Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Đất Sét và Thợ Gốm

Rô-ma 9:19-29

"Hỡi người, ngươi là ai mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy?" (c. #20) Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao con người không thể phản đối về sự lựa chọn của Chúa? Nếu một người không được Chúa lựa chọn thì việc họ chịu hình phạt có phải là việc bất công? Bạn suy nghĩ gì về thân phận chúng ta nếu Đức Chúa Trời công bình mà không thương xót? Những vấn đề Phao-lô trình bày trong chương 9 làm cho người đọc thắc mắc và phải đặt câu hỏi. Ông nói về việc Chúa chọn Gia-cốp, bỏ Ê-sau, ngay từ khi hai người chưa sinh ra, và ông biết có người sẽ cho rằng như vậy là Chúa bất công. Do đó, Phao-lô đã giải thích thêm rằng việc Chúa chọn là tùy lòng thương của Chúa chứ không phải do con người cố gắng mà được. Nếu Chúa làm cho ai cố chấp, cứng cỏi, đó cũng là quyền của Ngài. Trước lời giải thích đó, biết người đọc sẽ phản đối và nói rằng: "Đã thế, sao Thượng Đế còn khiển trách, vì ai chống cự được ý Ngài? (c. #19, TKHĐ). Lời phản đối này thật hợp lý, tuy nhiên, Phao-lô đã trả lời bằng cách cho người đọc thấy rằng đối với Chúa, là Đấng Tạo Hóa, con người chẳng khác gì những chiếc bình bằng đất không thể phàn nàn sao người thợ gốm làm nên nó như thế này chứ không như thế kia. Cũng thế, chúng ta không thể chất vấn Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta. Từ cùng một khối đất sét, người thợ gốm có thể làm nên một cái lọ cắm hoa ("dùng việc sang trọng") hoặc một cái ống nhổ ("dùng việc hèn hạ"). Tương tự như thế, Chúa có thể làm nên những chiếc bình "đáng giận sẵn cho sự hư mất" (c. #22) hoặc những chiếc bình "đáng thương xót định sẵn cho sự vinh hiển" (c. #23). Hai câu này không có ý nói rằng người nào đã bị Chúa định cho hư mất thì phải hư mất vì Phao-lô nói: "Đức Chúa Trời đã lấy lòng khoan nhân lớn CHỊU những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất." ("Chịu" nghĩa là chịu đựng, chờ đợi). Thánh Kinh Hiện Đại dịch câu #22: "Lẽ nào Thượng Đế chẳng có quyền biểu lộ cơn phẫn nộ, chứng tỏ uy quyền của Ngài đối với những kẻ tội lỗi đáng hủy diệt, mà Ngài đã kiên tâm chịu đựng sao?" Câu này cho thấy Chúa chỉ hình phạt sau khi Ngài đã kiên nhẫn chịu đựng và chờ đợi con người ăn năn, chứ không phải Chúa bắt con người theo ý Ngài định và không cho một lối thoát nào cả. Vấn đề Phao-lô đang cố gắng tìm câu trả lời là: Tại sao người Do Thái không tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế? Ông thấy điều này nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời, Chúa có quyền định đoạt trong việc ban ơn thương xót. Vì thế, những người vốn không phải là người Do Thái đã được Chúa yêu thương, chọn lựa và kể là con của Ngài (c. #25,26). Trong khi đó, chỉ có một số người Do Thái được cứu. Điều đó cho ta thấy lòng nhân từ của Chúa đối với các dân tộc khác và án phạt dành cho người Do Thái là dân tộc riêng của Chúa nhưng đã khước từ Ngài. Những điều Phao-lô trình bày trong chương 9 cho ta thấy bất cứ việc gì Chúa làm cũng đều công bình. Chúa muốn gia ân hay giáng họa, đó là quyền của Ngài. Chúa là Đấng có quyền tuyệt đối, ta phải im lặng trước quyết định của Ngài, tuy nhiên Chúa cũng là Đấng nhân từ, nhẫn nhục chịu đựng con người tội lỗi và sẵn sàng ban ơn lành cho mọi người. Cám ơn Chúa chỉ giận trong một lúc nhưng "ơn của Chúa có trọn một đời." Xin giúp con ý thức được quyền uy và tình thương của Chúa để con sống xứng đáng với sự lựa chọn đặc biệt Chúa dành cho con.

(c) 2024 svtk.net