Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Vâng Phục Đức Thánh Linh

Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-52)

Câu Gốc:

Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2-3).

Tin cậy cần phải kèm theo sự vâng phục. Người tin cậy Chúa là người nghe theo tiếng phán của Chúa và tuân hành, không phải chỉ lấy nghe làm đủ. Trước khi Đức Chúa Giê-xu Christ về trời, Ngài có hứa ban Đức Thánh Linh để an ủi, dạy dỗ, dẫn dắt con cái Chúa trong đòi sống tin kính, nhất là trong nhiệm vụ truyền giáo. Của lễ tốt nhất mà chúng ta có thể dâng cho Chúa là sự vâng lời.

Đấng Christ khi vào thế gian có phán rằng: Ta đến để làm theo ý muốn của Cha Ta trên trời (Hê-bơ-rơ 10:7). Khi bị ma quỉ cám dỗ, thử thách, Chúa Giê-xu đáp: Người ta sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nêu gương vâng phục khi Ngài đến cùng Giăng để được Giăng làm phép báp têm. Cho đến giây phút trọng đại trong sứ mạng cứu chuộc, ngay trong vuờn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu nói lên lời thống thiết: . . . Dầu vậy, xin ý Cha được nên chớ không theo ý con (Lu-ca 22:42). Chính Đấng Christ còn phải vâng phục Đức Chúa Trời thể ấy. Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta càng cần phải vâng phục Chúa biết là dường bao.

1. Lắng Nghe Tiếng Gọi Của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-2)

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 13 là đoạn kinh văn đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử truyền giáo của hội thánh Chúa. Lúc này là lúc hội thánh đã sẵn sàng mang Tin Lành đến toàn cả thế gian. Quyết định của hội thánh được đặt dưới sự chỉ đạo của Đức Thánh Linh. Hội thánh ban đầu không dám làm những gì mình muốn làm nhưng luôn luôn dám làm những gì Đức Thánh Linh phán truyền.

Hai câu đầu tiên trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 13 có nói đến các tiên tri và giáo sư. Tiên tri là những người lưu hành nơi này nơi nọ để phán truyền lời Chúa cho người đồng hương. Có khi các tiên tri nói trước những việc sẽ xảy đến theo cách Chúa cảm động mình và cho phép mình nói. Có khi các tiên tri nói thẳng về những những điều cần phải chỉnh đốn trong nếp sống tin kính. Trong khi đó các giáo sư thường là những lãnh đạo trong các hội thánh địa phương, có nhiệm vụ hướng dẫn, dạy dỗ các tín hữu trong việc học hỏi lời Đức Chúa Trời.

Các tiên tri và các giáo sư được nói đến gồm có những ai? Ba-na-ba là một người Do Thái quê ở Chíp-rơ. Lu-si-út quê ở Si-ren, thuộc miền bắc Phi Châu. Si-mê-ôn cũng là một người Do Thái. Ông con có tên là Ni-giê, tên của một người La Mã. Ma-na-hem là một người có quan hệ với dòng dõi quí tộc. Riêng Sau-lơ là một đạo sĩ (ra-bi) Do Thái quê ở Tạt-sơ trong vùng Sê-lơ-si. Như vậy, những người lãnh đạo tại hội thánh Ăn-ti-ốt là những người đến từ nhiều quốc gia, với sở học và kinh nghiệm khác nhau, được Chúa kết hiệp lại trong một thân thể để thi hành công tác chung.

Học giả Tân Ước William Barclay có nêu lên một suy luận khá lý thú về Si-mê-ôn:[5]

Si-mê-ôn chắc đến từ Phi Châu vì Ni-giê là một tên người Phi Châu. Họ gợi ý rằng Si-mê-ôn này chính là người Sy-ren đã vác thập tự giá cho Chúa Giê-xu (Lu-ca 23:26). Aáy là một điều vô cùng kỳ diệu nếu người lần đầu tiên tiếp xúc với Chúa Giê-xu là vác thập tự giá cho Ngài – một công việc uất hận cay đắng cho ông – lại là một trong những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc truyền rao sự tích về thập tự giá cho cả thế giới.

2. Vâng Theo Sự Lãnh Đạo Của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:3-4)

Vâng phục không phải lúc nào cũng dễ, nhất là khi vâng phục đòi hỏi sự hy sinh. Vâng phục không phải lúc nào cũng dễ, nhất là khi vâng phục đòi hỏi sự quên mình. Đã có mấy ai trong vòng chúng ta không hề chống cự kẻ dữ, sẵn sàng cho hơn hẳn cái gười ta muốn kiện mình, giúp đỡ gấp hai lần bổn phận đòi hỏi, có ai xin thì cũng cho, có ai mượn thì cũng được? Đã có mấy ai trong vòng chúng ta yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình theo cách tự nhiên? Đã có mấy ai trong vòng chúng ta không hề lo lắng, chưa từng sợ hãi? Còn sống giữa những giới hạn của con người chúng ta còn phải đối diện với những sự bất toàn trong sự vâng phục Chúa. Dầu vậy, chúng ta vẫn có thể được Chúa chấp nhận như những người trung tín và vâng phục khi chúng ta biết tuân hành những trách nhiệm trọng yếu mà Ngài trao phó, trong đó có trách nhiệm truyền giáo.

