Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Giữ Vữõng Niềm Tin

( 11 tháng 11)

Kinh Văn: (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12)

Câu Gốc: 1Luận về sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, 2athì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoàng (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-2a).

Bài học này trình bày lời Phao-lô cắt nghĩa cách rõ ràng về sự tái lâm của Chúa. Trọng tâm của bài học hướng đến những biến cố sẽ xảy ra khi Chúa tái lâm. Bài học này nhắc nhở con cái Chúa bền lòng tin cậy nơi Chúa vì biết cách chắc chắn Chúa sẽ tái lâm. Đức Chúa Trời cho biết rõ cách Đấng Christ sẽ tái lâm, kể cả việc có những kẻ kình chống Ngài, bởi lẽ đó con cái Chúa chẳng nên dao động nhưng cứ thận trọng và hết lòng tin cậy Chúa.

Nhiều người muốn biết về những việc sẽ xảy đến trong tương lai, nhất là trong ngày tận thế. Tuy nhiên những tiên đoán của con người ngay cả trong lãnh vực khoa học thường dẫn đến kết luận mông lung. Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài hiểu rằng Đấng Christ sẽ trở lại trong ngày sau cùng để tể trị. Hết thảy mọi chủ quyền, mọi thế lực đều sẽ phải tùng phục Ngài.

I. Quan Niệm Sai Lầm Cần Được Chỉnh Đốn (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3a)

Phao-lô biết rõ các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca đang ngóng trông Chúa mau trở lại. Họ chẳng còn tha thiết chi về việc đời này. Họ chỉ mong Chúa đến ngay hầu cho họ khỏi phải phập phồng lo sợ, khỏi phải bị bắt bớ. Họ mong Chúa đến ngay để thiết lập công bình trên đất và chứng tỏ năng quyền phi thường của Ngài. Trong tâm trạng khắc khoải chờ mong được hội hiệp cùng Chúa, họ dễ bị ma quỉ và bè đảng của nó quyến dụ, dỗ dành, đe dọa. Phao-lô nhắc nhở các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca phải cẩn thận và đề cao cảnh giác. Dù lời người ta nói có vẻ hợp lý đến bao nhiêu hay là thơ người ta viết có tương tự như thơ của Phao-lô đến thế nào thì họ cũng đừng run sợ, đừng kinh hoảng, đừng nghe theo, đừng để cho người ta lừa dối, phỉnh gạt.

II. Những Biến Cố Sẽ Xảy Ra Khi Chúa Tái Lâm (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3b-4)

Phao-lô cho biết có những điềm báo, có những biểu hiệu, có những biến cố xảy ra khi Chúa tái lâm. Sẽ có người chao đảo. Sẽ có kẻ bội đạo. Sẽ có người giả mạo. Sẽ có kẻ tự cao. Thậm chí lại còn có kẻ đối địch dám tự xưng mình là Đức Chúa Trời. Ngoài lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, những kẻ đó còn thêm vào những lời của loài người bịa đặt ra rồi gọi là thần cảm hầu cho những lời đó có giá trị ngang hàng với Thánh Kinh. Ngoài những thơ tín của sứ đồ của Chúa ngày xưa, những kẻ đó còn thêm thắt những giáo điều, những luật lệ khắt khe, gò bó.

Có hai quan niệm có vẻ khác nhau về thứ tự của những diễn biến xảy ra trong thời tận thế, khi Chúa tái lâm: quan niệm tiền thiên niên và quan niệm hậu thiên niên. Nói cách vắn tắt, những người theo quan niệm tiền thiên niên nghĩ rằng Đấng Christ sẽ tái lâm trước khoảng thời gian 1000 năm thiên đàng được dựng nên trên đất, và những người theo quan niệm hậu thiên niên nghĩ rằng Đấng Christ sẽ tái lâm sau khoảng thời gian 1000 năm thạnh trị này.

Đa-ni-ên 9:24-27 có nói về 70 tuần lễ định trên dân sự và thành thánh đặng ngăn chặn sự phạm pháp, diệt trừ tội lỗi, làm sạch gian ác và mang lại sự công bình đời đời. Những sự đó xảy đến để ấn chứng cho sự hiện thấy và lời tiên tri và đồng thời xác nhận chức vụ của Đấng Christ tức là Đấng Được Xức Dầu. Sau 62 + 7 = 69 tuần lễ có sự tranh chiến, có sự hủy phá, có sự hoang loạn. Đó là lúc hội thánh của Chúa phải đương đầu với sự khuấy phá dữ dội của ma quỉ. Và sau đó là thời kỳ sau rốt khi Chúa trở lại để tiếp đón con cái Ngài giữa chốn không trung.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18, 1 Cô-rinh-tô 15:51-57 và Khải Huyền 3:10 đều nói về việc Chúa tái lâm cách thình lình để đón tiếp con cái Ngài lên chốn không trung trước khi có hoạn nạn lớn xảy ra trên đất trong bảy năm trường mà theo Đa-ni-ên đây là tuần lễ thứ 70 .

