Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

Tín Nhân Gương Mẫu

(2 tháng 9, 2001)


Chủ Đề Phần I: Bày Tỏ Niềm Tin

(1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1 – 3:13)

Mô Tả Phần I: Năm bài học trong Phần này nhấn mạnh phẩm cách của Phao-lô, của những người đồng lao và của những tín hữu trong việc bày tỏ niềm tin chân thành của họ trong Chúa.

Tác Động Trong Đời Sống: Để hướng dẫn học viên bày tỏ niềm tin bằng cách:

* Trở nên tín nhân gương mẫu (2 tháng 9)

* Phát triển tương quan cởi mở và yêu thương với các tín hữu khác để có thể làm chứng hữu hiệu cho Chúa (9 tháng 9)

* Trung tín với Chúa dù phải đối diện với sự chống đối hoặc nghịch cảnh (16 tháng 9)

* Quan tâm đến các tín hữu khác (23 tháng 9)

* Khuyến khích các tín hữu minh chứng niềm tin qua nghĩa cử yêu thương (30 tháng 9)

Tuần Lễ Tựa Đề Và Kinh Văn

2 tháng 9 Tín Nhân Gương Mẫu (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-10)

9 tháng 9 Chứng Nhân Hữu Hiệu (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12)

16 tháng 9 Gia Nhân Trung Tín (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-16)

23 tháng 9 Bạn Hữu Chân Thành (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17 – 3:5)

30 tháng 9 Nâng Đỡ Tinh Thân (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-13)


Kinh Văn: Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-10

Câu Gốc: 6Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó, 7đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai.

(1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-7)

Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào huyệt, chôn thây, lăn ra đất khóc lóc thảm thương, về nhà cũng đào đất, chôn cất, khóc lóc, kêu la. Thấy thế, mẹ Mạnh Tử dời nhà đến gần chợ. Mạnh Tử thấy người mua kẻ bán mặc cả, đôi co,về nhà cũng lớn tiếng cãi cọ. Một lần nữa mẹ Mạnh Tử quyết định dời nhà. Lần này bà đưa con đến gần trường học. Mạnh Tử thấy trẻ đồng trang lứa chăm chỉ nghe theo lời thầy, khi thì học lễ, lúc lại học văn, về nhà cũng học theo như thế. Mẹ Mạnh Tử vui mừng nói rằng: Đây quả là chỗ cho con ta ở được.

Có lần lỡ miệng nói cùng con rằng con sẽ được ăn thịt, thế là dù nghèo, mẹ Mạnh Tử ngày hôm ấy cũng ráng mua thịt về cho con ăn. Hôm khác, thấy con đang học bỏ đi rong chơi, mẹ Mạnh Tử cắt ngang khung vải mình đang dệt. Khi Mạnh Tử ngạc nhiên hỏi, mẹ nói: Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi như vậy. Từ đó về sau, Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, trở nên người rất tốt, lưu danh hậu thế.[1]

Nhìn thấy gương tốt, noi theo gương tốt và trở nên gương tốt là điều hết sức hệ trọng và cần thiết, nhất là trong hội thánh, hội của những người được Chúa cứu chuộc và biệt riêng để rao giảng, dạy dỗ, chứng đạo và phục vụ Ngài trong trần thế. Trong khi trông đợi Chúa trở lại, các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca ngày xưa đã được Phao-lô khen là những người sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Họ là những người đã nhìn thấy gương tốt nơi những người đã gieo hạt giống đạo tốt. Họ được phấn khởi nên muốn noi theo gương tốt ấy. Cuối cùng chính họ cũng trở nên gương tốt cho những tín hữu khác ở khắp mọi nơi.

I. Nhìn Thấy Gương Tốt (1 Tê-sa-lô-ni-a 1:1-3)

Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố chính yếu và là hải cảng quan trọng trong xứ Ma-xê-đoan. Thành phố này nằm sát eo biển đông bắc của xứ Hy-lạp. Nơi này được thành lập vào năm 316 trước khi Chúa giáng sinh, trong thời Đại Đế A-lịch-sơn. Đây là trục lộ giao thông nối liền Âu Châu và Á Châu và là cửa ngõ giao thương tấp nập của các xứ lân bang.

Tại Lít-trơ, nơi cách Tê-sa-lô-ni-ca không xa, Ba-na-ba và Phao-lô đã hầu việc Chúa cách đầy ơn đến nỗi hai ông được nhiều người tôn trọng như thần:

8Nơi thành Lít-trơ có một người liệt chơn, què từ lúc mời sanh ra, chẳng hề đi được. 9Người ngồi và nghe Phao-lô giảng. Phao-lô chăm mắt trên người, thấy có đức tin để chữa lành được, 10bèn nói lớn tiếng rằng: Ngươi hãy chờ dậy, đứng thẳng chơn lên. Người nhảy một cái, rồi đi. 11Dân chúng thấy sự Phao-lô đã làm, thì kêu lên bằng tiếng Li-cao-ni rằng: Các thần đã lấy hình loài người mà xuống cùng chúng ta. 12Chúng bèn xưng Ba-na-ba là thần Giu-bi-tê, còn Phao-lô là thần Mẹt-cu-rơ, vì là người đứng đầu giảng đạo. 13Thầy cả của thần Giu-bi-tê có miếu nơi cửa thành, đem bò đực và tràng hoa đến trước cửa, muốn đồng lòng với đoàn dân dâng một tế lễ. 14Nhưng hai sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô hay điều đó, bèn xé áo mình, sấn vào giữa đám đông, mà kêu lên rằng: 15Hỡi các bạn, sao làm điều đó? Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi; chúng ta giảng Tin Lành cho các ngươi, hầu cho xây bỏ các thần hư không kia, mà trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó.

(Công Vụ Các Sứ Đồ 14:8-15).

Khi Phao-lô cùng Si-la và Ti-mô-thê đến Tê-sa-lô-ni-ca hầu việc Chúa, một số người tại đây sợ ảnh hưởng mạnh mẽ của đoàn truyền giáo nên đã gây khó khăn ngăn trở

1Phao-lô và Si-la đi ngang qua thành Am-phi-bô-li và thành A-bô-lô-ni, rồi tới thành Tê-sa-lô-ni-ca; ở đó người Giu-đa có một nhà hội. 2Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát bàn luận với họ, 3lấy Kinh Thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại. Người nói rằng Đấng Christ nầy, tức là Đức Chúa Jêsus mà ta rao truyền cho các ngươi. 4Trong bọn họ có một vài người được khuyên dỗ nối theo Phao-lô và Si-la, lại cũng có rất nhiều người Gờ-réc vẫn kính sợ Đức Chúa Trời, và mấy người đờn bà sang trọng trong thành nữa. 5Nhưng người Giu-đa đầy lòng ghen ghét, rủ mấy đứa hoang đàng nơi đường phố, xui giục đoàn dân gây loạn trong thành. Chúng nó xông vào nhà của Gia-sôn, tìm bắt Phao-lô và Si-la đặng điệu đến cho dân chúng.

(Công Vụ Các Sứ Đồ 17:1-5)

Phao-lô mở đầu lời chào chăm các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca với lời tạ ơn Chúa. Ông tạ ơn Chúa về công lao, về sự phục vụ và về sự kiên nhẫn của họ. Công lao đó là công lao phát xuất từ tấm lòng niềm tin vững vàng. Sự phục vụ đó là sự phục vụ bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương chân thành. Và sự kiên nhẫn của họ là sự kiên nhẫn đặt trên hy vọng chẳng hề chuyển lay.

Khi viết thơ cho các tín hữu, Phao-lô lúc nào cũng viết với giọng tha thiết, với lời ân cần, và với dụng ý tốt lành. Ông quí mến họ và dùng lời khen tặng để gầy dựng. Ông kính trọng họ và ghi nhận thành quả họ đã đạt được. Đồng thời ông khuyến khích họ cứ theo đường hướng tốt lành, xứng đáng mà tiến tới. Chúa là Đấng đã khởi làm việc lành trong đời sống họ. Phao-lô hy vọng Đấng ấy cứ làm trọn việc tốt lành đó cho tới ngày Ngài đến.

II. Noi Theo Gương Tốt (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4-6)

Phao-lô quả quyết rằng các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là những người được Chúa yêu thương và lựa chọn. Họ thuộc về Chúa. Họ ở trong chương trình của Đức Chúa Trời, Đấng đầy uy qưyền trên những người tin nhận Ngài và những người hầu việc Ngài. Lời Phao-lô rao giảng là lời đến từ Đức Chúa Trời. Niềm tin của ông là niềm tin đặt trong Chúa. Quyền năng ông bày tỏ là quyền năng đến từ Chúa và tình thương ông dành cho họ cũng là tình thương đên từ Chúa.

Điều khéo léo Phao-lô làm được trong khi ông tâm sự cùng các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca là gì? Đó là ông đã đặt họ và chính mình ông trong cùng một cảnh ngộ hầu cho họ dễõ chấp nhận những điểm tương đồng mà ông sắp sửa trình bày cùng họ. Kinh nghiệm theo Chúa của Phao-lô là kinh nghiệm đầy dẫy những gian nan, nguy khó. Ông có thể thông cảm các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca cách trọn vẹn khi ông thấy họ tiếp nhận đạo giữa lúc có nhiều sự khốn khó. Khi làm như vậy họ đã noi theo gương tốt của tôi tớ Chúa, nhất là noi theo gương tốt của Chúa.

III. Trở Nên Gương Tốt (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10)

Có đứa nhỏ kia trong đêm tối nguyện cầu: Lạy Chúa, mai này khi con lớn lên, xin cho con được giống như cha con. Người cha thoáng nghe lời ấy, vừa mừng, vừa sợ. Mừng vì được Chúa ban cho con như là châu ngọc trong cuộc đời. Sợ vì e ngại không làm tròn bổn phận nêu gương tốt cho con mình.