Vâng theo mạnh lĩnh của Đức Thánh Linh, Sau-lơ (Phao-lô) và Ba-na-ba xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ. Phao-lô đã phục vụ Chúa thế nào? Trước hết ông minh định rằng ông phục vụ trong tư cách sứ đồ không phải bởi loài người hoặc nhờ một ai nhưng bởi Đức Chúa Giê-xu Christ và Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 1:1). Lương tâm ông làm chứng rằng ông lấy sự thánh sạch và thật thà đến bởi Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian này. Ông không cậy vào sự khôn ngoan đời này nhưng cậy vào ơn của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 1:12). Ông có lời khuyên và chúng ta có thể hiểu chính ông đã trở nên hương thơm (2:14), bức thơ (3:3), và hình ảnh của Chúa (3:18).

3. Làm Việc Nơi Đức Thánh Linh Sai Đi (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:44-51)

Phao-lô thường xem đời mình như cái bình bằng đất chứa đựng quyền phép của Đức Chúa Trời. Chúa đặt để ông nơi nào, ông vui lòng ở nơi đó. Chúa bảo ông đi đâu, ông sẵn sàng ra đi. Ông bị ép đủ cách nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ nhưng không đến bỏ; bị đánh đập nhưng không đến chết mất và thường mang sự chết của Đức Chúa Giê-xu Christ trên thân thể mình (4:7:11). Biết bao lần ông đã phải chịu khó nhọc, tù đày, đòn vọt; đôi phen gần chết, năm lần bị đánh ba mươi chín roi, ba lần bị đòn nặng, một lần bị ném đá, ba lần bị chìm tàu, lại có lần cả ngày đêm trong biển sâu. Nhiều lần ông đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc; lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, lạnh lẽo, rách rưới. Thế nhưng lòng ông lúc nào cũng lo lắng về các hội thánh và nếu có ai yếu đuối thì lòng ông như nung như đốt (11:23-29).

Ăn-ti-ốt xứ Bi-si-đi là nơi sôi động. Thành phố này được một trong những người kế vị A-lịch-sơn đại đế thành lập khoảng năm 300 T. C. Đây là cửa ngõ giao thương và là nơi hội tụ những người có tánh hiếu động, không kiên định, nơi mà người ta nói rằng một đóm lửa nhỏ cũng có thể trở thành đám cháy lớn. Điều làm người ta khó chịu là theo lời dạy của các sứ đồ Đức Chúa Trời sẵn sàng ban những điều tốt lành nhất cho cả những người không thuộc dòng tộc Do Thái. Với quan niệm bảo thủ, hẹp hòi, kỳ thị đó họ quấy phá công việc truyền đạo đến nỗi Phao-lô và Ba-na-ba không thể ở đó lâu hơn được nữa.

4. Được Đầy Dẫy Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:52)

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:52 là mộ câu Kinh Thánh đầy lý thú: Còn các môn đồ thì được đầy dẫy sự vui vẻ và Đức Thánh Linh vậy. Hầu việc Chúa mà thiếu sự vui vẻ tự nhiên thì thât là uống. Bức thư Phao-lô gởi cho anh chị em trong Chúa tại thành Phi-líp là bức thư tràn ngập sự vui mừng. Dù trong cảnh lao tù Phao-lô vẫn một lóng trung kiên, một dạ sắt son với Chúa. Không những vậy, ông còn khuyên những người được thư thái tự do nên vui mừng, thỏa lòng trong mọi sự. Niềm vui lớn nhất trong Chúa không phải là niềm vui nhận được sự ban cho rời rộng những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe, miệng có thể trầm trồ khen ngợi. Nhưng niềm vui lớn nhất trong Chúa là niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa thật cho cuộc đời, mộ cuộc đời biết đón nhận sự yêu thương của Chúa để thiết lập và gầy dựng mối tương quan tốt lành hơn, xứng đáng hơn với Chúa, với người, và với sự vật.

Trong Hy Văn, lupe có nghĩa là buồn thảm và chara có nghĩa là vui mừng.

1. Đó là sự vui mừng của những người có đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng (Phi-líp 2:2).

2. Đó là sự vui mừng khi nhận được tin vui của người thân yêu (Phi-líp 2:28).

3. Đó cũng là sự vui mừng của người ân cần niềm nở tiếp rước và tôn trọng bằng hữu (Phi-líp 2:29).

4. Đó còn là niềm vui sâu đậm của người đưa dần người khác đến cùng Chúa và đứng vững trong Ngài (Phi-líp 4:1).

5. Sau cùng, đó cũng là niềm vui và sự cảm tạ của người được các anh chị em trong Chúa chăm sóc, lo tưởng (Phi-líp 4:10).

Đấng Christ là đấng đã từng vui mừng nhận lấy thập tự giá (Hê-bơ-rơ 12:2). Phao-lô ngày xưa đã từng vui mừng vì nhiều cơ hội để phục vụ Chúa. Hội thánh Chúa ngày cảm thấy vui mừng vì được kể là xứng đáng để chịu khổ vì danh Chúa (Công Vụ 5:41). Chúng ta đang vui niềm vui nào? Có phải đó là niềm vui của người đắc thắng chăng, hay đó là niềm vui của người đầu phục? Đó là niềm vui theo cách của người cách xa Chúa hay là niềm vui trong Chúa? Hãy nhớ Chúa là niềm vui cho mỗi chúng ta (Phi-líp 3:1, 4:4). Hãy sống thể nào để sau cùng mỗi chúng ta đều được phép nhận lấy niềm vui đời đời do chính Chúa ban cho trong ngày sau cùng.