Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Vinh Quang Trên Đỉnh Núi

Ma-thi-ơ 17:1-9

"Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó" (Ma-thi-ơ 17:5 b). Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu hóa hình nhằm mục đích gì? Những chân lý nào được bày tỏ qua những chi tiết trong biến cố này? Sự hóa hình của Chúa giúp chúng ta biết gì về Chúa Giê-xu, về Đức Chúa Trời, về con người chúng ta? Các lời tường thuật về câu chuyện Chúa Giê-xu chịu báp-têm và sự hóa hình trên núi có những điểm giống nhau: Trong cả hai câu chuyện Chúa Giê-xu đều đóng vai trò thụ động; trong cả hai, Đức Chúa Trời đều tuyên bố "này là Con Yêu Dấu của ta" nhằm xác nhận Chúa Giê-xu là ai. Cả hai biến cố đều mang ý nghĩa khải tỏ. Một điểm khác cần lưu ý là sau cả hai kinh nghiệm báp têm và hóa hình với sự xác nhận của tiếng nói từ trời, Chúa Giê-xu đã bày tỏ thái độ vâng phục trọn vẹn ý chỉ của Đức Chúa Trời. Từ ngữ "hóa hình" hay "biến hóa" trong nguyên văn được dùng trong Rô-ma 12:2; II Cô-rinh-tô 3:18 nói đến sự biến đổi bên trong, nhưng tại đây từ ngữ này nói đến sự biến đổi có thể nhìn thấy được. Vinh quang của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Đức Chúa Trời mà "một ngày kia mọi mắt sẽ trông thấy" (Khải-huyền 1:7) bây giờ được bày tỏ cho ba môn đồ thân tín để họ nhìn tận mắt. Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, đó là điều mà thịt và huyết không thể nhận biết được. Tuy nhiên, điều này đã được bày tỏ cho Phi-e-rơ tại Sê-sa-rê Phi-líp, và bây giờ một lần nữa được xác nhận qua tiếng phán từ trời và vinh quang bao phủ gương mặt và hình dáng của Chúa Giê-xu người Na-xa-rét. Ánh sáng rực rỡ luôn luôn là biểu tượng về sự hiện diện vinh quang và oai nghi của Đức Chúa Trời (Khải 3:4; 7:9; Cô-lô-se 1:12; Hê-bơ-rơ 1:1-3). Sự hiện diện của Môi-se và Ê-li xác nhận sự làm chứng của luật pháp và lời tiên tri về Chúa Giê-xu. Tiếng phán từ trời (câu #5,6) là lời xác nhận và tuyên bố Chúa Giê-xu là ai. Tại đây nhấn mạnh rằng chính Chúa Giê-xu đáng được vâng lời chứ không phải Môi-se hay Ê-li. Ngài đến để làm trọn luật pháp, lời tiên tri và mạc khải trọn vẹn về Đức Chúa Trời. Câu chuyện Chúa hóa hình giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về Chúa Giê-xu. Biến cố hóa hình cho thấy Chúa Giê-xu vẫn là một mầu nhiệm và uy quyền. Ngài không phải ngang hàng với Môi-se, với Ê-li, dầu họ là những vĩ nhân, để cùng ở trong những lều trại với họ. Công tác Ngài làm dù Môi-se, Ê-li hay bất cứ vị thánh nào thế giới tôn thờ, chúc tụng cũng không thể so sánh được. Trong Chúa Giê-xu chúng ta thấy vinh quang của Đức Chúa Trời. Hóa hình giúp chúng ta biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua đời sống và công tác của Chúa Giê-xu. Bản tính yêu thương, thánh khiết, và ân sủng của Đức Chúa Trời thể hiện qua Chúa Giê-xu là Đấng đến giải bày Cha cho chúng ta" (Giăng 1:18). Qua Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đang làm công tác đem thế gian giải hòa với Ngài. Hóa hình cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới. Đó là thế giới đã hụt mất vinh quang của Đức Chúa Trời nhưng cũng là thế giới được Chúa đụng tới. Qua Chúa Giê-xu chúng ta thấy mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và tạo vật của Ngài. Qua sự hóa hình, Chúa cho biết rằng con người có thể nhìn ngắm vinh quang Đức Chúa Trời và cũng qua đó, Chúa cho biết vinh quang mà con người đã đánh mất sẽ được phục hồi. Cảm tạ Chúa vì câu chuyện hóa hình giúp con biết về Chúa nhiều hơn và tin chắc một ngày kia con sẽ được ngắm vinh quang Ngài tận mắt. Xin giúp con luôn vâng lời Chúa và sống đẹp lòng Ngài.

(c) 2024 svtk.net