Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Đức Tin Của Dân Ngoại

Ma-thi-ơ 15:21-28

"Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc" (Rô-ma 1:16). Câu hỏi suy ngẫm: Người phụ nữ Ca-na-an nhận biết gì về Chúa? Về chính mình? Chúa có thái độ nào trước lời kêu xin của chị? Tại sao? Đức tin của chị được thể hiện như thế nào? Bạn học được điều gì qua đức tin của người phụ nữ Ca-na-an này? Ma-thi-ơ 15:21-28 và Mác 7:24:30 tường thuật cùng một câu chuyện, tuy nhiên có những khác biệt trong hai bản tường thuật, có lẽ vì các tác giả đã dựa vào hai nguồn tài liệu riêng biệt về cùng một cuộc viếng thăm vùng Ti-rơ và Si-đôn của Chúa. Ma-thi-ơ giới hạn chức vụ của Chúa trong dân Y-sơ-ra-ên, chỉ có ba lần Ma-thi-ơ đề cập đến chức vụ của Chúa cho dân ngoại, một ở đây, hai lần khác là tại Ca-bê-na-um và Ga-đa-ra (#8:5-13; 28:34). Điểm quan trọng ở đây là Chúa Giê-xu đã vượt khỏi biên giới quốc gia, chủng tộc để đến với dân ngoại và đem sự chữa lành cho họ. Tại địa phận Ti-rơ và Si-dôn, Chúa gặp người phụ nữ Ca-na-an. Người phụ nữ không được nêu tên nhưng được gọi là "người phụ nữ Ca-na-an" để đối chiếu với "người Y-sơ-ra-ên" trong câu #24. Đây là cách mô tả linh động để nhấn mạnh chị ta là dân ngoại, không phải Do Thái. Đối với người Do Thái, thành ngữ "con Vua Đa-vít" chỉ về Đấng Mết-si-a. Vì thế, khi người phụ nữ Ca-na-an gọi Chúa "Lạy Chúa, Con Vua Đa-vít" (câu #22), chị không chỉ nhận biết Chúa là người Y-sơ-ra-ên thuộc dòng họ Đa-vít nhưng còn hàm ý xưng Ngài là Đấng Mết-si-a, điều mà ngay những người đồng hương và các môn đồ thân tín của Ngài cũng chưa nhận biết (#16:13-20). Mặc dầu khó xác định thời điểm lịch sử của câu chuyện nhưng có thể đây là lần đầu tiên Chúa được xưng danh hiệu đó bởi một người ngoại bang. Ban đầu khi người phụ nữ "xin thương xót tôi cùng" Chúa đáp lại bằng một sự yên lặng (câu #23), một sự yên lặng đáng sợ. Thêm vào đó, khi các môn đồ yêu cầu đuổi chị đi để khỏi bị quấy rầy, Chúa Giê-xu mới lên tiếng, nhưng lại là tiếng nói lạnh lùng: "Ta đến vì những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên" (câu #24). Điều này hàm ý dân tộc ngoài Do Thái không được hưởng chút ân phước nào của Chúa. Khi người phụ nữ quỳ xuống tiếp tục kêu nài, câu trả lời của Chúa lạnh lùng đến độ tàn nhẫn: "Thật không công bằng nếu lấy bánh cho chó ăn" (câu #26). Người phụ nữ lại nài nỉ chỉ xin những mãnh bánh vụn trên bàn rớt xuống. Đến đây, người phụ nữ Ca-na-an đã chứng tỏ đức tin của chị. Chúa ca ngợi đức tin của chị và con gái chị được Chúa chữa lành (câu #28). Có người giải thích thái độ của Chúa nhằm thử đức tin của người phụ nữ. Có người nghĩ Chúa đang có sự dằng co hay tranh chiến nội tâm về công tác truyền giáo với dân ngoại. Có người cho rằng Ngài muốn dẫn người phụ nữ đến chỗ khiêm nhường thích hợp. Dầu thế nào, điểm quan trọng trong câu chuyện là đức tin dẫn đến sự chữa lành, dầu là dân Do Thái hay dân ngoại. Chúng ta được cứu bởi đức tin. Phúc Âm của Chúa, quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, người Do Thái cũng như chúng ta là dân ngoại. Cũng như người phụ nữ Ca-na-an, đức tin chúng ta phải đi từ chỗ nhận biết nhu cầu của mình, nhận biết Đấng mình tin, nhận biết mình không xứng đáng nhận ân phước, đòi hỏi sự kiên trì, vượt qua mọi thách thức. Cảm tạ Chúa vì con là dân ngoại được cứu nhờ ân sũng của Chúa. Xin Chúa giúp con luôn giữ vững đức tin để tiếp tục sống trong ân sủng của Ngài.

(c) 2024 svtk.net