Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Sống Đạo Giữa Đời

I Phi-e-rơ 2:11-17

"Hãy sống như người tự do để luôn luôn làm theo ý muốn Thượng Đế" (câu #16 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Phi-e-rơ đưa ra nguyên tắc nào để làm nền tảng cho những lời khuyên của ông? Theo Phi-e-rơ, lý do nào các tín hữu phải vâng phục các luật lệ của chính quyền? Sự vâng phục này có giới hạn nào không? Bạn áp dụng lời khuyên của Phi-e-rơ thế nào trong hoàn cảnh bạn đang sống? Phân đoạn Kinh Thánh này, Phi-e-rơ đưa ra một nguyên tắc sống mà con cái Chúa, đặc biệt trong một xã hội mà đạo Chúa đang bị chống đối, cần phải noi theo. Nguyên tắc đó là "Vì cớ Chúa." Với nguyên tắc này, đức tin và đạo đức đan kết và hài hòa nhau, làm nền tảng cho thái độ sống đạo giữa đời của người tin Chúa. Những lời khuyên của Phi-e-rơ trong phân đoạn này đều đặt nền tảng trên nguyên tắc. Tuy là "người ở trọ, kẻ đi đường" (câu #11) đang hướng về quê hương trên trời nhưng người theo Chúa không thể phủ nhận hay quay lưng với cuộc đời tại thế. Cơ Đốc nhân được kêu gọi thực hiện sứ mạng "bắc cầu" giữa đạo và đời. Vì thế "phải thận trọng đối với tín hữu chưa được cứu để dù có lên án anh em, cuối cùng khi Chúa Giê-xu trở lại họ cũng ca ngợi Thượng Đế vì nếp sống ngay lành của anh em" (câu #12 TKHĐ). Mặt khác, tuy là "người ở trọ" nhưng Cơ Đốc nhân không thể sống như một người không có xứ sở. Không ai có thể sống bên ngoài cộng đồng xã hội. Vì thế, trên bất cứ một đất nước nào chúng ta sinh sống, chúng ta phải nhìn nhận và tuân hành luật lệ của chính quyền nơi đó, vì họ được Chúa "ủy nhiệm để trừng phạt kẻ làm ác và tôn trọng người làm lành" (câu #14 TKHĐ). Trong thời các sứ đồ, các tín hữu bị vu cáo là vô luân và giết người, vì họ bị hiểu lầm là đã yêu nhau, ăn thịt người và uống huyết người trong tiệc thánh. Họ cũng bị tố cáo là không trung thành với hoàng đế La Mã. Bức thư này nhằm khuyên giục các tín hữu hãy sống như một công dân thành thật, công chính như là cách "bịt miệng" những người vu cáo và lên án Phúc Âm (câu #15 TKHĐ). Mặt khác, trong hoàn cảnh bấy giờ, vâng phục luật lệ La Mã cũng là cách xử sự khôn ngoan, vì nếu có những phản ứng bạo động không cần thiết sẽ đem lại nguy hại cho cá nhân và Hội Thánh. Cơ Đốc nhân được tự do trong Chúa, ngay cả trong hoàn cảnh tệ hại nhất, nhưng không phải tự do làm điều quấy (câu #16). Tuy nhiên khi đụng chạm đến vấn đề đức tin, người tín hữu phải sẵn sàng trả giá. Trong thời Phi-e-rơ, nhiều người bị tử đạo vì không thờ hoàng đế như một vị thần. Phi-e-rơ nhắc nhở người tín hữu phải sống như người tự do để làm nô lệ của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, sự tự do của người Cơ Đốc là "tự do để làm theo ý muốn Chúa." Trên hết, tình yêu bao giờ cũng là dấu hiệu cao nhất của một công dân gương mẫu, dầu công dân dưới đất hay công dân trên trời. Xin Chúa giúp con sống một nếp sống công chính giữa một xã hội thiếu công chính vì cớ danh Ngài.

(c) 2024 svtk.net