Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Thời Kỳ Cuối Cùng

Lu-ca 21:5-9

Câu hỏi suy ngẫm: Chúng ta có cần biết ngày tận thế không? Tại sao? Câu 10-13 đã, đang, và sẽ ứng nghiệm như thế nào? Chúng ta cần có thái độ nào khi những hoạn nạn xảy ra? Lời hứa của Chúa tại đây là gì?

Phân đoạn Kinh Thánh này là phần đầu bài giảng của Chúa Giê-xu về sự tận thế (Lu-ca 21:5-36; Ma-thi-ơ 24:1-44; Mác 13:1-37). Tại đây Chúa Giê-xu cho thấy dấu hiệu về ngày tận thế là một diễn trình bắt đầu từ sự ra đời của Hội Thánh.

Để trả lời câu hỏi về sự tàn phá đền thờ, trước tiên Chúa Giê-xu nói đến ý nghĩa những dấu hiệu (21:8-11). Đây là những sự kiện và biến cố đã được ứng nghiệm trong sách Công-vụ các Sứ-đồ. Chúa nói đến việc xuất hiện các tiên tri giả (Công-vụ các Sứ-đồ 8:9-10), về chiến tranh (mô tả giống chiến tranh La Mã đánh chiếm Do Thái năm 66-70 SC), đói kém (Công-vụ các Sứ-đồ 11:28), và sự bắt bớ. Các môn đồ sẽ bị tống giam (Công-vụ các Sứ-đồ 4:3, 5:18, 8:3). Họ không cần lo trước về sự biện hộ cho mình vì Chúa sẽ hướng dẫn họ (Công-vụ các Sứ-đồ 6:9b-10). Mặc dầu bị gia đình và bạn bè từ bỏ, họ đã bền lòng và nhận được sự sống đời đời.

Chúng ta có thể tưởng tượng nỗi lo sợ của các môn đồ khi nghe Chúa Giê-xu nói về số phận của đền thờ, trái tim của sinh hoạt tôn giáo, xã hội đương thời. Đền thờ mà bị tàn phá thì cả nếp sinh hoạt của họ cũng chấm dứt. Chúa Giê-xu không nói cho họ khi nào đền thờ sẽ bị hủy phá nhưng Ngài tiếp tục đề cập thêm nhiều về hoạn nạn. Ý định của Chúa Giê-xu không phải bày tỏ cho các môn đồ những kiến thức bí mật về ngày tận thế nhưng dạy họ biết tỉnh thức và vững tin. Những điều Chúa tiên báo đã và còn đang tiếp tục ứng nghiệm mở đường cho sự tái lâm của Chúa. Thật ra, những điều Chúa tiên báo không chỉ nhằm cảnh cáo nhưng mang âm hưởng đắc thắng, điều mà Cơ Đốc nhân có thể kinh nghiệm, không những khi Chúa đến nhưng ngay giữa cơn thử thách. Chúa Giê-xu cho các môn đồ biết những hoạn nạn sẽ xảy ra, nhưng ẩn bên trong những hoạn nạn là mầm sống mới. Những hoạn nạn đó không thể chạm đến sự cứu rỗi trong Chúa.

Đầu thiên niên kỷ, chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến nhiều lo sợ, hoang mang xung quanh. Nhiều người mang tâm trạng như các môn đồ xưa kia khi nghe Chúa nói là đền thờ sẽ bị hủy phá. Càng mập mờ về tương lai, con người mong muốn có câu trả lời rõ ràng về tương lai. Đối diện với những thảm họa, người tín hữu không cần phải hốt hoảng nhưng cần bình tĩnh vững tin. Hội Thánh không trấn an con người với những bảo đảm bên ngoài nhưng Hội Thánh rao giảng sự hiện diện gần gũi của Chúa trong mọi cảnh ngộ. Trong những hoàn cảnh đen tối nhất, Chúa Giê-xu vẫn hiện diện với chúng ta, như Ngài đã hiện diện với các môn đồ ngày xưa, để ban cho chúng ta sự thông sáng, niềm tin và sức mạnh.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận biết sự hiện diện của Ngài giữa Hội Thánh và kinh nghiệm được sự sống, niềm vui và đắc thắng giữa những khó khăn, bách hại.

(c) 2024 svtk.net