Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Ngày Của Đức Giê-hô-va

Giô-ên 1:15-20

"Ôi ngày ấy, vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai vạ thả ra bởi Đấng Toàn năng." (c. #15) Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này, Ngày của Đức Giê-hô-va được mô tả thế nào? Khác với điều họ trông đợi về Ngày của Chúa ra sao? Tại sao Ngày của Chúa trở thành khủng khiếp thay vì phước hạnh? Tại đây Chúa muốn cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa và chúng ta ngày nay điều gì? Ngày Đức Giê-hô-va, ngày Chúa thăm viếng theo ý nghĩ của những người đương thời với Giô-ên là ngày phước hạnh, ngày Chúa trừng phạt các dân ngoại và giải cứu dân Do Thái. Vì vậy mọi người trông chờ ngày ấy. Nhưng ở đây Giô-ên cảnh cáo: không phải như họ nghĩ đâu, ngày Đức Giê-hô-va cũng là ngày hoạn nạn, ngày tai vạ, ngày Chúa xét đoán và trừng phạt con dân Ngài nữa. Tai họa cào cào là một phần của việc Chúa thăm viếng. Thêm vào đó, hạn hán, hỏa hoạn tiếp tục tàn phá. Hột giống gieo ra không mọc lên được, mùa màng khô héo, nông gia thất mùa, kho vựa bỏ phế, hư hại. Cả đến gia súc cũng rên siết; đàn chiên, đàn bò sẽ ốm o, bệnh tật vì đồng cỏ tiêu điều, suối hồ khô cạn. Chúng ta trông đợi được Chúa thăm viếng, chúng ta mong chờ ngày Chúa trở lại. Chúng ta hình dung phước hạnh của những ngày ấy. Lời Chúa có nói đến phước hạnh (Ma-thi-ơ 24:31), đồng thời Chúa cũng báo trước tai vạ (Ma-thi-ơ 24:6-13). Sự phán xét của Chúa bắt đầu từ trong nhà Ngài rồi mới đến bên ngoài (A-mốt 5:18-20; I Phi-e-rơ 1:17). Trong Kinh Thánh, mỗi hành động của Chúa đều luôn luôn có hai mặt: vừa phán xét mà cũng vừa cứu rỗi. Cho nên chúng ta không trông chờ ngày Chúa đến trong tinh thần chủ quan, nhưng hãy khá thức tỉnh. Con dân Chúa, Hội Thánh Ngài cần trông chờ trong tinh thần hạ mình ăn năn để được cứu vớt. Nếu không chúng ta cũng sẽ chịu tai vạ không thể tránh khỏi. Chúa ơi, xin giúp con luôn tỉnh thức khi con thấy ngày Chúa gần kề.

(c) 2024 svtk.net