Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Cảm Thông Với Người Phục Vụ

II Cô-rinh-tô 11:16-33

"Ví phải khoe mình, thì tôi sẽ khoe mình về sự yếu đuối tôi"(c.30)

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô nói gì về chính mình? Nhằm mục đích gì? Những nỗi khổ nào Phao-lô đã chịu? Người phục vụ Chúa ngày nay có gặp những thử thách như thế không? Bằng cách nào bạn cảm thông và nâng đỡ các tôi tớ Chúa ngày nay?

Phao-lô là một sứ đồ chân chính của Chúa. Ông không muốn khoe khoang về tài năng, thành quả, hay sự hy sinh, công khó của ông trong việc phục vụ Chúa. Như Giăng Báp-tít, ông chỉ muốn Đấng Christ được tôn cao và chính ông phải hạ xuống. Tuy nhiên, vì có những sứ đồ giả đã quá khoe khoang và dẫn dụ Hội Thánh Cô-rinh-tô đi vào con đường sai lạc, nên buộc lòng Phao-lô phải nói về mình. Đây là việc mà ông gọi là"dại dột" vì không"nói theo Chúa", nhưng nói theo tinh thần của Châm-ngôn 26:5"Hãy đáp với kẻ ngu si tùy theo sự ngu dại nó, kẻo nó khôn ngoan theo mắt nó chăng." Ông phải làm vậy vì muốn giúp Hội Thánh hiểu tâm tình của ông, yêu mến ông, tin tưởng mà nghe theo lời dạy chân chính của ông.

Phao-lô nói rõ về con người của mình không phải để khoe khoang nhưng thể thuyết phục người nghe về chức vụ chân chính của mình. Về lý lịch, ông cũng là người Do Thái, con cháu Áp-ra-ham như các sứ đồ khác (c.22). Về sự phục vụ Chúa, Phao-lô là người phục vụ Chúa đắc lực hơn tất cả (c.23). Hơn ai hết, Phao-lô đã phải gánh chịu những gian khổ nào trong đời sống phục vụ. Ông bị tù đày, bị đòn vọt, bị cướp bóc, bị chìm tàu, đói rách, hà hiếp, phản bội, vv...(c.23-27). Ngoài những gian khổ bên ngoài, Phao-lô còn phải chịu đựng gian khổ nội tâm. Ông lo lắng từng ngày cho từng Hội Thánh và từng con dân Chúa (c.28, 29).

Người phục vụ Chúa ngày nay cũng chịu những khó khăn như bị bắt bớ, phê bình, hiểu lầm, thiếu thốn, phải lo lắng, cưu mang nan đề của Hội Thánh và tín hữu, vv... Trong cương vị người phục vụ, chúng ta cần học nơi Phao-lô tâm tình khiêm nhường và sẵn sàng chịu khổ. Trong cương vị Hội Thánh, đối với những người phục vụ Chúa chúng ta hãy thông cảm, thương yêu, giúp đỡ, cầu thay, san sẻ gánh nặng, thay vì phê phán hay chất thêm gánh nặng lên họ, vv... Cũng là những con người yếu đuối như chúng ta, các tôi tớ Chúa luôn cần sự an ủi nâng đỡ của con dân Chúa để có thể chu toàn trách nhiệm lớn lao mà Chúa giao phó.

Xin Chúa dạy con luôn cảm thông, cộng tác, nâng đỡ và cầu thay cho các tôi tớ Chúa để cùng xây dựng Hội Thánh của Ngài.

(c) 2024 svtk.net