Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Mạc Khải Lớn Lao

Rô-ma 3:1-4

"Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối, như có chép rằng: Ấy vậy Chúa sẽ được xưng công bình trong lời phán của Ngài, và sẽ được thắng khi chịu xét đoán." (c. #4)

Câu hỏi suy ngẫm: "Ích lớn đủ mọi đàng" (c. #2) nghĩa là gì? Dân Do Thái được đặc ân lớn lao nào? Chúng ta được hưởng đặc ân đó như thế nào? Cần áp dụng thế nào trong đời sống hằng ngày?

Các câu vừa đọc là hai câu hỏi và hai câu trả lời. Xin Bạn đánh dấu vào Kinh Thánh để dễ thấy hơn:

Câu hỏi 1: "Vậy thì, sự trổi hơn của người Giu-đa là thế nào, hay là phép cắt bì có ích gì chăng?"

Câu trả lời: "Ích lớn đủ mọi đàng. Trước hết là điều này: ấy là lời phán của Đức Chúa Trời đã phó cho dân Giu-đa."

Câu hỏi 2: "Mà làm sao! nếu một vài người trong bọn họ không thành tín, thì sự không thành tín của họ có làm cho sự thành tín của Đức Chúa Trời ra hư không sao?"

Câu trả lời: "Chẳng hề như vậy! Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối, như có chép rằng: Ấy vậy, Chúa sẽ được xưng công bình trong lời phán của Ngài, và sẽ được thắng khi chịu xét đoán."

Sau khi lên án người Do Thái và trình bày cho họ thấy việc tuân giữ lời Chúa quan trọng hơn những hình thức tôn giáo, Phao-lô tưởng tượng nhân vật nghe ông lý luận (từ đầu chương 2) lên tiếng phản đối. Người đó nói (diễn ý câu #1): "Nếu người Do Thái bề trong mới quan trọng và nếu phép cắt bì bởi trong lòng mới có giá trị, vậy làm người Do Thái và chịu phép cắt bì có được ích lợi gì đâu?" Nếu dựa vào điều Phao-lô nói trong chương 2, ta nghĩ ông sẽ trả lời: "Đúng vậy, không ích lợi gì cả!", nhưng Phao-lô đã trả lời ngược lại, ông nói: "Ích lớn đủ mọi đàng", nghĩa là: Có ích lợi lắm chứ, về đủ mọi phương diện. Tuy nhiên, phần Thánh Kinh ta đọc hôm nay, ông chỉ kể ra một lợi ích, đó là "lời phán của Đức Chúa Trời đã phó cho dân Giu-đa" (c. #2). Theo Phao-lô, đây là đặc ân lớn nhất Chúa dành cho người Do Thái, vì Chúa đã không mạc khải lời Ngài cho dân tộc nào khác ngoài Do Thái. Chỉ người Do Thái được đặc ân có các tiên tri trực tiếp đón nhận lời của Chúa và ghi lại thành bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Vì thế, người Do Thái đừng nên hãnh diện về phép cắt bì nhưng hãy hãnh diện về những lời phán dạy Chúa đã ban cho họ.

Trong câu #3 Phao-lô tiếp tục đóng vai nhân vật tưởng tượng kia và lý luận: "Nếu có một người không làm theo lời Chúa dạy thì Chúa sẽ không thực hiện lời Ngài đã hứa, và như vậy lời hứa của Chúa sẽ trở thành vô nghĩa!" Trước lý luận đó Phao-lô trả lời: "Không, không thể có chuyện đó" ("chẳng hề như vậy"), vì chỉ có loài người mới dối trá; còn Chúa bao giờ cũng chân thật nên Ngài không bao giờ thất hứa. Loài người phạm tội nên không được hưởng lời hứa của Chúa nhưng không thể dựa vào đó để nói rằng Chúa thất hứa. Phao-lô trích Thi Thiên 51, là lời vua Đa-vít cầu nguyện khi phạm tội, để chứng mình điều ấy. Đa-vít nói: "Ấy vậy Chúa sẽ được xưng công bình trong lời phán của Ngài và sẽ được thắng khi chịu xét đoán." Đa-vít phạm tội là lỗi của ông, không phải lỗi của Chúa. Cũng vậy, loài người thất tín, nhưng Chúa vẫn thành tín. Nếu vì tội lỗi mà Chúa không ban phước cho loài người, thì loài người không thể dựa vào đó mà nói Chúa không giữ lời hứa, vì chính loài người đã phạm tội với Chúa, chứ không phải Chúa đã thất hứa.

Lý luận của Phao-lô trong phân đoạn này cho thấy:

1. Ngày nay ta được đọc và học Kinh Thánh là đặc ân lớn Chúa ban, vì thế ta cần sống theo lời Thánh Kinh mỗi ngày.

2. Nếu vì không làm theo lời Chúa mà bị hình phạt, chúng ta không thể đổ lỗi cho Chúa, nói rằng Chúa không giữ lời hứa; vì chính chúng ta đã vi phạm luật của Chúa chứ Chúa chẳng thất hứa bao giờ.

Xin giúp con thấy đặc ân Chúa dành cho con qua lời Ngài để con vâng giữ lời ấy mỗi ngày. Xin đừng để con đổ lỗi cho Chúa nhưng giúp con nhận thức sự yếu đuối của chính mình để sẵn sàng xưng tội với Chúa và từ bỏ những tội lỗi đó.

(c) 2024 svtk.net