Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Mục Đích Của Đời Sống

(7 tháng 10)


Chủ Đề: Niềm Tin Sống Động

Chủ Đề Phần II: Ứng Dụng Niềm Tin

(1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:1 – 5:28)

Mô Tả Phần II: Bốn bài học trong Phần này nhấn mạnh vào sự dạy dỗ của Phao-lô dành cho các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca trong đời sống thực tế hằng ngày và giúp ích cho nếp sống đạo.

Tác Động Trong Đời Sống: Để hướng dẫn học viên ứng dụng niềm tin bằng cách:

v Sống để đẹp lòng Đức Chúa Trời thay vì để vui lòng người khác hoặc chính mình.

v Sống trong hy vọng khi người thân yêu qua đời.

v Sống cách tỉnh thức, tiết độ và ân cần.

v Sống cuộc đời tin kính làm sáng danh Chúa và mang lại phước hạnh cho người khác.

Tuần Lễ Tựa Đề Và Kinh Văn

7 tháng 10 Mục Đích Của Đời Sống (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-12)

14 tháng 10 Hy Vọng Giữa Khổ Đau (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18)

21 tháng 10 Tỉnh Thức Trong Thánh Linh (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-11)

28 tháng 10 Sống Cuộc Đời Tin Kính (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-28)


Kinh Văn: 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-12

Câu Gốc: Vả lại, hỡi anh em, anh em đã học nơi chúng tôi phải ăn ở cách nào cho đẹp ý Đức Chúa Trời, và điều đó anh em đã làm rồi, thì chúng tôi nhơn Đức Chúa Jêsus xin và cầu anh em phải đi luôn theo đường ấy càng ngày càng tới.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:1

Đoạn kinh văn chúng ta học trong tuần này trình bày lời Phao-lô răn dạy các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca sống đẹp lòng Chúa bằng cách gìn giữ sự thanh sạch, lòng yêu thương và tiếng tốt. Qua bài học này mong sao chúng ta biết thêm cách sống đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời như lời Phao-lô đã khuyên dạy các tín hữu ngày xưa.

Nhiều người ngày nay tự xác định cho mình lối sống riêng và không cần đến sự hướng dẫn của Chúa. Họ làm vui lòng người khác hoặc chính mình thay vì làm vui lòng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài sáng suốt trong việc sống đạo hầu có thể ăn ở, cư xử cách đẹp lòng Đức Chúa Trời và được sự kính trọng, cảm mến của người khác.

I. Sống Đẹp Lòng Chúa (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-2)

Trong Ga-la-ti 2:20 Phao-lô viết: Tôi đã bị đóng đinh vàp truyền giảng với Đấng Christ, mà tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và đã phó chính mình Ngài vì tôi. Sống sao cho phù hợp với sự dạy dỗ của Chúa, sống để thể hiện thánh ý của Chúa phải là mục tiêu cao cả của con cái Đức Chúa Trời.

Ngày xưa Sa-mu-ên đã từng nói: Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực (1 Sa-mu-ên 15:22).

Ngày xưa Đa-vít thất bại vì đã làm điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời: Khi đã mãn tang, Đa-vít sai vời nàng vào cung; nàng trở nên vợ người, sanh cho người một con trai. Nhưng điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va (2 Sa-mu-ên 11:27). Ông bị tôi tớ của Chúa khiển trách cách nặng nề: Cớ sao ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm của dân Am-môn (2 Sa-mu-ên 12:9). Về sau Đa-vít nhận biết rõ ràng tội lỗi của mình và ông đã ăn năn thống hối với những lời phát xuất tận đáy lòng: Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu (Thi Thiên 51:16-17).

Có người nói tư tưởng sinh ra hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen hợp lại tạo nên nhân cách, và chính nhân cách quyết định cho vận mạng của đời người. Khởi đầu là do ý định hoặc tư tưởng. Bởi vệy nên tác giả Thi Thiên 104 đã cầu nguyện: Nguyện sự suy gẫm tôi đẹp lòng Ngài; tôi sẽ vui vẻ nơi Đức Giê-hô-va (câu 34).

