Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Ca Tụng Danh Ngài

Thi-thiên 18:1-3; 46-50

" Tôi sẽ ngợi khen giữa các dân, và ca tụng Danh của Ngài" (câu 49).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua các câu vừa đọc, Đa-vít nhìn thấy Chúa thế nào để ông dâng lời chúc tụng, ca ngợi? Những nhận thức ấy giúp ích gì cho ông? Trong cuộc sống hằng ngày, bạn nhận thức thế nào về Chúa? Bạn thường dâng lời ca ngợi, chúc tụng Chúa thế nào?

Thi-thiên 18 là bài thơ của vua Đa-vít, còn được ghi trong II Sa-mu-ên 22, ông ca ngợi Chúa sau khi Ngài giải cứu khỏi kẻ thù, đặc biệt là khỏi tay vua Sau-lơ (II Sa-mu-ên 22:1).

Hai câu đầu, Đa-vít mô tả Chúa bằng những từ: năng lực, vầng đá, đồn lũy, Đấng giải cứu, cái khiên, sừng cứu rỗi và nơi ẩn náu cao. Những từ ngữ này đều nói lên sức mạnh hoặc phương tiện bảo vệ. Đối với con vật, sừng là vũ khí để tự vệ, sức mạnh của chúng nơi cái sừng. Vì vậy sừng được dùng để chỉ sức mạnh. Khi tác giả nói: "Chúa là sừng cứu rỗi tôiÙ, ông muốn nói: Chúa là sức mạnh giải cứu và bảo vệ tôi.

Cảm thấy mình yếu đuối, không nơi nương tựa là cảm nghĩ thường tình của con người, nhưng Thi-thiên 18 nhắc chúng ta nhớ Chúa là sức mạnh, là nơi trú ẩn, là Đấng giải cứu. Ngài là Đấng chúng ta yêu mến (c.1). Suy nghĩ về Chúa trong ý hướng này sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh để đương đầu với những nghịch cảnh hằng ngày.

Thi-thiên 18 bắt đầu bằng những lời ca ngợi và suy tôn Chúa, ý thức về năng quyền của Chúa trước khi kêu cầu Ngài. Khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta cần ghi nhớ điều đó để đức tin gia tăng. Biết rõ đối tượng chúng ta cầu nguyện là Đấng vĩ đại, cao cả, đáng được ca ngợi, tôn thờ, chúng ta cũng thấy rõ Chúa là Đấng đầy đủ quyền năng để cứu giúp.

Sau khi thuật lại ơn giải cứu của Chúa, Đa-vít kết thúc bằng bày tỏ lòng biết ơn và ca ngợi Chúa. Một lần nữa, chúng ta thấy ông dùng những chữ "vầng đáÙ, "giải cứu" để nói về Chúa, những gì Ngài đã làm. Ông cũng mô tả Chúa là Đấng Hằng Sống, cho thấy tính cách thực hữu của Ngài trong mỗi hoàn cảnh. Đấng chúng ta tôn thờ là Đấng sống, Ngài biết rõ nhu cầu và sẵn sàng giúp đỡ khi ta kêu cầu Ngài.

Được Chúa giải cứu là điều chúng ta đã kinh nghiệm, nhưng sau khi hưởng ơn của Chúa rồi, chúng ta dễ quên ơn đó và xa Chúa. Chúng ta cần có tâm tình như Đa-vít: ca ngợi khi bị hoạn nạn và ca ngợi sau khi được giải cứu.

Chữ "báo oán" trong câu 47 không hàm ý trả thù, nhưng nói về việc phân xử công minh của Chúa. Chúa báo oán chứ không phải tác giả. Đúng như lời Chúa dạy: "Sự báo thù thuộc về ta" (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35). Khi có hiềm khích với người khác, điều cần làm là trình bày vấn đề cho Chúa, đừng tìm cách trả thù, chính Chúa sẽ phân xử công minh cho ta.

Câu 49 đã thành sự thật, chẳng những trong đời sống của Đa-vít mà cả những người tin nhận Chúa Giê-xu sau này. Sứ đồ Phao-lô trích lại Thi-thiên 18:49 trong Rô-ma 15:9, cho thấy rõ điều đó. Đời sống của chúng ta cũng có thể khiến người khác ca tụng Danh Chúa nếu chúng ta bày tỏ lòng biết ơn qua những lời xưng tụng và ca ngợi Ngài. Chúa chẳng những làm ơn cho Đa-vít, một vị vua (c.50), nhưng cho mỗi chúng ta là người được chọn của Ngài (Ê-phê-sô 1:3,4).

Cảm tạ Chúa là vầng đá cho con nương náu, là cái khiên che chở con và là Đấng Giải Cứu con. Con hết lòng chúc tụng Danh Ngài. Xin giúp con sống ca tụng Danh Ngài mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net