Bảy năm hoạn nạn tranh chiến là thời gian trong đó Anti- Christ tự xưng mình là bá chủ trần thế với chiêu bài mang lại sự cứu rỗi cho dân Do Thái. Những đoạn kinh văn sau đây nói đến ý này: Ê-xê-chi-ên hai đoạn 38 và 39; Đa-ni-ên 11:36-45; 12:9-13; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-3; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-12; Ma-thi-ơ hai đoạn 24 và 25; Khải Huyền các đoạn từ 4 đến 18.

Đấng Christ tái lâm để chấm dứt bảy năm hoạn nạn trên đất. Ngài đến để phán xét Anti-Christ và thế gian và cũng để cứu chuộc một số người Do Thái tin nhận Ngài là Đấng Mê-si. Những câu Kinh Thánh nói đến việc này là Xa-cha-ri 12, 14:1-15; Ma-thi-ơ 14:29-31; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8; Khải Huyến 19:11-21.

Thời kỳ ngàn năm theo sau thời kỳ hoạn nạn và thời kỳ Đấng Christ tể trị, trong đó lời hứa dành cho dân Do Thái được ứng nghiệm. Vào cuối thời kỳ ngàn năm này Sa-tăng lại được thả ra nhưng sau đó nó làm loạn trở lại và bị định tội lần cuối cùng chung với những kẻ chẳng tin (Khải Huyền 20:7-9; 20:10-15).

Sau cùng là trời mới đất mới trên thiên đàng vĩnh cửu (Khải Huyền 21:1-22:5). Khi học về sự tái lâm của Chúa, có lẽ điều quan trọng nhất không phải là tiền thiên niên hoặc hậu thiên niên. Điều con cái Chúa cần tin tưởng cách quả quyết là tính cách chắc chắn của sự tái lâm của Chúa. Chúa hứa rằng Ngài đi để sắm sẵn chỗ cho chúng ta và Ngài sẽ trở lại để đem chúng ta đồng đi với Ngài hầu cho Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó. Điều vô cùng hệ trọng là từ nay cho đến ngày Chúa tái lâm, ai nấy trong chúng ta đều cần phải trung tín với Chúa luôn luôn trong sự thờ phượng, chứng đạo, dâng hiến và trong những bổn phận khác nữa.

III. Hậu Vận Không Thể Tránh Né Của Kẻ Phi Pháp (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:5-12)

Phao-lô nhắc nhở các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca về những sự ông đã dạy dỗ họ trước đây. Sự chống đối của kẻ bội nghịch, kẻ phi pháp sẽ lên đến cao độ. Tuy nhiên, chúng nó sẽ không thể đứng nổi khi Chúa hiện ra. Chỉ cần hơi miệng Chúa thổi ra thì chúng thể nào cũng bị hủy diệt ngay tức khắc. Chúng nó sẽ lấy quyền thế của quỉ Sa-tăng mà hiện đến. Chúng nó sẽ xử dụng mọi thứ tà thuật. Chúng nó sẽ dùng môi miệng giả trá để phỉnh dỗ, lừa lọc. Chính chúng nó không nhận lãnh sự yêu thương của Chúa để được cứu rỗi và chúng nó cũng không muốn ai được cứu. Chính chúng nó không chấp nhận chân lý của Chúa và chúng cũng không muốn ai chấp nhận. Kẻ đối nghịch với Chúa như vậy sẽ bị trừng phạt cách nặng nề. Chúng nó đương nhiên sẽ bị hủy diệt theo giờ khắc Đức Chúa Trời ấn định.

Áp Dụng:

Bàn về thiên niên kỷ, còn có nghĩa là thời cai trị ngàn năm, có những câu Kinh Thánh liên hệ sau đây. Trước khi học bài này, lớp học có thể chia ra làm nhiều nhóm để dò tìm những câu Kinh Thánh này và sẵn sàng đọc cách nhanh chóng trong giờ học:

Ê-sai 65:17-25

Xa-cha-ri 3:11-13

Xa-cha-ri 9:9-10

Xa-cha-ri 14:16-21

Ma-thi-ơ 14:16-19

Ma-thi-ơ 26:29

Mác 14:2

Hê-bơ-rơ 8:11

2 Phi-e-rơ 3:8

Khải Huyền 14:6

Khải Huyền 21:1-6

Khải Huyền 21:7-15