Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Chúa Bình An

Giăng 14:25-31

" Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi." (c. #27)

Câu hỏi suy ngẫm: Chữ "bình an" trong Kinh Thánh thường được dùng với ý nghĩa nào? Danh hiệu "Chúa Bình An" (Chúa Hoà Bình) bao hàm niềm hy vọng nào? Niềm hy vọng này cho ai? Cá nhân hay xã hội? Làm sao để có được sự bình an (cá nhân) hay hòa bình(xã hội)?

Khi Chúa Giê-xu sinh ra, thiên thần hiện xuống báo tin và chúc mừng nhân thế bình an. Lý do là hoàng tử hoà bình sẽ đến mang lại an khang trên đất. Từ đó đến nay danh xưng này mỗi ngày một thông dụng vì nhu cầu sống, vì điều kiện sống thế giới có bao giờ được hoàn toàn an cư lạc nghiệp? Đâu đâu lại chẳng đang có chiến tranh, vẫn còn cảnh mẹ già đưa xác con, cảnh con côi đội khăn tang cho cha, vợ hiền than khóc chồng. Thế giới đang bị đe dọa bởi nạn khủng bố lan tràn khắp chốn. Nhân loại đang sống trong sự hãi hùng của sự tuyệt chủng mà chiến tranh nguyên tử có thể gây nên. Thi đua vũ khí đã lan ra ngoài không gian.

Nhưng sự bình an của hoàn cảnh bên ngoài đâu quan trọng bằng sự bình an nội tâm. Con người của thời đại đang sống trong bất an phước tạp của cuộc sống. Mất việc làm, gia đình tan vỡ, đảm bảo tương lai mong manh, bệnh hoạn, nan y, thiên nhiên ô nhiễm… tất cả đều có thể phá mất sự bình an nội tâm bất cứ lúc nào. Chúa Giê-xu đến để ban cho những ai tin theo Ngài " sự bình an mà thế giới chẳng có thể cung ứng được" (Giăng 14:27).

Từ ngữ bình an dùng trong Kinh Thánh còn sâu rộng hơn thế nữa. Bình an Thiên Chúa mang đến là một sự toàn vẹn của cuộc sống tuyệt diệu bao gồm sức khỏe, sự hưng thạnh, đảm bảo an ninh và tâm linh lành mạnh. Sự sung mãn trong cuộc sống này sẽ thể hiện trong cuộc đời cá nhân, nếp sống gia đình (I Cô-rinh-tô 7:15), cộng đồng (Ma-thi-ơ 10:34), niềm thanh thản tâm linh(Rô-ma 8:6; 15:13) ở trong đời này và cả cõi vĩnh cửu. Con người trong mọi thời đại đều cần và mơ ước sự bình an này. Các tín hữu thời Tân Ước cầu chúc cho nhau sự bình an, sự bình an thực sự chỉ đến từ Thiên Chúa (Ga-la-ti 1:3; Ê-phê-sô 1:2), của Thiên Chúa (Phi-líp 4:7; Cô-lô-se 3:15). Chính Thiên Chúa là Đức Chúa Trời của sự hòa bình (Rô-ma 15:33; II Cô-rinh-tô 13:11) và sự bình an này là ơn, là quà Em-ma-nu-ên ban cho (Giăng 14:27).

Đây là ý nghĩa của danh xưng hoàng tử hoà bình mà Em-ma-nu-ên hứa đem lại. Dĩ nhiên khi nhân loại chưa tôn Ngài làm hoàng tử hoà bình, làm sao con người có hoà bình được. Trong hiện tại mỗi cá nhân tiếp đón Ngài làm hoàng tử của đời mình, sẽ nếm được phần nào ý nghĩa danh xưng hòa bình. Hòa bình với chính mình, với quá khứ, với tha nhân và quan trọng hơn cả là với Thiên Chúa, là những gì chúng ta có thể kinh nghiệm được bởi niềm tin. Khi đã nếm biết phước hạnh này chúng ta sẽ không thôi suy tôn và ca ngợi hoàng tử hòa bình đến cho người khác chúng ta nhận lãnh phước hạnh được gọi là con của chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Bình an, xin ban cho con sự bình an của Ngài và giúp con đem bình an đó đến cho người chung quanh.

(c) 2024 svtk.net