Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Vị Vua Trên Lưng Lừa

Ma-thi-ơ 21:1-11

"Đáng ngợi khen cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao" (câu #9). Câu hỏi suy ngẫm: Sự tung hô của dân chúng khi Chúa Giê-xu vào thành mang ý nghĩa gì và nói lên khát vọng nào của họ? Tại sao cả thành đều "xôn xao" (câu #10)? Điều này dẫn đến hậu quả nào? Bằng cách nào bạn tung hô Chúa là Vua trên đời sống bạn? Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá (Palm Sunday), một cơ hội để nhắc lại câu chuyện Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem mà cả bốn sách Phúc Âm đều tường thuật. Việc Chúa từ Giê-ri-cô lên thủ đô Giê-ru-sa-lem như làm sống lại hi vọng của những kẻ theo Ngài, dù Ngài nói trước rằng Ngài đến đó để chịu khổ nạn. Họ không biết Chúa vào thành không phải để làm vua nhưng để chết. Ngài vào đó "khiêm nhường cỡi trên lưng lừa" (câu #5) không phải làm cách mạng lật đổ chính quyền nhưng lật đổ "bàn của người đổi bạc, ghế kẻ bán bò câu" (câu #12) để thánh hóa đền thờ và đem con dân Chúa trở về với sự thờ phượng thật. Các môn đồ và đoàn dân lại trông đợi một điều khác hẳn. Họ trải áo trên lừa, trên đường và tung hô Ngài bằng những nhành cây (c. #7, 8). Đoàn dân đông đảo đi trước và đi sau Ngài, tiền hô hậu ủng (c. #9), đều tung hô Sứ giả của Thượng Đế: "Hô-sa-na, con vua Đa-vít." Trong tiếng A-ram, "Hô-sa-na" có nghĩa là "xin hãy cứu chúng tôi bây giờ." "Con Vua Đa-vít" là thành ngữ không những chỉ về một người thuộc dòng họ Đa-vít nhưng còn có nghĩa là một người có đặc điểm giống như Đa-vít. Lời tung hô của dân chúng cho thấy niềm trông đợi một Đấng Mết-si-a đến giải cứu họ đã lên cao điểm và Chúa Giê-xu chính là Đấng họ trông chờ. Nhưng khi Chúa tiến vào thành thì sự việc đã xoay chiều. Cả thành "xôn xao náo động" và người ta hỏi "Người này là ai?" Câu trả lời không phải là "Con vua Đa-vít" như người ta trông đợi nhưng là "tiên tri Giê-xu, người Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê" (c. #11). Rõ ràng sự hiện diện của Chúa đã làm cho cả thành Giê-ru-sa-lem náo động. Ma-thi-ơ trước đó cũng đã tường thuật rằng khi Chúa giáng sinh các nhà thông thái đông phương đến tìm Chúa thì cả thành Giê-ru-sa-lem cũng náo động (#2:3). Chính sự náo động này đã dẫn tới âm mưu diệt trừ Chúa Giê-xu khi Ngài còn là một em bé. Và bây giờ, sự hiện diện của Chúa cũng gây náo động tại Giê-ru-sa-lem, và cũng dẫn tới một âm mưu tiêu diệt Chúa lần nữa, cho dù Chúa đến "khiêm nhường cỡi trên lưng lừa" (c. #5). Chúa không cỡi ngựa vào Giê-ru-sa-lem như một chiến sĩ cách mạng, Ngài cỡi lừa như một sứ giả hòa bình. Ngài đến với hình ảnh một "đầy tớ đau khổ" được mô tả trong Ê-sai với lòng "nhu mì khiêm nhường"(Ma-thi-ơ 11:29), "chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình" (Ê-sai 42:1-4). Chúng ta đã biết việc gì đã xảy ra cho Ngài sau khi vào trong thành. Thành phố với những trung tâm quyền lực, với những cơ chế, những giá trị chống lại những điều mà chính Chúa dạy và làm gương. Chúa được xức dầu, không phải để chống lại đế quốc La Mã nhưng để rao giảng tin mừng nhằm biến đổi cuộc đời mỗi cá nhân, đem họ trở về tương quan đúng đắn với Đức Chúa Trời. Mục đích này chỉ đạt được bằng sự trả giá của Ngài trên thập tự. Với chúng ta, Chúa Nhật lễ lá thật sự là Chúa Nhật khổ nạn, vì Ngài vào thành để chịu chết cho ta. Vì thế, đây là dịp để tung hô Ngài và tái xác nhận rằng Ngài chính là Vua trong đời sống chúng ta. Con tạ ơn Chúa vì Ngài làm Vua trên đời sống con. Xin Chúa giúp con biết thuận phục ý muốn Ngài và tung hô Ngài bằng cả đời sống.

(c) 2024 svtk.net