Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Đòi Hỏi Của Đức Tin

Sáng-thế Ký 22:1-14

"Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng con là Y-sác làm sinh tế khi được Thượng Đế thử nghiệm... Áp-ra-ham nhìn nhận Thượng Đế có quyền khiến người chết sống lại, nên ông đã được lại đứa con, như người sống lại từ cõi chết" (Hê-bơ-rơ 11:17,19 TKHĐ) Câu hỏi suy ngẫm: Tâm trạng Áp-ra-ham thế nào khi nghe lệnh truyền của Chúa? Ông đáp ứng mệnh lệnh Chúa như thế nào? Những hành động nào bày tỏ đức tin của ông? Bạn học được những đặc điểm nào về đức tin của Áp-ra-ham? Việc Y-sác ra đời trong lúc Áp-ra-ham và Sa-ra trăm tuổi là một phép lạ. Quả thật, "có việc chi Đức Chúa Trời không làm được"? (Sáng-thế Ký 18:14). Trong nỗi vui mừng tràn ngập, Sa-ra reo lên như muốn cho cả thế giới biết rằng "Chúa đem lại cho tôi tiếng cười, ai dám nói rằng có ngày tôi sẽ có con?" (Sáng-thế Ký 21:6,7). Qua từng năm tháng, Y-sác đem niềm vui cho cặp vợ chồng già. Nhưng hạnh phúc của họ bị khuấy động khi Y-sác đến tuổi thiếu niên. Những câu đầu của chương 22, Chúa như muốn lấy đi niềm hạnh phúc mà chính Ngài đã ban cho: "Hãy bắt Y-sác, đứa con một mà con yêu quí, đem đến vùng Mô-ri-a và dâng nó làm của lễ thiêu trên một ngọn núi ta sẽ chỉ cho con" (câu #2). Chắc chắn Áp-ra-ham bàng hoàng, sửng sốt trước mệnh lệnh mà ông không thể nào hiểu nổi. Đức Giê-hô-va thánh khiết lại đòi hỏi một điều như thế chăng? Chúa muốn ông dâng Y-sác làm của lễ thiêu giống dân ngoại dâng con cái họ cho các thần linh? Tại sao lại dâng Y-sác, niềm hy vọng duy nhất để lưu truyền nòi giống và hoàn thành lời hứa về một dân tộc đông như sao trời cát biển? Con yêu dấu của ông phải chết chăng? Sa-ra sẽ như thế nào? Bà có thể sống khi không còn Y-sác? Đây có phải thật sự là tiếng Chúa?... Bao câu hỏi làm ông bối rối. Nhưng đây thật sự là tiếng Chúa và là thách thức lớn cho đức tin Áp-ra-ham. Ông đầu phục Chúa trọn vẹn và vâng lời như đã từng vâng lời mỗi khi Chúa phán. Đức tin vượt trên lý trí lẫn tình cảm. Chúng ta học được từ đức tin của Áp-ra-ham: Người có đức tin sẵn sàng đáp ứng (câu #1). Khi nghe Chúa gọi, Áp-ra-ham trả lời: "Có tôi đây!" (câu #1). Đây là dấu hiệu của một người sẵn sàng muốn được Chúa dùng. Chúng ta có thể thấy tấm lòng sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng tiếng Chúa nơi Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:4), Giô-suê (Giô-suê 1:16), Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 3:10), Đa-vít (I Sa-mu-ên 17), Ê-sai (Ê-sai 6:8) cũng như chính Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:42). Xin Chúa cho chúng ta sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng "Có tôi đây!" Người có đức tin sẵn sàng hy sinh (câu #2-5). Chúa cho Áp -ra-ham biết việc phải làm là dâng Y-sác làm của lễ thiêu. Điều này có nghĩa là chính ông phải giết con mình. Đối với Áp-ra-ham, Y-sác là cái quí nhất trên đời mà bây giờ Ngài muốn ông từ bỏ. Chắc chắn có một sự tranh chiến trong lòng Áp-ra-ham nhưng cuối cùng ý muốn làm theo ý Chúa đã thắng. Xin Chúa cho chúng ta bằng lòng hy sinh, từ bỏ, và trả giá cho đức tin theo những gì Ngài muốn. Người có đức tin sẵn sàng dâng hiến (câu #9). Áp-ra-ham lập bàn thờ, trói Y-sác đặt trên bàn thờ, chất củi, sẵn sàng giết con dâng lên cho Chúa. Những dằng co nội tâm phải chấm dứt để nhường chỗ cho sự đầu phục Chúa hoàn toàn. Tất cả phải qui hướng về Chúa và tôn thờ Ngài. Hành động dâng hiến Y-sác phát xuất từ sự dâng hiến chính mình của Áp-ra-ham. Chúa muốn bạn dâng gì cho Chúa? Tiền bạc, thì giờ, tài năng? Những gì bạn yêu quí nhất? Câu chuyện không kết thúc bằng cái chết của Y-sác. Cũng vậy, Chúa muốn thử lòng tin và đầu phục của bạn, nhưng Ngài cũng là Đức Giê-hô-va Di-rê! Ngài luôn luôn sắm sẵn. Lạy Chúa, xin giúp con noi gương Áp-ra-ham để sẵn sàng nghe tiếng Chúa và thuận phục ý muốn Ngài.

(c) 2024 svtk.net