Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Những Người Truyền Đạo Gian Ác

Ma-thi-ơ 23:15-26

"Khốn cho các ngươi thầy dạy luật và đạo sĩ Do Thái giáo là kẻ giả hình, vì các ngươi đi khắp dưới nước, trên bộ để khuyên một người vào đạo mình, và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi." (c. #15);

Câu hỏi suy ngẫm: "Giả hình" có nghĩa là? Chúa lên án các thầy dạy luật và các đạo sĩ Do Thái về điều gì? Tại sao? Lối sống thầy dạy luật và các đạo sĩ Do Thái về điều gì? Tại sao? Lối sống đạo của họ cho thấy những đặc điểm nào của một tà giáo?

Một trong những nét kỳ lạ mà Do Thái đã đem lại trong thế giới cổ xưa là nó vừa thu hút vừa xua đuổi người ta. Không có dân tộc nào bị ghen ghét nhiều như người Do Thái. Họ kỳ thị, khinh rẻ các dân tộc khác nên họ bị ghét bỏ. Người ta còn cho là người theo đạo Do Thái phải thề nguyền không bao giờ được giúp đỡ người ngoại bang trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi người đó hỏi đường, họ cũng không chỉ. Sự vâng giữ ngày Sa-bát khiến họ mang tiếng là lười biếng. Việc họ không chịu ăn thịt heo khiến họ bị chê bai đến độ người ta bảo họ thờ con heo như là thần. Phong trào bài Do Thái là lực lượng mạnh mẽ và phổ biến trong thế giới ngày xưa.

Tuy nhiên họ cũng có sức thu hút. Ý niệm về vị thần độc nhất là một điều mới lạ đối với một thế giới tin tưởng vào vô số thần thánh. Sự tinh sạch và những tiêu chuẩn đạo đức của người Do Thái gây ra một sự say mê trong thế giới vô đạo đức, đặc biệt là với phái nữ. Kết quả là Do Thái đã lôi cuốn được nhiều người.

Nhưng sự lôi cuốn của nó có hai mức độ. Có những người được gọi là những người kính sợ Đức Chúa Trời thì chấp nhận quan điểm về một Đức Chúa Trời, chấp nhận luật đạo đức của người Do Thái, nhưng họ không tham dự vào lễ nghi của Luật Pháp và không làm phép cắt bì. Những người như vậy rất đông và người ta có thể thấy họ lắng nghe, thờ phượng trong các nhà hội và thật đã tạo cho Phao-lô có một môi trường rất tốt trong việc rao giảng Phúc Âm. Ví dụ như trường hợp số người Hy Lạp tin kính ở thành Tê-sa-lô-ni-ca (Công-vụ các Sứ-đồ 17:4).

Mục đích của đạo sĩ Do Thái giáo là khiến những người kính sợ Đức Chúa Trời này trở thành những người theo đạo Do Thái. Những người chịu qui đạo Do Thái là những người chấp nhận những lễ nghi Luật Pháp, phép cắt bì và trở thành người Do Thái với ý nghĩa đầy đủ nhất; những người mới tin đạo này thường trở thành những tín đồ nhiệt thành và họ còn tuân hành Luật Pháp Do Thái hơn cả người Do Thái nữa.

Chúa Giê-xu đã tố giác những đạo sĩ Do Thái giáo này là những người truyền đạo gian ác. Tội lỗi của họ là không thật lòng tìm cách dẫn người ta tới Đức Chúa Trời nhưng tìm cách đưa người ta đến với Do Thái giáo của họ. Một trong những điều nguy hiểm của những nhà truyền đạo có thể vấp phải là người đó có thể cố đưa người ta đến với một giáo phái hơn là một tôn giáo, hoặc quan tâm đến việc mang người ta đến nhà thờ hơn là đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Các đạo sĩ Do Thái giáo không đưa người ta đến với Đức Chúa Trời, mà đưa đến với loài người, đến với giáo phái riêng của họ. Đó là tội của họ. Tội này vẫn còn trong thế giới ngày nay khi người ta buộc một người phải bỏ Hội Thánh này nhập qua Hội Thánh họ thì mới được cho dự tiệc thánh. Cái tà giáo lớn nhất là sự xác quyết đầy tội lỗi rằng chỉ giáo phái của mình có chân lý, giáo phái mình là con đường duy nhất dẫn vào thiên đàng, giáo phái mình độc quyền về Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa xin giúp qua đời sống con đưa người khác đến với chính Ngài.

(c) 2024 svtk.net