Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Thẩm Quyền Tuyệt Đối

Rô-ma 9:14-18

"Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót." (c. #15) Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô giải thích thế nào về thẩm quyền lựa chọn của Chúa? Sự lựa chọn của Chúa có tùy thuộc một điều gì nơi chúng ta không? Chúa lựa chọn bạn theo sự công bình hay lòng thương xót của Ngài? Bạn có điều gì cần cảm tạ Chúa? Khi nhắc lại chuyện Chúa chọn Gia-cốp chứ không chọn Ê-sau ngay từ khi hai người còn trong lòng mẹ, Phao-lô biết sẽ có người cho là Chúa không công bình. Vì thế, ông đã trích lại lời Chúa nói với Môi-se: "Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót," để những người ấy thấy rằng ơn thương xót Chúa dành cho con người đặt căn bản trên quyền tuyệt đối của Ngài. Chúa muốn thi ân cho ai, đó là quyền của Ngài. Thánh Kinh Hiện Đại dịch câu #16 như sau: "Việc lựa chọn của Thượng Đế không tùy thuộc ý muốn hay sức cố gắng của con người, nhưng do lòng nhân từ Ngài." Chúng ta không thể than phiền hay đòi hỏi Chúa vì nếu Chúa lấy công bình đối xử với con người thì mọi người đều bị diệt vong, vì mọi người đều có tội và đáng bị hình phạt. Do đó, chúng ta chỉ có thể trông mong vào lòng nhân từ của Chúa, Chúa thương chúng ta, đó là điều chúng ta đáng tạ ơn Ngài chứ không thể bảo rằng Chúa không công bình đối với người này, người kia. Ta còn được sống hôm nay và được làm con của Chúa là nhờ ơn thương xót của Ngài. Một ví dụ khác Phao-lô nêu lên trong phân đoạn này là về một vị Pha-ra-ôn, tức là vua Ai Cập. Chúa làm cho vị vua này cứng lòng, không cho người Do Thái ra khỏi Ai Cập, nhưng Chúa lại phạt ông về thái độ cứng cỏi đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:21). Chúa làm Pha-ra-ôn cứng lòng để bày tỏ quyền năng của Ngài. Vì Pha-ra-ôn cứng lòng nên Chúa đã giáng những tai họa khủng khiếp trên đất Ai Cập và nhờ đó, các dân tộc chung quanh biết Ngài là Đấng quyền năng. Lý luận này có vẻ khó chấp nhận, tuy nhiên một lần nữa cho ta thấy rằng Chúa có quyền tuyệt đối trên mọi việc và mọi người. "Ngài muốn thương xót ai thì thương xót và muốn làm cứng lòng ai thì làm" (c. #18). Đây cũng là một vấn đề khó hiểu mà Phao-lô sẽ giải thích trong phân đoạn tiếp theo. Những câu Kinh Thánh hôm nay cho thấy tình thương của Chúa thật bao la. Không ai phản đối khi Chúa yêu thương những người không xứng đáng, nhưng khi Chúa thi hành đúng công lý, người ta lại phản đối, bảo Chúa bất công. Thật ra, Đức Chúa Trời chúng ta tôn thờ là Đấng Tối Thượng, là Thượng Đế công bình và yêu thương, Ngài quyết định mọi sự theo ý của Ngài. Là tạo vật của Chúa, con người không có quyền phản đối. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa không bao giờ sai lầm và những điều Chúa làm bao giờ cũng mang lại lợi ích cho những người yêu mến Ngài. Cám ơn Chúa vì lòng thương xót Chúa dành cho con, nếu không, con phải bị hư vong đời đời. Xin cho con có tấm lòng biết ơn hơn là thắc mắc về những điều Chúa làm; vì trước mặt Chúa, con chỉ là một tạo vật nhỏ bé, tội lỗi chẳng xứng đáng gì.

(c) 2024 svtk.net