Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Bài Học Quá Khứ

Thi-thiên 95

"Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng.."(c. #7, 8). Câu hỏi suy ngẫm: Trong các câu #1,2, 6, sự tôn thờ ca ngợi Chúa được biểu tỏ qua những hành động nào và có ý nghĩa ra sao? Với những lý do nào chúng ta ca ngợi Chúa? Tác giả nêu lên lời khuyến cáo nào (#8-11)? Lời khuyến cáo này quan trọng thế nào đối với con dân Chúa ngày nay? Thi Thiên này là lời kêu gọi con dân Chúa tôn thờ Ngài, đồng thời khuyến cáo họ đừng vô tín, cứng lòng khi nghe tiếng Chúa như họ đã từng vô tín, cứng lòng trong quá khứ. Trong lời kêu gọi tôn thờ Chúa (câu #1-2) có bốn hành động nhằm bày tỏ tấm lòng người đến tôn thờ: hát xướng, cất tiếng, lấy lời cảm tạ, hát thơ ca. Đây là những hành động biểu lộ niềm vui và lòng biết ơn phát xuất từ tấm lòng. "Hòn đá" (câu #2) là hình ảnh được dùng để chỉ về Chúa là đối tượng của sự ca ngợi, nói lên bản tính vững chãi và đáng nương tựa của Đấng ta tôn thờ. "Hòn đá cứu rỗi" là hình ảnh rất quen thuộc trong Cựu Ước (Thi-thiên 18:2, 31, 46; 19:14; Ê-sai 44:8). Lý do cảm tạ là vì thế giới là tạo vật của Chúa và Ngài cai trị cả thế giới (c. #3, 5). Tác giả trình bày về Đức Chúa Trời trong bối cảnh tôn giáo đa thần, vì thế tác giả nhấn mạnh Ngài là Thần, nhưng cao cả trên hết các thần (c. #3), Đấng tạo ra muôn vật và mọi tạo vật đều thuộc về Ngài (c. #5). Lời kêu gọi thờ phượng được lặp lại trong câu #6. Trong lời kêu gọi này tác giả dùng ba từ ngữ đồng nghĩa "cúi", "lạy," "quỳ" để diễn tả thái độ khiêm cung của người thờ phượng trước Đấng Tạo Hóa tối cao. Khi thờ phượng Chúa, thái độ hạ mình, tôn kính phải đi đôi với lòng vui mừng cảm tạ (câu #1, 2). Tuy nhiên không những Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa siêu việt đáng kính sợ (Đấng dựng nên chúng tôi, câu #6 b) nhưng cũng là Đấng chăn chiên luôn gần gũi, thương yêu, dìu dắt và chăm sóc con dân Chúa là bầy chiên của Ngài. Lời truyền phán của Chúa (câu #8-11) là lời khuyến cáo con dân Chúa đừng cứng lòng, đừng bất tuân khi nghe tiếng Chúa như đã từng làm trong quá khứ. Mê-ri-ba và Ma-sa (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1-7) như là nơi ghi dấu lòng vô tín của dân Y-sơ-ra-ên khi họ đặt nghi vấn "Có Chúa giữa chúng ta chăng?"dầu họ đã từng sống bằng phép lạ của Chúa suốt hành trình trong sa mạc. Thật ra tại Mê-ri-ba ha Ma-sa không phải là lần duy nhất họ "cứng lòng" nhưng trong sa mạc họ đã "mười lần" phản loạn và thử Chúa (Dân-số Ký 14:22, xem thêm Thi-thiên 106:7; Xuất Ê-díp-tô Ký 16:13; 16:20,32; Dân-số Ký 13:26; 11:31-32; Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:22). Chúng ta được kêu gọi tôn thờ và ca tụng Đức Chúa Trời Hằng Sống với cả niềm vui và lòng kính sợ vì Ngài là Đấng cao cả, Đấng tạo dựng chúng ta, Đấng dẫn dắt, thương yêu chăm sóc chúng ta như người chăn đối với con chiên. Ngài là "hòn đá cứu rỗi" nơi ta ẩn núp giữa những bão tố của cuộc đời. Tiếng Chúa luôn luôn là tiếng yêu thương dẫn ta vào sự yên nghỉ. Sự yên nghỉ dành cho những ai lắng lòng nghe tiếng Chúa và làm theo ý muốn của Ngài. Sự vô tín lầm lạc của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa vẫn là bài học cho ta là những người muốn tìm thấy sự yên nghỉ cho cuộc sống. Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy và làm theo để tìm được sự yên nghỉ.

(c) 2024 svtk.net