Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Đức Chúa Trời Công Bình

Thi-thiên 4

"Hỡi Đức Chúa Trời của sự công bình tôi, khi tôi kêu cầu, xin hãy đáp lời tôi." (c. #1) Câu hỏi suy ngẫm: Thi Thiên này cho thấy tâm trạng nào của tác giả? Câu #1 cho thấy gì về lòng tin cậy của ông nơi Chúa? Đối với bạn, Chúa là ai? Bằng cách nào bạn thiết lập mối tương giao với Ngài? Câu cuối cùng của Thi Thiên nầy cho biết đây là một bài cầu nguyện buổi tối. Tuy nhiên, không phải cả bài thơ đều là lời cầu nguyện, vì có nhiều đoạn nhằm quở trách và khuyên bảo. Chúng ta có thể chia bài thơ thành ba phần: - Lời cầu nguyện (c. #1) - Lời quở trách và khuyên bảo (c. #2-5) - Lời cầu nguyện (c. #6-8). Thi Thiên 4 được sáng tác trong thời gian vua Đa-vít bị con là Áp-sa-lôm làm phản, (Áp-sa-lôm tự xưng vương rồi kéo quân đi đánh Đa-vít). Mở đầu bài cầu nguyện, Đa-vít nói: "Hỡi Đức Chúa Trời của sự công bình tôi, khi tôi kêu cầu, xin hãy đáp lời tôi" (c. #1). Đa-vít đến với Chúa, xin Ngài giải cứu khỏi bàn tay kẻ thù vì Chúa là Đấng công bình, còn ông là người vô tội, chắc chắn Ngài nhậm lời cầu xin của ông. Thi Thiên 3 là lời cầu nguyện buổi sáng, thì Thi Thiên nầy là cầu nguyện buổi tối. Điều nầy cho thấy sáng cũng như tối, lúc nào Chúa cũng là nguồn sức lực của Đa-vít, là nơi nương tựa trong lúc gặp khó khăn. Hơn nữa, khi cầu nguyện, Đa-vít không xem Chúa như là một vị thần xa lạ: trái lại, ông đến cùng Chúa với lòng tin mãnh liệt, Ngài là Chúa công bình, đã giải cứu ông nhiều lần; ông biết Ngài không bao giờ thay đổi, nên chắc chắn Ngài sẽ giải cứu ông. Bạn có thể nói Chúa là Đấng công bình và là Chúa của riêng Bạn không? Nếu muốn lời cầu xin được Chúa nhậm và được Chúa bênh vực trong mọi hoàn cảnh, trước khi cầu xin Chúa cứu giúp, hãy thiết lập mối liên hệ mật thiết với Chúa và phó thác cả cuộc đời Bạn cho Ngài. Xin Chúa giúp con biết tương giao thường xuyên với Chúa để có được tâm hồn bình an và được Ngài soi sáng để bước đi trong từng hoàn cảnh.

Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện Thi-thiên 4:2-4 "Khi ta kêu cầu Đức Giê-hô-va, ắt Ngài sẽ nghe lời ta." (c. #3) Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả quở trách và cảnh cáo những người thù nghịch như thế nào? Tại sao ông có thể quở trách và cảnh cáo họ như thế? Tại sao tác giả tin rằng Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của ông? Khi nào thì lời cầu xin của chúng ta được nhậm? Trong khi cầu nguyện, vua Đa-vít hình dung những người theo Áp-sa-lôm đang đứng trước mặt, nên ông vừa hỏi, vừa quở trách họ. Ông nói: "Sự vinh hiển ta sẽ bị sỉ nhục cho đến chừng nào? Các ngươi sẽ ưa mến điều hư không và tìm sự dối trá cho đến bao giờ?" (c. #2). Ý Đa-vít muốn nói là: Danh dự của tôi sẽ bị bôi nhọ đến bao lâu nữa? Còn các người, các người sẽ yêu mến vinh hoa hão huyền và chạy theo điều gian dối cho đến bao giờ? (c. #2). Vua Đa-vít kêu gọi những người phản loạn hãy nghĩ lại vì họ đang bôi nhọ danh dự ông, họ đang chạy theo vinh hoa hão huyền và lời hứa hẹn gian dối mà không biết. Trong câu #3, 4, Đa-vít cảnh cáo những người phản loạn rằng người ngay thẳng và công chính như ông, là người của Chúa, khi ông kêu cầu Chúa sẽ giúp, vì thế họ nên nghĩ lại việc họ đang làm. Nếu Bạn là người công chính, ngay thẳng nhưng bị người khác hiểu lầm hoặc danh dự đang bị bôi nhọ, Thi-thiên 4:3 là lời an ủi cho Bạn vì lời nầy bảo đảm Bạn là người của Chúa, trong hoạn nạn Bạn cầu xin Ngài sẽ giúp. Xin Chúa giúp con sống cuộc đời công chính để tin cậy vào Chúa là Đấng minh oan khi con bị vu oan, hiểu lầm hay chống đối.

(c) 2024 svtk.net