Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Đấng Cứu Thế Và Con Trẻ

Ma-thi-ơ 18:5-7; Ma-thi-ơ 18:10

"Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thế này, tức là chịu tiếp ta." (c. #5)

Câu hỏi suy ngẫm: Trẻ em có gía trị và quan trọng thế nào trong nước Chúa ? Hành động đặt tay và cầu nguyện cho thấy Chúa quan tâm đến trẻ em như thế nào? Qua hành đông đó Chúa dạy chúng ta về trách nhiệm nào đối với trẻ em? Bằng cách nào bạn thực hiện trách nhiệm đó?

Người Do Thái dùng chữ trẻ con với hai nghĩa. Nghĩa đen để chỉ trẻ em, nhưng cũng dùng để chỉ các môn đệ của một giáo sư. Vì vậy trẻ con có nghĩa là người bắt đầu trong đức tin, người mới bắt đầu đi trên đường ngay nẻo chính, dễ vấp ngã trong đức tin.

Trong đoạn Kinh Thánh này có thể chữ con trẻ bao hàm hai ý nghĩa đó, vừa ám chỉ con trẻ vừa ám chỉ người mới bắt đầu trong đức tin Cơ Đốc. Chúa Giê-xu nói rằng hễ ai vì danh Ngài tiếp một đứa trẻ là tiếp Ngài.

Việc chăm sóc con trẻ được thực hiện không vì lý do gì khác hơn là vì cớ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Dạy dỗ trẻ thơ, hướng dẫn nó theo con đường mà nó phải đi là điều ta làm không phải chỉ vì đứa trẻ nhưng còn vì cớ Chúa Giê-xu.

Nó có nghĩa kèm với lời chúc phước. Có thể là tiếp nhận con trẻ và nhân danh Chúa chúc phước cho nó. Người nào đem Chúa Giê-xu và phước hạnh của Chúa Giê-xu đến cho một đứa trẻ là đang làm công việc giống như Chúa.

Tiếp một đứa trẻ cũng là một từ ngữ có nhiều ý nghĩa.

Nó không chỉ là tiếp nhận một đứa trẻ mà còn có nghĩa tiếp nhận một người có đức tin khiêm nhường giống như con trẻ. Trong thế giới cạnh tranh ráo riết này người ta dễ chú ý tới người hay bon chen, tranh cạnh và đầy tự tin. Người ta dễ chú ý tới người thành công trong đời sống. Chúa Giê-xu ngụ ý rằng người quan trọng nhất không phải là hạng người bon chen, hạng người leo lên ngọn cây bằng cách đẩy mọi người khác lọt xuống đường, nhưng là người yên lặng, khiêm nhường, đơn sơ, hạng người có tấm lòng con trẻ.

Nó có thể chỉ ngụ ý đón tiếp trẻ thơ, thương yêu chăm sóc dạy dỗ nó trở nên người tốt. Giúp một đứa trẻ sống tốt đẹp và biết Đức Chúa Trời chính là giúp đỡ Chúa Giê-xu.

Tuy nhiên từ ngữ này có thể mang ý nghĩa rất tuyệt dịệu nữa, đó là nhìn thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu trong đứa trẻ. Dạy dỗ một đứa bé ngỗ nghịch, không vâng lời là một công việc mệt nhọc, làm thỏa mãn nhu cầu vật chất của một đứa bé, giặt giũ quần áo, băng bó xoa dịu những thương tích của nó, sửa soạn những bửa ăn cho nó thường không phải là những việc mơ mộng. Tuy nhiên trên cả thế giới này không ai giúp đỡ Chúa Giê-xu nhiều hơn các thầy cô của đứa bé, và các bà mẹ vất vả ở nhà. Những người ấy sẽ thấy vẽ rực rỡ trong màu xám sẩm, nếu họ nhìn thấy chính Chúa Giê-xu trong đứa bé.

Đoạn này nhấn mạnh hình phạt khủng khiếp đối với những người dạy người khác phạm tội. Những lời Chúa Giê-xu cố ý đưa ra để chỉ số phận của kẻ xui cho người khác phạm tội.

Chúng ta biết thế giới đầy dẫy sự cám dỗ, vì vậy bổn phận Cơ Đốc nhân là dời những hòn đá vấp chân đi, đừng bao giờ làm cớ cho người khác vấp ngã. Điều này không những chỉ có nghĩa là đặt hòn đá vấp chân trên đường của người khác mới là tội, nhưng đưa người khác vào những cơ hội, tình trạng hay hoàn cảnh mà họ có thể gặp hòn đá vấp chân cũng là tội. Không Cơ Đốc nhân nào có thể sống ung dung tự mãn trong nền văn minh mà những điều kiện về sự sống, nhà cửa không cho thanh niên có cơ hội để thoát khỏi sự cám dỗ của tội lỗi.

Cuối cùng Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến điạ vị tối ưu của trẻ thơ: "Các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta là Đấng ở trên trời." Dưới mắt Đức Chúa Trời, con trẻ quan trọng đến nỗi các thiên thần bảo vệ nó luôn luôn có quyền ra vào trực tiếp trước sự hiện diện của Ngài.

Đối với chúng ta, giá trị lớn lao của một đứa trẻ, là những khả năng tiềm tàng trong đứa bé, mọi sự tuỳ thuộc vào sự huấn luyện và dạy dỗ đứa trẻ. Trong mỗi đứa trẻ đều có khả năng tiếp nhận điều thiện và điều ác. bổn phận tối cao của cha mẹ, thầy giáo và giáo hội, là nhìn thấy khả năng tiếp nhận điều tốt này. Bỏ mặc chúng không dạy dỗ, để chúng rơi vào quyền lực của ma quỉ là tội lỗi.

Lạy Chúa xin giúp con biết tiếp đón, chăm sóc trẻ em cũng như những người mới đến với Ngài vì thương họ mà cũng thương Ngài nữa

(c) 2024 svtk.net