Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Bài Chấp Thẩm Quyền

II Giăng 1:9-10

"...nhưng Điêu-trắc, người ưa cầm đầu các tín hữu, không chịu nhìn nhận thẩm quyền của chúng ta." (c. #9b, TKHĐ);

Câu hỏi suy ngẫm: Điêu-trắc là ai và tại sao không chịu nhìn nhận thẩm quyền của sứ đồ Giăng? Hơn thế nữa, ông ta đã làm những việc gì khác? Kinh Thánh dạy thế nào về bổn phận người tín hữu đối với các cấp lãnh đạo Hội Thánh?

Trong cuộc hành trình vào đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã hai lần chứng kiến sự phản loạn của những ngưòi không chịu nhìn nhận thẩm quyền của người lãnh đạo do Chúa lập lên. Lần thứ nhứt được ghi lại trongDan 12:1-16 và những người chống đối Môi-se là A-rôn và Mi-ri-am bị Chúa phạt nhưng được chữa lành nhờ lời cầu thay của Môi-se. Lần thứ hai được chi chép lại trong Dân-số Ký 16:1-50, có mức độ lớn lao hơn. Lần này có bộ ba Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram, kéo theo họ 250 nhân viên hội đồng nhân dân. Cũng nhờ lời cầu thay của Môi-se mà dân Y-sơ-ra-ên khỏi hủy diệt, nhưng bộ ba Cô-re, Đa-than và A-bi-ram với gia đình họ cùng 250 nhân viên hội đồng nhân dân kia đều bị hình phạt cách nặng nề, có đến 4.700 người chết (Dân-số Ký 16:49). Đức Chúa Trời phải hành động như thế để xác nhận và duy trì thẩm quyền lãnh đạo mà Ngài đã ban cho Môi-se để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa. Nhân những việc này, chúng ta được biết những đức tính cần thiết của người lãnh đạo hội chúng là khiêm hòa (Dân-số Ký 12:3) và yêu thương, tha thứ, xã thân cầu thay cho hội chúng. A-rôn cũng đã học được bài học trước nên lần này ông cũng hiệp với Môi-se mà cầu thay cho dân sự.

Không ai rõ Điêu-trắc (bản cũ là Đi-ô-trép) là người thế nào mà có tham vọng, thích cầm đầu các tín hữu, có ngạo khí bất chấp thẩm quyền sứ đồ, có luận điệu độc ác để vu cáo người lãnh đạo, và có hành động bất hợp tác trong công cuộc truyền giáo, không vâng lời Chúa trong sự tiếp khách (Hê-bơ-rơ 13:2), mà có ai tiếp rước thì anh ta còn ngăn cản và khai trừ hay là đuổi ra khỏi giáo hội. Có lẽ một số hành động của anh ta nằm trong bóng tối nên sứ đồ Giăng nói rằng: "Nếu tôi tới được, tôi sẽ đưa ra ánh sáng những việc anh ta làm" (c. #10). Không biết tình trạng này có đưọc giải quyết không, nhưng thật là một nan đề lớn lao cho Hội Thánh, ngăn trở bước tiến triển và làm ô danh Chúa. Thỉnh thoảng cũng nghe nói còn có "Điêu trắc" trong Hội Thánh ở một nơi nào đó, và dầu Chúa nhân từ và tôi tớ khiêm hòa của Ngài không giải quyết như thời Môi-se nhưng những "Điêu trắc" chắc chắn không khỏi phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ để nhận lãnh tùy theo điều đã làm lúc còn trong xác thịt (II Cô-rinh-tô 5:10).

Phúc Âm Ma-thi-ơ 20:20-28 cho thấy mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng hai anh em này đều "ưa làm lớn, làm đầu". Họ bị các môn đệ kia giận vì có lẽ họ cũng đã biện luận cùng nhau cho biết ai là lớn hơn hết trong hàng mình". (Lu-ca 9:46) Nhân đó, chúng ta được nghe những lời dạy vàng ngọc của Chúa Giê-xu về vấn đề này: "Trong các ngươi kẻ nào muốn làm lớn thì sẽ làm đầy tớ các ngươi, còn kẻ nào muốn làm đầu thì sẽ làm tôi mọi các ngươi" (Ma-thi-ơ 20:26-27).

Kinh Thánh dạy "hãy hết lòng tôn kính các trưởng lão khéo lãnh đạo Hội Thánh, đặc biệt là những người đã dày công truyền giáo và giáo huấn." (I Ti-mô-thê 5:17). "Hãy vâng lời những người dìu dắt anh em, và theo đúng lời hướng dẫn của họ...Hãy vâng phục họ..." (Hê-bơ-rơ 13:17). "Các bạn thanh niên hãy vâng phục quyền lãnh đạo của những bậc phụ lão" (I Phi-e-rơ 5:5).

Lạy Chúa, xin giúp con cẩn thận vâng giữ làm theo những lời dạy khuyên như trên.

(c) 2024 svtk.net