Các tín hữu tại thành Tê-sa-lô-ni-ca được may mắn nhìn thấy gương tốt của Phao-lô và các bạn đồng lao. Họ quyết định noi theo gương tốt và cuối cùng chính họ cũng trở nên gương tốt. Xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai ngày xưa là hai vùng đất rộng lớn mà hiện giờ thuộc địa phận Hy-lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn những nơi Phao-lô đi truyền giáo ngày xưa đều ở trong hai vùng này. Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca trưởng thành cách tốt lành đến nỗi đức tin của họ, nếp sống đạo của họ đều được rất nhiều người biết đến. Phao-lô khng cần phải nói gì thêm về điều đó nữa. Họ đã nhìn thấy Lời Chúa như là ngọn đèn cho chân họ, ánh sáng cho đường lối của họ. Khi lớn lên trong Lời Chúa, họ trở nên như ánh sáng cho thế gian, như muối của đất. Khi sự sáng đó chiếu lòa như những đèn để trên thùng thì ai nấy chung quanh đều được sáng. Khi ánh sáng thiên thượng chan hòa, bóng tối phải lánh xa. Nhất là khi các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật và chỉ mình Ngài mà thôi thì thần tượng không làm sao có chỗ trong đời sống của họ được. Trong khi họ ngóng trông Đấng Christ trở lại và lòng họ chỉ khao khát một mình Ngài mà thôi thì cho dù ma quỉ có hung hăng đến mấy chúng cũng phải sợ hãi.

Áp Dụng:

Không ai sinh ra trong vòng nhân thế lại dám tự xưng mình là người trọn vẹn. Chính vì nhận biết sự bất toàn của mình mà chúng ta lại càng phải luôn chăm chỉ trong sự tìm cầu sự công bình và sự nên thánh. Chúng ta cần noi theo gương mẫu của Chúa và các thánh nhân hầu cho chính chúng ta cũng trở nên gương tốt.

Là cha mẹ, chúng ta cần nêu gương tốt cho con mình trong việc nuôi dưỡng chúng nó, uốn nắn nhân cách chúng nó cách tốt lành theo thánh ý của Chúa. Chúng ta trung tín trong việc học Kinh Thánh, nhóm thờ phượng, dâng hiến và chứng đạo thì con cái chúng ta sẽ dễ trở nên trung tín với Chúa khi chúng trưởng thành. Từ khi con chúng ta còn thơ ấu, hãy giúp chúng nó ưa chuộng giá trị tinh thần thay vì đua đòi theo của cải vật chất, hãy tạo điều kiện cho chúng nó gần gũi với thiên nhiên và thương cảm những người kém may mắn hơn mình, hãy giúp chúng nó có tinh thần trách nhiệm.

Là thấy giáo cô giáo, chúng ta cần nêu gương tốt hầu cho học trò của chúng ta có thể nhìn thấy nơi chúng ta đời sống đáng theo và đức tánh đáng khâm phục. Trong những ngày đầu của niên học mới, hãy giúp cho học sinh sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc học hành cách chăm chỉ và vâng giữ kỷ luật.

Là người có trách nhiệm chứng đạo cho Chúa, chúng ta hãy sống đạo thể nào để cho người chưa tin Chúa có thể nhận biết cuộc đời theo Chúa thật đẩy vui mừng, phước hạnh và hết sức lý thú, hấp dẫn. Là người tin Chúa trước, chúng ta hãy nêu gương tốt cho những người đi sau mình. Là người lãnh đạo trong hội thánh của Chúa, chúng ta lại càng phải cẩn trọng hơn nữa trong nếp sống đạo hầu cho anh em mình và nhất là những người chưa tin Chúa co thể thấy được quyền năng của Chúa trong đòi sống của mình.

Là người nhận lãnh thù lao do người khác cung cấp, chúng ta hãy lo chu toàn bổn phận của mình và hết sức phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao độ hầu cho chúng ta có thể làm chứng tốt cho bạn hữ và đồng nghiệp của mình.

Nhiều tín hữu chịu ảnh hưởng bởi phẩm cách của các Cơ Đốc Nhân khác nhiều hơn cả việc học Kinh Thánh hoặc nghe giảng. Họ bào chữa cho sự thiếu sót trong việc sống gần với tiêu chuẩn Kinh Thánh bằng cách lập luận rằng họ cũng giống như phần lớn các tín hữu. Họ cần nhìn thấy những đời sống gương mẫu để noi theo. Chúng ta có bổn phận nêu gương tốt trong việc sống đạo, trong niềm tin ính, trong tình yêu thương để có thề khuyến khích người khác trở nên tín nhân gương mẫu. Chúng ta hạy sống thể nào để có thể nói như Phao-lô ngày xưa đã từng nói trong 1 Cô-rinh-tô 11:1 Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.