Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Luật Hoàng Gia

Gia-cơ 2:8-11

"Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy." (c. #10)

Câu hỏi suy ngẫm: Gia-cơ cho thấy luật pháp có đặc điểm nào? Tại sao? Gia-cơ đã lý luận như thế nào để cho thấy tây vị là phạm luật pháp? Có trường hợp tây vị nào có thể được biện minh không? Tại sao?

Mối liên hệ về tư tưởng giữa đoạn sách nầy và đoạn trước như sau: Gia-cơ vừa lên án kẻ chú ý đặc biệt đến người giàu có khi họ đến với Hội Thánh. Người ấy có thể trả lời "Nhưng luật pháp dạy tôi phải yêu thương người lân cận như bản thân, do đó tôi có bổn phận phải tiếp rước người đến với Hội Thánh chứ?" Gia-cơ trả lời "Tốt lắm, nếu bạn tiếp rước một người vì yêu thương người ấy như bản thân, và bạn đối xử tiếp rước người ấy đặc biệt như vậy thì tốt lắm. Nhưng nếu bạn tỏ ra ân cần với họ vì cớ họ giàu có là tây vị, là sai lầm - và chẳng những bạn không làm đúng theo luật pháp mà thật ra, còn phạm pháp nữa. Bạn không hề yêu thương người lân cận, vì nếu thực vậy, bạn đã không xem thường người nghèo. Cái mà bạn yêu thương là sự giàu có - mà đó không phải là điều luật pháp dạy".

Gia-cơ gọi mạng lịnh quan trọng phải yêu thương người lân cận như bản thân, là luật hoàng gia. Tuân giữ luật pháp vĩ đại đó con người sẽ trở nên vua của chính bản thân và một vị vua giữa vòng con người. Đó là luật pháp thích hợp cho những người thuộc hoàng tộc và có thể khiến người ta trở thành những người hoàng tộc.

Rồi Gia-cơ tiếp tục qui định một nguyên tắc quan trọng về luật pháp của Thượng Đế. Hễ phạm bất kỳ điều khoản nào thì cũng là người phạm pháp rồi. Dân Do Thái luôn luôn muốn xem luật pháp như một loạt những mạng lịnh rời rạc. Giữ được một mạng lịnh, là lập được một kỳ công, vi phạm một điều luật là mắc một món nợ. Do đó, có thể cộng thêm những gì mình giữ được và trừ đi những khoản vi phạm, rồi khi tổng kết thì ta có công hoặc có tội.

Theo quan điểm của Gia-cơ thì toàn thể luật pháp là ý chỉ Thượng Đế, vi phạm bất kỳ điều luật nào cũng là làm trái ý Ngài, do đó cũng phạm tội. Ngay đối với luật pháp trần gian, người nào chỉ phạm một điều cũng trở thành phạm nhân. Vậy Gia-cơ lý luận "Cho dù về mọi chiều hướng khác, anh em có thiện hảo đến đâu đi nữa, nếu anh em tây vị người ta, là anh em đã làm trái ý Thượng Đế và là kẻ phạm pháp".

Đây là chân lý quan trọng, hợp thời và thực tế. Nói đơn giản: Một người có thể thiện hảo đủ mọi phương diện, nhưng chỉ phạm một lỗi nhỏ là người ấy đã bị mất tất cả. Người ấy có thể hành động rất mực đạo đức, ăn nói hết sức nhân hậu, sống đạo vô cùng tỉ mỉ, nhưng có thể người ấy cứng rắn, tự xem mình là ngay lành, người ấy khô khan, thiếu thông cảm, nếu đã vậy, chỉ vì một lầm lỗi độc hại, tất cả sự tốt lành, thánh thiện của người ấy đều bị tổn hại.

Dầu chúng ta có thể khoe mình đã làm được nhiều việc tốt, đã cự tuyệt nhiều việc xấu, nhưng có thể trong lòng chúng ta, có một điều gì đó có thể phá hỏng tất cả.

Lạy Chúa, xin thêm ơn sức, sự khôn ngoan, gìn giữ, giúp con luôn sống trong ý chỉ Ngài, vì con biết tự con, con không thể làm theo tất cả luật lệ của Ngài.

(c) 2024 svtk.net