khẩn danh Chúa tại thành Giê-ru-sa-lem để giải họ về cho thầy tế lễ cả. Việc ông làm trước đó gây tàn hại cho hội thánh của Chúa không biết bao nhiêu mà nói. Bởi vậy nên khi nghe tin ông qui đạo, nhiều người hoài nghi. Thậm chí có một số người Giu-đa lập mưu để giết ông nữa (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:23). Ông thoát chết nhờ có người báo tin và đang đêm lén đưa ông ra khỏi thành. Trong trường hợp của Phao-lô, sợ hãi là việc tất nhiên.

Hội thánh của Chúa ở thành Đa-mách đã làm gì cho Phao-lô? Hội thánh đã tha thứ cho ông như thể ông chưa từng tàn hại hội thánh bao giờ. Những tín hữu ở thành Đa-mách đã tiếp đãi ông và sau đó đưa ông đến thành Giê-ru-sa-lem cách bình yên. Hội thánh đã bày tỏ sự ân cần, tử tế cùng ông. Hội thánh thánh đã quan tâm cách chân thành đến ý định muốn “đoái công chuộc tội” của ông. Sự thật, chẳng ai có thể dùng việc làm tốt để tẩy xóa những lỗi lầm, những vi phạm, những sự gian ác của mình. Chỉ có Chúa mới có thể tha thứ mà thôi. Tương tự như thế, một người cần phải được chính Chúa đổi mới để có thể làm những việc lành Chúa đã sắm sẳn trước cho mình. Phao-lô được đổi mới cách lạ lùng đến nỗi nhiều người cảm thấy khó tin.

2. Sự Khước Từ Tín Hữu Mới (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:26)

Khi Phao-lô đến thành Giê-ru-sa-lem, ông phải đối diện với một nan đề rất lớn. Đây chính là nơi mà rất nhiều người đã từng phải khiếp sợ ông như khiếp sợ một vị hung thần. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 9:26 không phải chỉ một số người ngờ vực ông, nhưng hết thảy mọi môn đồ đều không muốn cho ông cọng tác. Ông đã từ bắt bớ nhiều người, trong số đó có thể có bà con hoặc bạn hữu của họ. Nỗi sâu thảm của họ chưa nguôi ngoai thì Phao-lô đã quay trở lại.

Làm thể nào để phá đổ bức tường ngăn cách, đánh tan sự nghi ngờ? Chúng ta hẳn còn nhớ Ê-tiên là một trong những nạn nhân của Phao-lô. Thế mà Ê-tiên lại là người cầu nguyện cho Phao-lô. Những người chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ê-tiên có lẽ cũng cầu nguyện cho Phao-lô. Hơn thế nữa, Ba-na-ba, một người đầy dẫy Thánh Linh lại tỏ lòng tin tưởng nơi sự qui đạo chân chánh của Phao-lô. Ba-na-ba không hề giữ trong trí mình thành kiến về Phao-lô. Ba-na-ba chẳng hề khăng khăng hoặc khư khư dựa vào quá khứ để lên án Phao-lô. Trái lại, ông khuyến khích, hổ trợ, nâng đỡ Phao-lô. Chính nhờ Ba-na-ba mà Phao-lô đã được tiến cử vào chức vụ hầu việc Chúa. Trong khi mọi người khước từ Phao-lô thì Ba-na-ba vẫn cứ ở bên cạnh Phao-lô để bảo vệ, che chở và hết lòng ủng hộ. Trong công trường thuộc linh của Chúa cần phải có những người bạn tốt, có lòng độ lượng như Ba-na-ba.

Hồi xưa, Quản Trọng và Thúc Nha là hai người bạn thân thiết. Khi hùn hạp buôn bán, Quản Trọng thường được chia phần nhiều hơn, Thúc Nha không cho là tham. Khi ra trận Quản Trọng chẳng dám xông pha, Thúc Nha không chê là nhát. Khi bàn việc nước Quản Trọng thường bàn sai, Thúc Nha còn nói chẳng qua vì chưa gặp thời. Đến khi Thúc Nha chết, Quản Trọng nói: Sanh ta ra là cha mẹ, biết ta là Thúc Nha.

