Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Trông Đợi Chúa

Thi-thiên 27:1-14

"Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va! Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va!" (c. #14). Câu hỏi suy ngẫm: Thi thiên này bày tỏ những tâm trạng khác nhau nào của tác giả? Tại sao tác giả có những tâm trạng khác nhau như thế? Tác giả cầu xin Chúa điều gì và tự nhắc nhở mình thế nào trước những bối rối bất an? Bằng cách nào chúng ta trông đợi Chúa? Thi Thiên này gồm hai phần bày tỏ hai tâm trạng khác nhau của tác giả. Từ câu #1 đến câu #6 tác giả bày tỏ sự tin tưởng trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ, nhưng từ câu #7-14 bày tỏ tâm trạng hoang mang, bối rối của tác giả trước nghịch cảnh và cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Trong phần mở đầu, tác giả dùng ba hình ảnh, ánh sáng, sự cứu rỗi, và đồn lũy, để chỉ về Đức Chúa Trời là Đấng mình nương cậy. Câu "Tôi sẽ sợ ai? Tôi sẽ hãi hùng ai?" tuy đặt dưới dạng câu hỏi nhưng là lời xác quyết: Chẳng sợ ai! Chẳng hãi hùng ai! Đặt câu hỏi như thế là cách tác giả tự củng cố đức tin của mình trước những sức mạnh thù nghịch. Nhận biết Đấng mình nương cậy là ai, tác giả không còn rúng động trước sức mạnh của quân thù, vì tin chắc rằng Ngài sẽ làm cho quân thù vấp ngã. Trong câu #4, tác giả bày tỏ lòng mong ước và tìm kiếm một điều, đó là "trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va." Trong dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, thành ngữ "ở trong nhà Đức Giê-hô-va" thường chỉ về sự ẩn náu trong đền thờ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:1-13) hoặc chỉ về sự dâng đời sống để hầu việc Chúa trong đền thờ (I Sa-mu-ên 1). Căn cứ trên văn mạch cũng như liên hệ đến câu #5, có lẽ ở đây tác giả bày tỏ ước muốn trọn đời được nương náu mình nơi Chúa và tương giao với Ngài. Một lần nữa trong câu #5-6, tác giả lại xác nhận sự tin cậy hoàn toàn nơi Chúa, tin chắc rằng Ngài sẽ giải cứu và tác giả sẽ "dâng của lễ bằng sự vui vẻ" và "hát mừng ca tụng Đức Giê-hô-va" (c. #6). Tuy nhiên đọc phần kế tiếp của Thi Thiên này chúng ta thấy tác giả mang một tâm trạng khác hẳn. Tuy cầu xin Chúa giúp đỡ (c. #7) nhưng tác giả vẫn còn hoang mang bối rối và dường như muốn ngã lòng (c. #13). Thi Thiên này phản ảnh tâm trạng của tác giả trong từng lúc. Đây là tâm trạng rất là thực, rất là người mà tác giả cũng như mỗi chúng ta đều kinh nghiệm. Nhiều lúc khi đức tin mạnh mẽ chúng ta có thể tuyên bố rằng "Tôi sẽ sợ ai?" "Tôi sẽ hãi hùng ai?, " nhưng rồi cũng có lúc chúng ta có cảm tưởng như Chúa "ẩn mặt," bị "Chúa xô đuổi," trước đây Chúa tiếp cứu nhưng bây giờ Chúa lặng thinh (c. #9) và đi đến chỗ ngã lòng. Đây là những cảm giác rất thực trong cuộc sống của người theo Chúa. Tuy nhiên, kinh nghiệm quá khứ về sự che chở và giải cứu của Chúa đã giúp tác giả tiếp tục bám víu lấy Ngài. Tác giả vẫn cứ bám lấy Chúa và tin cậy nơi Ngài vì vẫn còn "thấy ơn Ngài trên đất kẻ sống." Trong tâm trạng hoang mang, nghi ngờ vì không hiểu được ý Chúa giữa nghịch cảnh, tác giả đã cầu xin Chúa dạy "con đường của Ngài" (c. #11). Đây là thái độ khôn ngoan, vì cuối cùng không có giải pháp hay con đường nào khác hơn là "Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va!" Lạy Chúa, giữa những nghịch cảnh của cuộc đời, xin dạy con con đường của Ngài để con không hoang mang, sợ hãi, ngã lòng. A-men.

(c) 2024 svtk.net