Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Tiếng Đức Giê-hô-va

Thi-thiên 29

"Tiếng Đức Giê-hô-va rất mạnh; Tiếng Đức Giê-hô-va có sự oai nghiêm... Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh... sẽ chúc phước bình an cho dân sự Ngài" (c. #4, 11). Câu hỏi suy ngẫm: "Tiếng Đức Giê-hô-va" được lặp nhiều lần trong Thi Thiên này có ý nghĩa thế nào? Tiếng Đức Giê-hô-va có vai trò và sứ mạng ra sao? Người ta sẽ có những cảm giác nào khi nghe tiếng Chúa? Tại sao? Tiếng Chúa đã và đang có tác dụng thế nào đối với bạn? Trong Thi Thiên này, danh hiệu Giê-hô-va lặp lại 18 lần, đi đôi với hiệu quả của tiếng ấy trên các tạo vật. Sự lặp lại này cho thấy danh hiệu Giê-hô-va là căn bản của lời chúc phước trong câu cuối cùng. Giê-hô-va là tên riêng của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Những phước lành không đến từ một thần linh hay thượng đế nào khác mà đến từ Đức Giê-hô-va. Trong Thi Thiên này, chữ "tiếng" (Đức Giê-hô-v a) cũng lặp lại bảy lần, điều này tạo cho người nghe một cảm xúc, đó là thứ cảm xúc quy hướng về Đức Chúa Trời và tiếng nói của Ngài. Quyền năng và oai nghi của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua âm thanh và ánh sáng trong thế giới thiên nhiên. Những hình ảnh trong Thi Thiên này cho thấy một Đức Chúa Trời quyền năng đáng khiếp sợ và không một quyền lực nào cưỡng lại ý định của Ngài. Tuy nhiên, điểm chính mà Thi Thiên này muốn nói đến không phải là cảm giác khiếp sợ nhưng là niềm vui khiến tác giả ca ngợi khi đứng trước vinh quang và sự uy nghiêm của Chúa (c. #9 c). Tiếng kêu "Vinh quang thay!" của những người thờ phượng trong đền thờ hòa cùng tiếng kêu của thế giới thiên nhiên bên ngoài để cùng tôn ngợi Chúa. Không những cảm giác vui mừng, tại đây tác giả cũng bộc lộ một cảm giác an toàn khi tin cậy nơi Đức Giê-hô-va là Đấng ngồi trên ngôi cầm quyền (c. #10) cũng là Vua nhân từ sẵn sàng "ban sức mạnh và chúc phước bình an cho dân Ngài" (c. #11). Tiếng Chúa là tiếng nói của sức mạnh cũng là tiếng nói của ơn phước. Thi Thiên này cho chúng ta liên tưởng tới hình ảnh Chúa Giê-xu chịu báp-têm, lúc đó các từng mở ra và có tiếng Đức Giê-hô-va vang dội trên dòng sông Giô-đanh. Tiếng Đức Giê-hô-va trong Thi Thiên này cũng như tiếng từ trời trong lúc Chúa chịu báp-têm đều có ý nghĩa khẳng định một sự thực. Đó là mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời uy nghiêm và tạo vật và thế giới loài người. "Tiếng" là phương tiện truyền thông, phương tiện mạc khải. "Tiếng của Giê-hô-va phát ra từ cõi thiên nhiên cũng như trong Lời Hằng Sống. Vấn đề của chúng ta là khiêm cung lắng nghe tiếng Chúa giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, từ đó cất tiếng đối đáp với Ngài, ca tụng Ngài. Chúng ta không còn cảm giác khiếp sợ nhưng tràn ngập vui mừng và bình an khi nghe tiếng Chúa. Và từ trong tấm lòng kính yêu Chúa, nghe tiếng Chúa và làm theo ý muốn Ngài trở thành một ơn phước. Lạy Chúa oai nghiêm, con cảm tạ Chúa vì tiếng Chúa đã truyền rao cho tạo vật và thế giới loài người. Xin cho con luôn lắng nghe tiếng Chúa để con tìm được sức mạnh và bình an trong cuộc sống. A-men.

(c) 2024 svtk.net