Theo Ê-sai thì muốn sống đẹp lòng Chúa, con cái Chúa cần phải (1) chất phác, (2) chân thật, (3) có lòng thương xót và (4) có đời sống công bình: Đức Giê-hô-va phán: Muôn vàn của lễ các ngươi nào có can hệ gì đến ta? Ta đã chán chê của lễ thiêu bằng chiên đực và mỡ của bò con mập. Ta chẳng đẹp lòng về huyết của bò đực, chiên con và dê đực đâu. (Ê-sai 1:11). Vậy nên, Chúa chẳng đẹp lòng về bọn trai trẻ của họ, và chẳng thương xót đến kẻ mồ côi góa bụa chút nào; vì họ đều là khinh lờn, gian ác, miệng nào cũng nói điều càn dỡ. Dầu vậy, cơn giận Ngài chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra! (Ê-sai 9:16). Lẽ thật đã không còn, ai lánh điều dữ thì phải cướp bắt. Đức Giê-hô-va thấy không có sự công bình thì chẳng đẹp lòng (Ê-sai 59:15).

Sống đẹp lòng Đức Chúa Trời là điều hết sức quan trọng, quan trọng đến nỗi trong khi Đức Chúa Giê-xu Christ thi hành chức vụ của Ngài trên đất, có ít nhất ba lần Đức Chúa Trời đã phán rằng Ngài được đẹp lòng: (1) Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng. (Ma-thi-ơ 3:17). (2) Nầy, tôi tớ ta đã chọn, là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người, Người sẽ rao giảng sự công bình cho dân ngoại. (Ma-thi-ơ 12:18). (3) Đang khi người còn nói, bỗng chúc có một đám mây sáng rực che phủ những người ở đó; và có tiếng từ trong mây phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó! (Ma-thi-ơ 17:5).

Ngày nay, theo tác giả sách Công Vụ Các Sứ Đồ, để có thể sống đẹp lòng Chúa, chúng ta cần kính sợ Chúa và làm sự công bình: nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa. (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:35).

Bàn đến việc sống cách đẹp lòng Đức Chúa Trời, Phao-lô nói cách vô cùng quả quyết: Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa. (2 Cô-rinh-tô 5:9).

II. Sống Cách Thanh Sạch (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8)

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-xu phán: Phước cho những kẻ có lòng trong sạch vì sẽ thấy Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:8).

Theo lời khuyên nhủ của Phao-lô, ngoài việc kính sợ Chúa và làm sự công bình con cái Chúa còn phải sống cách thanh sạch: Vả, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời. (Rô-ma 8:8). Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bước sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào. (Rô-ma 12:12).

III. Sống Trong Yêu Thương (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 5-10)

Phao-lô rất khéo léo trong việc khen ngợi các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông nói rằng họ đã từng tỏ lòng yêu mến lẫn nhau vì họ biết điều đó là điều tốt lành, cần thiết. Không cần phải nói ra, ai cũng đều biết họ đã từng vâng giữ sự dạy dỗ của Chúa về sự yêu thương mọi người, dù đã tin Chúa hay chưa tin Chúa. Ông mong họ cứ tiếp tục làm điều đó càng thêm mãi. Vì đã được đầy ơn Chúa, họ nên chia xẻ. Khi họ sẵn lòng chia xẻ, Chúa lại ban cho thêm.

Khi Chúa bày tỏ sự yêu thương nhân từ thì phước hạnh luôn tuôn tràn. Là con cái Chúa chúng ta có sẵn sàng biểu lộ lòng yêu thương nhân từ chăng? Chúng ta có vui lòng san sẻ ơn phước lớn lao Chúa đã ban cho mình chăng? Chúng ta có nhớ đến tha nhân trong cảnh ngộ khó khăn, ngặt nghèo của họ chăng? Chúng ta có nâng đỡ anh em mình khi tinh thần họ sa sút, sức lực họ kiệt quệ chăng? Có biết bao nhiêu người đang cần đến sự yêu thương nhân từ của Chúa qua đời sống của chúng ta. Vậy nên, theo lời Chúa chúng ta nên thương tưởng, lo nghĩ đến người khác. Gia đình nào có những người tràn ngập lòng yêu thương nhân từ là gia đình hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Hội thánh nào có những người tràn ngập lòng yêu thương nhân từ là hội thánh đầy dẫy phước hạnh, ai cũng muốn gia nhập.

Một ngày nọ văn hào Tolstoy đi trên đường phố gặp một người ngửa tay ra xin tiền. Ông lục lọi trong túi mà chẳng có đồng nào. Ông dừng lại nói với người kia: Xin anh đừng buồn tôi, đừng giận tôi. Tôi không có tiền. Nếu tôi có tôi đã cho anh rồi. Người kia nói: Ông đã cho tôi nhiều hơn điều tôi xin rồi vì ông đã gọi tôi là anh, coi tôi như người trong gia đình. Điều đó quí lắm.