3. Sự Tiếp Nhận Tín Hữu Mới (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:27)

Có hai điều chánh yếu Ba-na-ba đã chứng nhận cho Phao-lô: (1) Ông đã trực tiếp gặp gỡ Chúa Giê-xu và nghe rõ tiến phán của Ngài, (2) Ông đã giảng dạy cách bạo dạn về danh Đức Chúa Giê-xu Christ tại thành Đa-mách. Ba-na-ba đã có thểõ bao dung, chấp nhận, yêu thương để khóa lấp tội lỗi của Phao-lô. Từ đó trở về sau Phao-lô mới có thể tới lui. Tiếp xúc với các môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem.

Khi có tín hữu mới gia nhập hội thánh, chúng ta có giúp cho người đó cảm thấy mình được hoan nghinh chăng? Chúng ta có cố gắng gầy dựng môi trường sinh hoạt ấm cúng và thân thiện chăng? Có một số cách giúp cho các tân tín hữu dễ hội nhập và cọng tác với các tín hữu khác trong hội thánh:

Ø Nếu được, hãy kể điều quan trọng của người đó như là điều quan trọng của chính mình,

Ø Hãy chú ý đến những việc tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đối với người đó,

Ø Không nề hà chuyện khó, tiếp tục dấn thân và nêu gương tốt,

Ø Cũng hãy cố gắng lắng nghe để có thể hiểu rõ nhu cầu tâm linh của người đó. Chúng ta có thật sự nghe người khác nói sau đó mới mong người khác nghe mình.

Ø Điều cần yếu là phải nhớ ân cần, niềm nở, quan tâm, chăm sóc.

Hãy để cho các tín hữu mới thấy rõ hội thánh là cộng đồng đầy dẫy sự yêu thương, vui mừng, bình an, phước hạnh. Dĩ nhiên hội thánh cần phải tuân hành những luật lệ, đảm đương những công tác, tôn trọng những nguyên tắc, gìn giữ những truyền thống v. v… Tuy nhiên, mục đích của những điều trên đây là để làm sáng danh Chúa và mang lại sự gầy dựng đời sống tin kính của con cái Chúa. Khi ý thức rõ ràng mục đích đó, hội thánh sẽ biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và có thể giúp mỗi tín hữu, nhất là các tân tín hữu, có được sự thỏa lòng trong sự hầu việc Đức Chúa Trời.

4. Sự Nâng Đỡ Tín Hữu Mới (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:26-31)

Không ai ngờ rằng người đã được hội thánh mở rộng vòng tay tiếp đón và nâng đỡ ngày hôm đó về sau lại trở thành người hầu việc Chúa tận tâm tận lực hơn cả mọi người. Phao-lô khởi đầu chức vụ hầu việc Chúa cách gian nan, nhưng sau khi ông được hội thánh quyết định ủng hộ, ông trở nên tấm gương sáng ít có ai bì. Ông xem đời mình như cái bình bằng đất chứa đựng quyền phép của Đức Chúa Trời. Ông bị ép đủ cách nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ nhưng không đến bỏ; bị đánh đập nhưng không đến chết mất và thường mang sự chết của Đức Chúa Giê-xu Christ trên thân thể mình (4:7:11). Biết bao lần ông đã phải chịu khó nhọc, tù đày, đòn vọt; đôi phen gần chết, năm lần bị đánh ba mươi chín roi, ba lần bị đòn nặng, một lần bị ném đá, ba lần bị chìm tàu, lại có lần cả ngày đêm trong biển sâu. Nhiều lần ông đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc; lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, lạnh lẽo, rách rưới. Thế nhưng lòng ông lúc nào cũng lo lắng về các hội thánh và nếu có ai yếu đuối thì lòng ông như nung như đốt (11:23-29).

Trong một số hội thánh ngày nay, số người gia nhập hội thánh cũng nhiều, nhưng số người rời hội thánh cũng chẳng ít. Tôi tớ Chúa, con cái Chúa cần áp dụng những phương thức hữu hiệu trong việc tiếp đón tín hữu mới cách niềm nở và nâng đỡ họ trong nếp sống tin kính.