Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Tâm Hồn Trẻ Thơ

Ma-thi-ơ 18:1-4

"Chúa Giê-xu gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đệ, mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu." (c. #2-3)

Câu hỏi suy ngẫm: Câu hỏi "ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng" cho thấy các môn đệ hiểu thế nào về nước thiên đàng? Câu trả lời của Chúa giải thích cho họ thế nào về ý nghĩa nước thiên đàng? Thế nào là trở nên như con trẻ? Làm sao để chúng ta làm được điều này?

Đây là một câu hỏi có nhiều ý nghĩa và được trả lời bằng một câu cũng đầy ý nghĩa. Các môn đệ hỏi:"Ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng?" Câu đó cho thấy họ không biết gì về nước thiên đàng. Chúa Giê-xu nói:" Nếu các ngươi không đổi lại." Ngài dùng cách đó ngụ ý cảnh cáo rằng họ đã sai lạc, nếu họ không đổi hướng lại là họ đang đi xa khỏi nước thiên đàng. Trong đời sống, câu hỏi quan trọng hơn hết là người ấy đang hướng về cái gì? Nếu một người luôn luôn hướng đến việc thực hiện những tham vọng cá nhân, mong chiếm hữu quyền hành, gìn giữ uy thế cá nhân, đề cao cái tôi của mình, thì người đó rõ ràng đang hướng đến những mục tiêu đối nghịch với nước thiên đàng. Bởi gì làm công dân của nước thiên đàng có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn bản ngã, hạ bệ cái tôi và sử dụng nó trong một đời sống hướng về phục vụ chứ không phải quyền hành.

Chúa Giê-xu nói rằng nơi đứa trẻ chúng ta thấy được những đức tính của một công dân nước thiên đàng. Có nhiều đức tính đáng yêu của đứa trẻ như khả năng ngạc nhiên trước vẻ lạ lùng của thế giới và khả năng tha thứ, quên, dù người lớn hay cha mẹ có đối đãi bất công với chúng. Sự ngây thơ trong trắng khiến trẻ thơ luôn học hỏi tiếp thu và thực hiện. Dĩ nhiên Chúa Giê-xu có nghĩ đến điều này, nhưng không phải là những điều chính yếu mà Ngài muốn đề cập đến. Điều Ngài muốn nói là trẻ thơ có ba đặc điểm khiến chúng được dùng làm biểu hiện cho những đức tính của công dân thiên quốc.

1. Đức khiêm nhường của đứa trẻ. Đứa trẻ không muốn đẩy mình ra trước, nó muốn lẩn ra phía sau. Nó không muốn nổi bậc, chỉ khi lớn lên nó mới bắt đầu vào thế giới cạnh tranh, giành giật phần thắng về mình, tìm chổ đứng trước, bỏ lại phía sau sự khiêm nhường thuộc bản chất trẻ thơ.

2. Sự nương nhờ của trẻ thơ. Đối với trẻ thơ sự nương nhờ là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Không bao giờ nó nghĩ rằng tự nó có thể đối diện với đời sống. Nó hoàn toàn hài lòng chịu nương dựa vào những người yêu thương, chăm sóc nó. Nếu con người chấp nhận nương dựa vào Đức Chúa Trời một sức lực mới và sự bình an mới sẽ bước vào đời sống họ.

3. Sự tin cậy của trẻ thơ. Bản chất trẻ thơ là nương dựa và tin cậy cha mẹ sẽ cung ứng cho nó những nhu cầu cần thiết. Khi còn nhỏ, chúng ta không thể tự sắm sửa quần áo, thức ăn hay nhà riêng cho mình, nhưng chắc chắn chúng ta tin mình được nuôi dưỡng, được lo cho ăn mặc, có sẵn một tổ ấm, tiện nghi đầy đủ đợi chờ khi chúng ta đi đâu trở về. Khi còn nhỏ chúng ta đi đây đi đó mà không nghĩ tới việc trả lộ phí, cũng không nghĩ sẽ làm thế nào để đến đích, chúng ta không bao giờ nghi ngờ nhưng tin chắc rằng cha mẹ sẽ đem chúng ta tới đó an toàn.

Sự khiêm nhường của trẻ thơ là khuôn mẫu cho thái độ đối xử của người tín hữu đối với người khác. Sự lệ thuộc và tin cậy của trẻ thơ là mẫu mực cho thái độ của người tín hữu đối vớiĐức Chúa Trời là cha chung của mọi người.

Lạy Chúa xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường, nương nhờ và tin cậy trẻ thơ để đời sống con hoàn toàn hướng về Ngài.

(c) 2024 svtk.net