Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Con Của Ban Ngày

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-11

"Anh em là con của ánh sáng, của ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm, về bóng tối. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như kẻ khác, nhưng phải thức canh và tỉnh táo" (câu #5, 6 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô nói đến hai hạng người nào và cho thấy khác nhau ra sao? Phao-lô cho thấy bản chất "ban ngày" của một con cái Chúa thể hiện qua những đặc điểm hay dấu hiệu nào? Điều quan trọng mà Phao-lô khuyên chúng ta trong phân đoạn này là gì? Làm sao để thực hiện lời khuyên đó? Trong phần đầu bức thư, Phao-lô quả quyết với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca rằng họ đã được Đức Chúa Trời lựa chọn để trở nên con cái Ngài (#1:4). Trong mối liên hệ đó, họ trở thành con của sự sáng, con của ban ngày. Phao-lô dùng những chữ "ban đêm", "tối tăm," "ngủ," "say" để mô tả những người không nhạy bén và đáp ứng mục đích thiên thượng mà Chúa đã kêu gọi, và chắc chắn họ không thể tránh được sự phán xét trong ngày của Chúa. Phao-lô dùng những chữ "ban ngày," "sự sáng," "thức," "tỉnh táo," để mô tả đặc điểm của một con cái Chúa. Con cái Chúa phải luôn ý thức rằng nếp sống thánh khiết là mục đích mà Chúa kêu gọi hướng tới (#4:7). Với nếp sống thánh khiết, con cái Chúa giống như ngọn hải đăng soi đường cho những kẻ trong biển cả hiểm nguy để họ biết hướng đi. Sự trở lại của Chúa là chắc chắn nhưng thời điểm chỉ mình Ngài mới biết. Hy vọng chúng ta không đặt trên sự biết chắc ngày giờ nhưng đặt trên Đấng chúng ta tin cậy. Chúa sẽ trở lại thình lình, bất ngờ và bấy giờ vũ trụ sẽ rúng động tự nền móng vì đó là thời kỳ phán xét. Việc chúng ta là phải sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại. Con dân Chúa cần chuẩn bị cho cuộc hải hành hàng ngàn năm nhưng phải sẵn sàng để từ bỏ chiếc tàu trong đêm nay. Sự trông chờ và chuẩn bị Chúa trở lại cũng là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta là con của sự sáng. Tại đây Phao-lô nêu lên những đặc điểm căn bản trong nếp sống của một con cái Chúa là người đang trông chờ Chúa trở lại. Trước hết phải biết tự chế. Nếu chúng ta muốn biến đổi thế giới, chúng ta phải biết tự kiểm soát lấy mình. Tự chế bằng cách đầu phục Chúa. Đây là dấu hiệu của một đời sống thánh khiết. Thứ hai, chúng ta phải thức canh, tức phải biết đề cao cảnh giác. Kẻ thù của linh hồn chúng ta luôn muốn ru ngủ chúng ta, muốn làm chúng ta mê muội, ngủ yên, quên đi mục đích của đời sống mà Chúa đã kêu gọi. Thứ ba, cuộc sống chúng ta bao giờ cũng phải bày tỏ niềm hy vọng. Nếu chúng ta cho rằng một người hay một hoàn cảnh nào đó là hoàn toàn tuyệt vọng tức chúng ta đã đóng cánh cửa trước mặt Đức Chúa Trời. Và cuối cùng, đặc điểm của một con cái Chúa là đức tin. Chính đức tin thúc đẩy chúng ta dám bước tới cho dù không chắc điều gì phía trước. Là con cái Chúa, chúng ta là con của sự sáng. Bản chất "ban ngày" của chúng ta thể hiện qua nếp sống thánh khiết với đức tin, hy vọng, và tình yêu thương. Chúng ta phải tỉnh táo, không mê mẩn về đời này. Sự cứu rỗi đã đến với chúng ta như là món quà từ Chúa. Ngài chọn chúng ta không phải để chịu đoán phạt nhưng để được cứu rỗi (c. #9). Chính cái chết của Chúa Giê-xu là khởi điểm cho sự sống của chúng ta. Sự cứu rỗi là sửa soạn trong đời này để sống với Chúa trong cõi đời đời. Qua nếp sống thánh khiết và chan chứa đức tin, trông cậy, tình yêu thương, chúng ta phải bày tỏ sự cứu rỗi của Chúa và trở nên ngọn đuốc soi đương giữa thế gian tăm tối. Chính những đức tính này sẽ làm đời sống chúng ta sinh động thay vì thụ động, tích cực, lạc quan thay vì tiêu cực, bi quan, dấn thân thay vì trốn tránh cuộc đời. Xin Chúa cho lòng trông đợi Chúa trở lại trong con mạnh mẽ hơn để con chuẩn bị sẵn sàng hơn.

(c) 2024 svtk.net