Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Chúa Nhân Từ

Thi-thiên 25:1-9

"Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy nhớ lại sự thương xót và sự nhân từ của Ngài; vì hai điều ấy hằng có từ xưa" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Đa-vít kinh nghiệm thế nào về sự nhân từ và thương xót của Chúa? Đối với Đa-vít, sự nhân từ thương xót của Chúa có đặc điểm gì và quan trọng ra sao? Bạn kinh nghiệm thế nào về sự nhân từ thương xót của Chúa? Nhận biết sự nhân từ thương xót của Chúa sẽ đem lại ích lợi gì cho bạn?

Kinh nghiệm của Đa-vít về sự nhân từ của Chúa là kinh nghiệm rất phong phú. Đa-vít là người bị hoạn nạn nhiều đến nỗi ông không thể ngước mắt lên được. Trong hoàn cảnh như thế Đa-vít chỉ còn cách ngửa trông nơi Chúa. Đa-vít đã xin Chúa "chớ khép lòng thương xót của Ngài; nguyện sự nhân từ và sự chân thật của Ngài gìn giữ tôi luôn luôn ... Vì vô số tai họa đã vây quanh tôi; các gian ác tôi đã theo kịp tôi, đến nỗi không thể ngước mắt lên được; nó nhiều hơn tóc trên đầu tôi, lòng tôi đã thất kinh..." (Thi-thiên 40:12). Đa-vít đã từng cầu nguyện xin Chúa "dùng tay hữu cứu kẻ nương náu mình nơi Ngài khỏi những kẻ dấy nghịch cùng họ, xin hãy tỏ ra sự nhân từ lạ lùng của Ngài. Cầu Chúa bảo hộ tôi như con ngươi của mắt; hãy ấp tôi dưới bóng cánh của Chúa" (Thi-thiên 17:6-8).

Đa-vít dám nài xin như thế cùng Chúa không phải vì ông là nhân vật quan trọng, cũng không phải vì ông là người xứng đáng, nhưng vì Chúa có lòng thương xót, nhân từ (câu 7b). Nhận biết sự yếu đuối, tội lỗi, bất toàn của mình, Đa-vít không những xin Chúa tha thứ (câu 7) nhưng cũng xin Chúa chỉ dạy để ông "biết các đường lối Ngài..., theo các nẻo đàng Ngài" (câu 5). Đa-vít nhận biết sự thương xót và nhân từ là bản tính của Chúa, "hai điều ấy hằng có từ xưa" mà con dân Ngài đã từng kinh nghiệm trải qua bao thế hệ (câu 6). Đối với Đa-vít sự nhân từ của Chúa vừa cao cả, lại vừa quí báu vô ngần. Ông đã từng ca ngợi Chúa vì "sự nhân từ của Ngài ở trên các từng trời; sự thành tín Ngài đến tận các mây... sự nhân từ Chúa quí biết bao! Con cái loài người nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa" (Thi-thiên 36:5-8).

Qua kinh nghiệm của Đa-vít, chúng ta có thể hiểu nhân từ bao hàm ý nghĩa bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ, tha thứ, dạy dỗ. Nhân từ là tình yêu thương được thể hiện qua hành động. Chúa đã yêu thương ai thì Ngài yêu cho đến đời đời. Từ tấm lòng yêu thương đời đời Chúa bày tỏ sự nhân từ không hề lay chuyển. Chúa có thể phán một lời thì việc xảy ra như ý Ngài đã định. Ngài có thể dùng lời phán đầy quyền năng đó để cứu giúp loài người. Tuy nhiên, Chúa không chỉ dùng lời để răn dạy hoặc khuyên nhủ nhưng còn "dùng dây ân tình, dùng xích yêu thương" mà níu kéo loài người đến bên Ngài. Dầu chúng ta không yêu Chúa, Chúa vẫn yêu chúng ta vì tự trong bản chất Chúa là tình thương: "Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chếtÙ(Rô-ma 5:8).

Hôm nay là Ngày Cha, chúng ta suy gẫm và cảm tạ Đức Chúa Trời là Thiên Phụ Từ Ái về lòng nhân từ thương xót của Ngài. Dầu nhiều lúc chúng ta không nhận biết sự thương xót nhân từ của Chúa thì Ngài vẫn đối xử với chúng ta cách đầy lòng thương xót, nhân từ. Lòng nhân từ thương xót của Ngài là mẫu mực cho những người cha trên đất. Dầu người con không nhận biết tình thương của người cha trên đất, người cha bao giờ cũng thương yêu con cái. Chúng ta cần nhận biết sự nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời để dâng lên lời cảm tạ, chúc tụng, cũng cần nhận biết lòng yêu thương của người cha trên đất để bày tỏ lòng biết ơn.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn biết ơn và sống xứng đáng là người con yêu dấu đối với Cha trên trời cũng như cha trên đất.

(c) 2024 svtk.net