Cách đây nhiều năm có một người hầu việc Chúa trẻ tuổi ngày nọ phải đi bộ trên đoạn đường thật xa mới đến được nhà thờ kia để rao giảng Lời Chúa. Vừa đói lại vừa mệt mỏi quá độ nên người đó không thể giảng tốt được. Sau nhờ nhóm ai nấy đều thất vọng. Họ chẳng muốn nói chuyện, hỏi han nên cũng chẳng biết gì về cảnh ngộ của vị mục sư trẻ tuổi đó. Thời may có người làm công việc lau chùi. dọn dẹp trong nhà thờ mời ông về nhà dùng bữa và tá túc qua đêm. Mấy mươi năm sau đó ông mục sư trẻ tuổi, nay đã đứng tuổi và đầy ơn, có dịp trở lại giảng trong hội thánh ngày xưa. Ông giảng thật tốt nên ai nấy đều cảm động. Họ ân cần vồn vã lắm nhưng ông chỉ muốn tìm một người mà thôi. Đóù là người đã bày tỏ sự nhân từ cùng ông ngày xưa.

Ông Viện Trưởng Viện Đại Học Yale ngày nọ có khuyên ông Viện Trưởng Viện Đại Học Ohio State như sau: Xin ông luôn luôn nhớ bày tỏ sự nhân từ, tử tế nhùng những sinh viên thuộc hạng A và B. Trong tương lai biết đâu có người trở lại làm giáo sư danh tiếng cho trường. Và đồng thời ông cũng cần biểu lộ sự nhân từ, tử tế với cả những sinh viên hạng C nữa vì biết đâu sau này có người trở thành ân nhân cho trường. Trong đời sống thường ngày có lắm khi những người bị coi thường về sau lại trở nên người thành công hơn người khác.

Nếu phước hạnh chỉ thuộc về những người lúc nào cũng xứng đáng thì ai trong chúng ta có thể hưởng được phước hạnh viên mãn? Điều đáng mừng là Đức Chúa Trời sẵn sàng ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước thiêng liêng bởi sự yêu thương nhân từ của Ngài, theo ý định tốt lành của Ngài. Nỗ lực cá nhân không làm cho món quà của Chúa trở nên quí giá hơn. Viêc lành không phải là điều kiện tiên quyết trong việc đón nhận ơn cứu rỗi mà chỉ là kết quả tất nhiên của sự cứu rỗi. Nói cách khác, việc lành không mang lại sự cứu rỗi. Chỉ có ân điển của Chúa mới có thể mang lại sự rỗi và làm nảy sinh việc lành: Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu; điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo. (Ê-phê-sô 2:8-10).

IV. Sống Cách Xứng Đáng (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11-12)

Phao-lô tiếp tục khuyên nhủ các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca ráng tập ăn ở cách yên lặng trong việc chu toàn bổn phận của riêng mình và không làm phiền đến người khác. Đối với người chưa tin Chúa, con cái Chúa lại càng phải ngay thẳng, sòng phẳng. Con cái Chúa cần phải siêng năng, không được biếng nhác. Con cái Chúa cần đóng góp cho xã hội, chẳng ngại nhọc nhằn. Có siêng năng, cần mẫn, con cái Chúa mới có thể làm được việc này việc nọ cho bản thân, cho người khác, và nhất là cho Chúa. Người làm công, hãy cứ chăm chỉ mà làm lụng, chẳng phải như làm cho người ta, nhưng như thể làm cho Chúa. Người cai trị, phải siêng năng mà cai trị. Người hầu việc Chúa cần phải chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.

Phao-lô nói: Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời. (Cô-lô-se 1:9-10)

Áp Dụng

Mỗi ngay chúng ta cần nhận biết ý Chúa trong đời sống của mình và cảm thấy cần phải sống cách đạo đức, cần phải tương quan cách ngay thẳng với nhau và được sự kính trọng của người khác.

Mong sao mỗi chúng ta nhất quyết sống đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn là làm vui lòng người khác hoặc chính mình. Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4)

Kể từ tuần lễ này, chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của Phao-lô như đã được trình bày cách rõ ràng cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Chúng ta nên sống cách đẹp lòng Chúa, sống trong sự thanh sạch, sống trong sự yêu thương để xứng đáng với ơn cứu rỗi bao la, rời rộng Ngài đã ban cho chúng ta.

Hằng ngày chúng ta hãy cứ vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm làm việc gì cũng nhớ tạ ơn Chúa vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với chúng ta là như vậy (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18). Vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài (Hê-bơ-rơ 12:28). Thêm nữa, chúng ta chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:16).