Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Giải Quyết Những Va Chạm

Phi-líp 4:1-7

"Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn; tôi xin nhắc lại: hãy vui mừng! Hãy chứng tỏ tinh thần hòa nhã với mọi người. Chúa gần trở lại" (câu 4 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn Kinh Thánh nầy cho biết điều gì đang xảy ra ở Hội Thánh Phi-líp? Chúng ta có thể rút ra những nguyên tắc nào để giải quyết những va chạm trong Hội Thánh ngày nay? Đối với bạn, nguyên tắc nào thường bị lãng quên?

Chúng ta thường có những khó khăn khi sống trong cộng đồng đức tin với nhau. Một số tín hữu tại thành Phi-líp đang có những sự đụng chạm trong Hội Thánh và vì thế Phao-lô đưa ra những nguyên tắc giải quyết.

1. Mọi tín hữu trong Chúa cần vui hưởng tình bạn với Chúa Giê-xu (c.4). Sứ đồ Phao-lô bảo tín hữu Phi-líp hãy vui vì liên hệ của mình với Chúa để có thể tìm thấy niềm vui giữa họ với nhau "ở trong Chúa." Khi chúng ta tùy thuộc vào hoàn cảnh để vui thì những va chạm xảy ra sẽ làm chúng ta mất vui. Nếu chúng ta vui mừng vì liên hệ với Chúa là trên hết và trước hết, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong liên hệ với anh chị em chúng ta cho dù chúng ta có những va chạm.

2. Tin cậy Đức Chúa Trời bênh vực chúng ta (c.5). Sự va chạm với một anh chị em trong Chúa có thể làm chúng ta bực mình muốn làm cho ra lẽ, nhưng sứ đồ Phao-lô bảo chúng ta hãy thể hiện đức nhu mì trong những căng thẳng giữa chúng ta. Nhu mì có nghĩa là nhạy cảm và hợp lý, khác với sự phi lý trong suy nghĩ của chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhạy cảm trong liên hệ giữa chúng ta với nhau. Sứ đồ Phao-lô rất mau mắn nhắc nhở chúng ta sự tái lâm của Chúa đang đến gần. Khi Đấng Christ trở lại Ngài sẽ làm ngay lại mọi sai lệch và mang sự công bình cho những người bị đối xử bất công. Biết Đấng Christ sẽ tái lâm khiến chúng ta đáp ứng với người khác một cách nhu mì, ngay cả đối với những người đã làm những điều sai trái đối với chúng ta. Nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời có đủ sức bênh vực chúng ta thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng trước những va chạm với người khác.

3. Giao phó những sự va chạm của chúng ta bằng sự cầu nguyện (c.6). Xung đột với người khác gây nên sự lo lắng. Khi chúng ta không hòa thuận với một người bạn thì chúng ta thường trằn trọc, lo lắng. Phương pháp cứu chữa của Đức Chúa Trời cho sự va chạm của chúng ta là cầu nguyện. Chúng ta phải đáp ứng với thái độ nhu mì, hiền hòa, nhưng chúng ta cũng phải trình những nhu cầu của chúng ta cho Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện. Tìm kiếm những giải pháp cho những sự đụng chạm của chúng ta trong sự cầu nguyện khiến chúng ta có thể tìm được sự bình an ở giữa cơn giông bão. Giống như chiếc tàu ngầm được an toàn ở dưới mặt nước khi bão tố đang gầm thét bên trên, chúng ta tìm được an tâm ở giữa sự khủng hoảng trong sự bình an của Đức Chúa Trời (c.9). Sự bình an của Đức Chúa Trời ngăn cản không cho chúng ta có những xúc động không thể kềm chế. Sự bình an của Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta khỏi những tư tưởng sai lạc trong lúc khủng hoảng. Cầu nguyện là một hành động tin cậy.

Là người theo Chúa chúng ta có thể và phải sống hòa thuận với nhau. Khi Chúa Giê-xu biết mình sắp bị giết, Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Trời cho Hội Thánh hiệp một. Chúng ta kinh nghiệm sự hiệp một đó khi chúng ta trung tín làm theo những nguyên tắc của Đức Chúa Trời để giải quyết sự va chạm giữa chúng ta với nhau.

Xin Chúa giúp con làm theo Lời Chúa dạy để có thể giải quyết những va chạm với người khác và sống yêu thương, hoà thuận với mọi anh chị em trong đức tin.

(c) 2024 svtk.net